Có một mùa cỏ rì rào trong mưa phùn giăng giăng bên sườn núi. Cỏ vươn mình trong cái se se cuối xuân, tí tách từng giọt rơi qua kẽ lá nhọn hoắt. Chao ôi, chỉ muốn chạm tay vào những hạt ngọc trong suốt của mưa đọng trên cỏ ấy mà không dám.

Mong manh và dịu dàng quá đỗi! Chú chuồn chuồn chao cánh trong mưa, chạm nhẹ vào những đóa hoa tim tím của đám cỏ hôi lúp xúp giữa các vồng đất nâu sẫm, khiến chúng lắc lư nhè nhẹ.
Có một mùa cỏ xanh xanh vào ngày nắng hửng, chiếc lá nhỏ của cây cỏ thẹn xấu hổ khép hờ mắt khi mùi của nắng tỏa ra xen lẫn trong mùi hăng hăng của đất, cái nụ nhỏ lấp ló trong lá chờ ngày khoe sắc.

Từ một cây cỏ lá dài, với một chùm thân nhỏ bỗng bật lên những chuỗi hoa li ti như đám trứng ếch dưới mặt hồ xanh biếc mùa nước nổi. Từng dãy cỏ dài như thế tạo nên một khoảng mờ ảo như hơi sương trên lưng đồi lúc chiều tà.

Này là cỏ gà, này là cỏ xước, này là cỏ may … cơ man nào là cỏ, cỏ có tên, cỏ không tên, cây cao, cây thấp trải dài đến tận chân đồi như một tấm thảm nhung xanh óng ả với một sắc cỏ trong thơ Nguyễn Du:

Cỏ non xanh rợn chân trời

Đám học trò chọn đồi cỏ để ghi lại những kỉ niệm thanh xuân của mình, tà áo dài trắng dập dìu trên cỏ xanh như đàn bướm nhỏ. Cả ngọn đồi râm ran tiếng gọi nhau như ngày hội.
Có một mùa cỏ đẹp nhất trong năm, hương cỏ thoảng trong gió khiến lòng người xao động. Màu cỏ xanh non mơn mởn như gom mật vào những lá, những mầm đang độ sung sức nhất, chờ dịp để bung tỏa. Hương cỏ vấn vít theo bước chân của người đi như níu kéo, như lưu luyến. Sắc cỏ, hương cỏ nõn nà, rười rượi như người con gái đang độ xuân thì, đang say đắm trong khát vọng tình yêu.

Mùa cỏ ấy là lúc người ta đợi nắng lên, cắt và đem phơi dành mùa đông giá lạnh làm lương thực cho đàn bò nhà. Cả đồi cỏ vang tiếng máy cắt xoèn xoẹt, cỏ tung ra theo nhịp bước, mùi cỏ ngai ngái phả vào trong không gian rộng lớn.

Nắng chói chang trên khắp núi đồi, rắc cái ánh vàng oi nồng đầu hạ lên ngọn keo đang ưỡn mình trong gió. Người ta phải chọn đúng những ngày ấy hương cỏ mới ngọt, mới thơm cái mùi của nắng, của gió.

Hương của cỏ khô khiến cho cánh mũi bất giác phồng to ra, hít thật sâu, thật sâu vào trong lồng ngực mà không thấy đã. Tôi dùng cào gom đống cỏ lại, phảng phất như có mùi hương của rơm nếp ngày mùa và cả sự hoang hoải mà phóng khoáng của cỏ.

Tôi cùng nhóm bạn nhiều lần chui vào lán của những người đi canh nương, mê mải ngắm đồi cỏ trong tiếng cu gù gọi bạn thổn thức cả trưa lặng gió, tiếng bìm bịp đem nỗi buồn giăng kín cả ngày mưa, tiếng chim bắt cô trói cột thê thiết. Cõi lòng chợt bình yên như những tháng ngày thơ ấu, đạp xe qua đồi cỏ đến trường.

Mẹ bảo, lên đồi cỏ, nhớ lấy cho mẹ ít cỏ mần trầu về nấu nước gội đầu nhé! Tôi lom khom trong các khóm cỏ, chọn lấy cụm cỏ nửa bò nửa vươn thẳng, lớp lông tơ mềm mại phủ trên dải lá dài, có cụm đã bắt đầu nhú lên những bông hoa nối nhau xòe ra như ngón tay. Chốc lát, đã được một nắm to.

