Hương chè chắt nắng

    Phạm Ngọc Thạch

    Hun hút những con đường tăm tắp như mê hồn trận, ngây ngất màu dã quỳ ấm rực trời đông, phảng phất mùi chè xanh thơm lựng tỉnh táo cả tâm trí… Một Lai Châu phóng khoáng choán ngợp tầm mắt tôi.

                Thú nhất ở đây là mỗi buổi sáng thức dậy, trong hơi sương vẫn còn run run lạnh, xuýt xoa thưởng thức ấm chè ngon với bạn bè tại một quán nhỏ ven đường. Rồi trầm ngâm ngắm nghe tiếng đồng hồ đang chậm rãi gõ nhịp, đếm đo thời khắc bình minh đi qua. Bỗng, anh bạn người Lạng Sơn ồ lên: “Hôm nay mới biết là uống chè cũng rất dễ làm người ta nghiện, sao hương vị chè ở đây thơm ngon thế?”.
    Mọi người trong bàn đều bật cười, sảng khoái, vì câu nói quá đúng, và quá… hiển nhiên. Mỗi tách với giọt giọt chè xanh lựng thơm đã quyện hương vị của mùa qua, chắt chiu ngọt lành từ mẹ đất, từ những sợi nắng rát bỏng xứ Tây Bắc. Chè Tam Đường rót vào đêm, đêm với những vì sao trên trảng cỏ bằng phẳng, đêm long lanh sắc màu.
               Chè kết tinh tình cảm của mọi người bởi sau những buổi tụ tập, trước hay sau khi ăn uống xong không thể thiếu ấm chè nóng, đơn giản vì mình đang sống trên mảnh đất ấy, chè xanh đã trở thành biểu tượng, gần gũi như chính vùng cao này.
    Ngay trong dịp thu hoạch chè xanh, đến sân nhà nào cũng thấy vạn búp chè gom nắng để tự mình quắt khô, để nhân thêm vị chát ngọt hậu đậm đà, quyến rũ. Còn đến những khu vườn chè dài bất tận, lại thấy xung quanh chè có rất nhiều câu chuyện lý thú.
    Ảnh: Phạm Ngọc Thạch
    Khó có thể tưởng tượng vùng đất bao la này xưa kia là trùng điệp đồi chè với những người công nhân từng lên khai mở vùng đất mới theo tiếng gọi của Tổ quốc như lời thơ “Tiếng hát con tàu” do nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
    “Tây Bắc ư? có riêng gì Tây Bắc
    Khi lòng ta đã hóa những con tàu
    Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
    Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.
                            Niềm tự hào của những người công nhân chè từng gắn bó với núi đồi Tam Đường (cũ) rồi lại chứng kiến cảnh các cây chè cằn cỗi, bị cỏ hoang vùi lấp. Thế rồi cũng chính tâm huyết của con người ấy đã hồi sinh cây chè, bàn tay chai sần của người công nhân lại hái từng búp chè xanh non mơn mởn. Năm tháng trôi đi, những công nhân vùng chè tạo nên thương hiệu chè. Trầm thăng cây chè vẫn ngày ngày được bà con nhắc nhớ trong các câu chuyện râm ran mùa thu hái.
    Vào mùa vụ, các gia đình có diện tích thu hái chè khá rộng, vì thế, bà con lối xóm rủ nhau đổi công, vài ngày chuyển sang hái ở một nhà, rủ nhau cùng đi, vừa hái vừa chuyện trò rôm rả, không khí đầm ấm như một gia đình lớn. Cảnh vật hữu tình, lòng người chất phác, trong chiều hái chè, tôi bắt gặp một Tây Bắc mộc mạc mà chân tình. Chợt hiểu vì sao vùng đất này đã đi vào thơ, vào văn, vào câu hát, mê hoặc, đắm say, níu hồn người đến thế.
               Lai Châu mùa chắt nắng, giọt giọt nắng lạnh rót vào bình yên của ngày. Cũng trên đồi chè thấp thoáng thấy những thân cây xòe tán rộng, vững chãi, vì núi đồi thấp nên cây ngả bóng trên lưng trời. Lúp xúp mặt đất là bông cỏ mảnh mai, ngả vàng, uốn chiều theo gió. Đứng, ngồi, hoặc nằm, cô bạn tôi loay hoay tạo dáng.

    Trong khuôn hình, cảnh vật đẹp như những trảng cỏ thảo nguyên chỉ thấy trong câu thơ Nga. Và từ miên man trở về với thực tại, chúng tôi đi hái “thử” chè nên để tay trần, nghe chừng thích thú lắm! Trong khi bà con hầu hết đều đeo găng tay, song cánh tay vẫn ram ráp, vẫn nhừ mỏi, sần chai vì hái trong rất nhiều ngày. Với những người làm nhanh, kỹ thuật chuẩn phải đáp ứng “một tôm, hai lá”, tuy nhiên với việc hái bằng máy móc hiện nay, một số lá đã già vẫn được cắt khiến tôi băn khoăn, vì như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chè.

    Ảnh: Phạm Ngọc Thạch
    Thổ lộ với một vài gia đình có thâm niên hàng chục năm trồng chè, tôi được biết đã gắn với đất, yêu nghề thì còn vô số những mối lo, những băn khoăn tương tự. Nào là đầu ra, ép giá, rồi sự lên xuống thất thường của giá cả. Rồi còn cả chuyện giữ thương hiệu chè khu vực nữa! Quả thực nếu uống ngụm chè chát Tam Đường rồi, khi mua không đúng loại chè sản xuất ở khu vực này uống vào đều cảm nhận được ngay.
              Nhưng dù đúng là nguồn chè khai thác của vùng, thì cách pha, nguồn nước, cách thưởng thức chè cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu chí của một tách chè xanh thơm ngon. Cũng là điều may mắn khi tôi từng được uống chè ở những vùng đất chè trong tỉnh như huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu và tham gia các Hội chợ trưng bày, giới thiệu chè của tỉnh.
    Theo đánh giá chung thì các chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là quảng bá cho thương hiệu chè trong vùng, song tôi thấy dường như vẫn thiếu lửa, thiếu sức hấp dẫn du khách và chưa thực sự cất lên được giá trị đích thực của cây chè – nguồn lợi, đặc trưng của vùng.
                          Trong thời đại hội nhập, thương hiệu quả là vấn đề long đong cho bất kỳ doanh nghiệp muốn phát triển nào? Tận dụng quảng cáo, tuyên truyền, mở rộng sản xuất để chiếm lĩnh thị trường là mơ ước chung của mỗi Công ty chè, và muốn vậy, chẳng có phương án nào ưu việt hơn việc xây dựng chiến lược đúng đắn để khẳng định uy tín của mình trên thị trường. Đó cũng là lời chúc của tôi cho những Công ty chè mà khách hàng chỉ nhìn lướt qua rồi chuyển sang mua loại có thương hiệu, mẫu mã đẹp, dù có thể chất lượng đằng sau bao bì cũng chỉ ngang nhau?
    Cây chè ngắt xanh chứa trong nó rất nhiều những câu chuyện. Thời bây giờ, ấm chè thơm đã đến từng ngõ phố, đến tận những nơi sầm uất với những quán ăn đẳng cấp. Uống chè trong chính vùng đất sản sinh cây chè, rồi miên man một chút với nghề làm chè, chợt thấy mỗi ngày vẫn cần những phút buổi sáng, lắng lòng lại, rồi thưởng cho mình chút tỉnh táo để bắt đầu một ngày mới năng động, sáng tạo và hiệu quả.