Dong riềng là loài hoa đã đi liền với ký ức tuổi thơ của tôi. Gắn bó, vấn vít, không thể quên, không thể phai mờ, như dòng suy tưởng về một thời nghèo khó, vất vả.

           Bố mẹ tôi là công chức nhà nước nhưng vì đông con, đồng lương eo hẹp nên nhà tôi lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu ăn. Bố mẹ tôi khai khẩn một cái thung (vùng đất bằng ở giữa các ngọn núi) rộng tầm hơn 2ha làm nương rẫy để tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Đường đi vào thung phải leo qua một triền núi không quá dốc nhưng có nhiều mỏm đá tai mèo sắc nhọn, rễ cây ngoằn nghoèo vắt qua, có đoạn còn phải luồn dưới bụi cây rậm rạp.

                        Mỗi lần đi qua con đường đó để vào thung là một lần trải nghiệm thú vị đối với chúng tôi. Lúc thì vớ được chùm quả mây ngọt lịm. Lúc lại bắt được con bổ củi cánh xanh biếc như con cánh cam, lúc lại là con gián đất cuộn tròn như hòn bi ve, bắt đem về nhà chờ đợi mấy ngày nó cũng không chịu duỗi người ra, lúc lại ngẩn ngơ vì một chùm hoa lạ có mùi thơm như kẹo… Những thứ đó giúp chúng tôi quên đi cái bắp chân đang mỏi nhừ, hơi thở đứt quãng vì leo dốc.

           Qua đỉnh dốc là có thể nhìn thấy cái thung thân yêu của gia đình tôi. Thung trồng nhiều loại cây cối, hoa màu như ngô, khoai, sắn, lạc, đậu… nhưng chiếm diện tích nhiều nhất đó là những vạt dong riềng xanh tím rậm rạp. Dong riềng có loại lá xanh hoa vàng và loại lá hơi tía hoa đỏ.

Nhà tôi chỉ trồng loại lá tía vì năng suất cao hơn. Đất thung tự nhiên không tưới tắm, bón lót gì mà cây cỏ cứ tốt ngút ngàn. Các bụi dong riềng ở đây cao lớn hơn hẳn dong riềng trồng ở vườn nhà. Cây cao có khi lên đến hơn một mét rưỡi, lá to như lá dong gói bánh chưng, màu xanh ánh tím, mướt mát dưới nắng mặt trời.

           Cụm củ dong riềng phát triển tối đa có thể có đường kính đến nửa mét. Những củ dong riềng tim tím, mập mạp, chắc nịch, to như nắm tay, hứa hẹn cho nhiều tinh bột, nhưng cũng hứa hẹn những đôi vai, những cái lưng của chúng tôi sẽ phải oằn xuống rất thấp dưới sức nặng của chúng.

Đến mùa hoa dong riềng nở thì cả thung như một tấm thảm đỏ rực. Màu đỏ của hoa tạo nên một cảm xúc rất lạ. Xao xuyến, bồi hồi. Đến tận bây giờ, mỗi khi bất chợt bắt gặp một bông hoa dong bên đường, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc ấy. Tôi vẫn có thể ngắm nhìn chúng say sưa, bồi hồi, quên hết mọi thứ xung quanh.

                         Đến mùa hoa dong riềng nở thì cả thung như mở đại tiệc mật hoa. Cả người, cả ong, cả bướm đều say sưa hút mật. Lũ trẻ chúng tôi sẽ bẻ những bông hoa xuống, rút nhẹ ra khỏi đài, dùng miệng hút phần cuống hoa. Một vài giọt nước ngọt ngào như mật sẽ đọng lại trên lưỡi, đem lại cảm giác sảng khoái, xua tan mệt mỏi.

Mật hoa dong riềng ngọt ngào như thế thảo nào lũ ong, bướm cứ ríu rít, vo ve xung quanh những bông hoa suốt ngày. Hút mật chán chê, chúng tôi lại thái nhỏ cánh hoa giả làm thức ăn chơi đồ hàng hay ngắt các bông hoa xâu vào cọng cỏ thành một sâu hoa rực rỡ làm hoa tai, vòng cổ, vòng hoa đội đầu…

           Hoa dong thì đẹp, mật hoa thì ngọt, cảnh thì thơ mộng đấy nhưng cuộc sống lại cực nhọc lắm. Mùa thu hoạch củ dong anh em tôi rất vất vả. Chúng tôi phải đi vào thung từ sáng sớm tinh mơ, mang cả cơm đi để ăn trưa. Cây dong sẽ bị chặt gần sát gốc, bố mẹ và anh lớn bổ những nhát cuốc chắc nịch nhưng khéo léo xuống xung quanh bụi dong, lật lên những tảng củ to, nặng, đám trẻ con bọn tôi dỡ đất bám ở củ, cắt rời từng củ ra khỏi bụi, chất thành đống.

Sau khi đã đào được một lượng củ đủ một chuyến đưa về, cả nhà sẽ tập trung cắt rễ sạch sẽ, cho vào bao tải. Cuối buổi chiều, khi đám trẻ con chúng tôi vẫn đang tiếp tục cắt nốt chỗ rễ củ còn lại thì bố và các anh lớn lần lượt vác các bao củ dong ra khỏi thung.

                        Mọi người vác theo kiểu luân phiên, đưa một bao lên trước, đến khi thấm mệt thì bỏ xuống, quay trở lại vác bao của người đi sau, người đi sau lại vác bao của người đi sau nữa, cứ thế cho đến hết. Thời gian quay trở lại để vác bao tiếp theo chính là thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Đến khi những bao dong cuối cùng đi ra khỏi thung cũng là lúc cả nhà kéo nhau ra về.

Củ dong thu hoạch về được chất đống ở sân. Phần thì sẽ bán cho những người có nhu cầu, phần làm thức ăn cho gia súc, phần thì được xay xát để lắng lọc lấy tinh bột. Tinh bột dong riềng có thể dùng làm miến dong, làm bột bánh, gia vị. Các công việc đó đều rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức do thời đó chưa có nhiều loại máy móc hỗ trợ như bây giờ.

           Anh em chúng tôi ai cũng có đôi tay ố vàng vì nước ngâm tinh bột dong riềng. Và sau cùng, phần không thể thiếu trong mùa thu hoạch là những nồi củ dong luộc nóng hôi hổi. Những củ dong tim tím, già đanh, nứt vỏ, để lộ lớp bột bên trong.

Cắn một miếng củ dong thấy bở tơi trong miệng, vị ngọt nhẹ và không bị ngán như ăn khoai, ăn sắn, những đứa trẻ ăn không gọn gàng, sạch sẽ, tinh bột còn lấp lánh trên môi, trên má, trông rất đáng yêu. Tuy nhiên, dong riềng chỉ là thứ để ăn chơi chứ không thể cứu đói như củ khoai, củ sắn quen thuộc.

                        Ngày nay đời sống sung túc hơn, củ dong riềng cũng ít thấy hơn hẳn so với ngày xưa. Miến dong cũng không được ưa chuộng bằng miến gạo nên mọi người ít trồng hơn. Hoa dong riềng cũng vắng bóng trong vườn, bên hàng rào mọi nhà. Nhà tôi cũng không làm nương rẫy từ rất lâu rồi. Thung xưa giờ đã trở nên hoang hóa, cây rừng mọc che lấp lối đi. Tuy nhiên, những dấu ấn tuổi thơ trong đó có màu đỏ của hoa dong riềng sẽ mãi mãi còn lại trong tâm trí tôi. Êm đềm, yên ả và cũng không khỏi có chút xót xa.