Người già trong làng nói rằng dùng nước của loại cỏ này để gội đầu thì tóc đen, mượt, không bị rụng; không thì nấu uống cũng được, hợp với những người nóng gan, da xấu, huyết áp cao; hay là dùng chung với một số loại cỏ khác để hạ sốt.

Có một mùa cỏ tràn ngập sinh khí của đất trời, ấy là mùa những người trong bản thường đi lấy cây cỏ về làm thuốc, thuốc cho người già đau mỏi xương cốt, thuốc cho bà mẹ sau sinh, thuốc bổ máu …

Những cây thuốc mà họ gọi tên theo cách của họ, chúng tôi dù cố cũng không thể nào nhớ được. Họ chọn những cây không còn non, cắt ra và mang về, phơi khô, khi nào cần sẽ đem ra sử dụng.
Những loại cỏ ấy thường được người ta đem về trồng trong vườn nhà như một loại dược liệu cần thiết. Một ấm thuốc là sự phối hợp của nhiều loại cây cỏ khác nhau, nhưng đều băm nhỏ, phơi khô, nấu uống thay nước hàng ngày với vị hơi chát.

Rồi cỏ mênh mang, mênh mang như một khúc hoan ca mùa xuân, kéo dài từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác, chen trong những cây keo mới trồng được ba tháng. Dạo chơi, ngắm nghía chán chê, chúng tôi thi nhau hái những cây rau dại mọc lẫn trong cỏ, ngọn lạc tiên tốt cho giấc ngủ, bồ công anh nhuận trường, bổ máu, rau tàu bay mát gan, giải độc, … để làm món rau rừng xào tỏi cho buổi tối. Lấy rau về, chọn ngọn non, chần qua nước sôi rồi xào với tỏi ăn cùng gạo mới, chị tôi xới cơm không kịp cho cả nhà. Em gái nhỏ hí hửng: Mai em lên hái tiếp nha chị? Cả nhà cười ran trong bóng trăng mờ ảo trước ngõ.

Vào mùa cỏ, triền đồi xanh mướt trở thành sân chơi của đám trẻ con trong các xóm nhỏ. Chúng đi theo mẹ, rủ nhau đuổi cào cào, châu chấu bay loạn, cánh đỏ, cánh xanh xập xòe mớ ba mớ bảy. Đuổi chán, chúng quay sang tìm đám cỏ xấu hổ, giành nhau chạm vào để những chiếc lá khép lại, thỉnh thoảng lại a lên vì bị gai cào vào tay.

Mệt phờ, lại lăn tròn trên đám cỏ mật êm như một tấm nệm xanh mướt. Buổi chiều rộn ràng trong tiếng reo hò, tiếng í ới của mọi người. Phía xa, mõ trâu lóc cóc điểm nhịp như đếm bước thời gian, ung dung trở về nhà.

Cứ ngỡ rằng cỏ mềm và dịu dàng quá đỗi. Đi qua những ngày mưa giông nước ngập cả cái cầu tre bắc sơ sài qua con suối cạn mới thấy được sức sống của cỏ. Ngập chìm suốt cả mấy ngày mưa, nhưng rồi nước rút, cỏ vẫn xanh, vẫn kiêu hãnh vươn lên trong gió, đôi chiếc lá lấm tấm vài vệt bùn non như những cái mắt nhỏ ngơ ngác nhìn quanh. Vài chiếc lá quăn tít của rau dún đã ngấp nghé trong các kẽ đá, bên cạnh búi cỏ mực xanh đậm đang cố chen để hướng về ánh nắng. Và hoa dại đã bắt đầu bung nở trên đồi cỏ mênh mông.

Chúng tôi lớn lên, rời xa đồi cỏ, nhưng vẫn phảng phất hương cỏ trong kí ức. Và nếu trở về sẽ chạy ngay lên đồi, nghe bàn chân trần man mát chạm vào cỏ, cảm giác thật an nhiên. Giữa bao thương nhớ, đồi cỏ vẫn hiện hữu, vẫn thơm nồng cùng thời gian, giữ lại những bình yên trong cõi đời. Rời xa đồi cỏ trong tiếng gió reo, lòng tôi ngân nga những câu thật tình của nhà thơ Thanh Thảo:

Mười tám hai mươi sắc như cỏ
dày như cỏ
yếu mềm và mãnh liệt như cỏ