Hồn quê

 

 

 

 

 

 

Con đường quê lượn giữa cánh đồng chiều nay như đẹp hơn khi đám xuyến chi dại lắc lư những bông hoa trắng muốt trong gió. Người ta không nở lòng phạt đi nên chúng được dịp mà khoe chút nhan sắc đồng nội trước khi lụi tàn trong cái nóng như thiêu đốt của hè.

Những luống rau xanh hai bên đường như những nét cọ mong manh của người họa sĩ kéo trên bức tranh quê với gam màu vàng chủ đạo của những thửa ruộng khi bao bông lúa đã cuối đầu. Tôi cứ muốn chầm chậm vòng xe để nghe hồn quê thổn thức trong chuyến về nhà lần này. Lần nào chạm ngõ miền nhung nhớ ấy, trong lòng kẻ tha hương cũng dậy lên một nỗi niềm như bầu rượu đã nén ủ men từ lâu chực chờ nhỏ giọt. Tôi dừng xe hẳn cho chút hương quê nồng nàn vờn lên mái tóc, vờn lên da thịt. Cho những ký ức của một thời xưa cũ chảy tràn căng lồng ngực, thấm vào từng tế bào trên cơ thể. Với tôi làng quê nhỏ ấy chính là nơi lưu giữ chút hồn quê nhà mà vẫn thường hiện hữu trong những giấc mơ đời của mình.

Tôi xa nơi ấy khi là chàng trai mới mười tám đôi mươi. Ước mơ bay khỏi lũy tre làng ra biển lớn của mình đã thành hiện thực nhờ đôi cánh mà ba má đã một nắng hai sương trên cánh đồng làng chắp nên. Học hành rồi lập nghiệp nơi phố thị hơn nửa đời người những tưởng sẽ thay đổi một con người đã từng rũ bùn mà đi nhưng cái hồn quê tôi luôn cất giữ đâu đó bên mình. Đó là mái nhà xưa nơi mình lớn lên bên những người thân yêu nhất. Ngôi nhà ngói ba gian rêu phong theo năm tháng cứ mãi thi gan với thời gian. Nơi ấy là chiếc tổ cho đàn chim con tung cánh để giờ đây mỗi khi về lại chỉ còn thấy sự trống vắng. Tôi đi giữa sự thênh thang của khu vườn nhà mà nghe hồn quê trong lòng mình trào dâng.

Vẫn còn đây cây xoài ông tôi trồng năm nào nhưng giờ nó đứng đơn côi nơi góc vườn vì tìm đâu ra tiếng cười của con trẻ leo cành cao đùa nghịch.

Hàng cau bà trồng vẫn còn vươn thẳng ngọn nhưng chẳng còn dây trầu bện chặt thắm thiết bên thân vì thiếu bàn tay người chăm bón. Còn đó thềm nhà cao nơi ông bà vẫn thường ngồi trông ngóng đàn cháu từ phương xa trở về qua đôi mắt đã mờ và thính giác cũng không còn nguyên vẹn giờ thêm rêu phong hơn. Ông bà lánh xa chốn tục lụy về miền mây trắng từ lâu rồi và thềm xưa ấy lại đón những bước chân khập khiễng của má lần hồi mỗi sáng, mỗi chiều.

Thời gian đổ dài trên những phận người và thềm nhà ấy in dấu của bao người xưa cũ. Nụ cười hiền từ của ông khi đàn cháu nhỏ thi nhau vuốt chòm râu dài nơi cằm, miệng bà bỏm bẻm nhai trầu với đôi mắt nhìn xa xăm trông ngóng như vẫn còn in bóng nơi bậu cửa nhà xưa. Bây giờ được sống trong ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi của thời hiện đại, tôi vẫn thích chui vào gian bếp nhuốm màu khói củi mỗi khi về lại nhà mình. Những làn khói nhỏ bay xuyên qua ô cửa sổ như những chiếc dây bện chặt bao ký ức của một thời quá vãng. Nhà xưa còn đó, người xưa đâu rồi? Câu hỏi vu vơ bất chợt trong đầu tan ra trong gian bếp quạnh hiu. Chỉ còn nghe tiếng của mấy con gà bươi ngoài chái hè sột soạt và mớ tơ nhện lùng nhùng phất phơ nơi góc bếp.

Rót một bát nước chè sóng sánh trong cái ấm ám khói củi đen bóng mà má đã nấu từ chiều sớm, tôi uống một hơi dài và thấy như ngon hơn bất kỳ thứ bia nào mà mình đã uống. Tôi đang nhấp nháp chút hồn quê chính nơi nhà xưa của mình nên vị giác bị đánh thức. Thì ra hồn quê là những thứ đã thấm vào từng tế bào của ta tự thuở nào.

Chiều đã buông dài trên xóm nhỏ. Khói bếp nhà ai len lỏi những sợi mong manh nhè nhẹ lên cao tan vào không gian mênh mang của một vùng quê yên ả. Những ngọn khói quê nhà là hình ảnh bao giờ cũng đẹp dù bây giờ không còn mỏng mảnh bay lên từ những mái tranh.

Bức họa đồng quê của một chiều xuân như thế này làm chùng chình bước chân của kẻ lạ mà quen. Tôi thả bộ theo con đường chạy quanh những nóc nhà quen thuộc để tìm lại chút hương xưa, gặp lại những con người muôn năm cũ.

Con đường tràn ngập cỏ bò ra cả lối mòn vì lâu nay dường như vắng dấu chân người qua lại. Lớp người trẻ hầu hết đã bỏ quê vào phố nên xóm vắng hơn khi chỉ còn lại những người già bám trụ. Mùi cỏ dại cứ như muốn níu kéo bước chân, bám riết lấy từng nhịp thở của một kẻ đã giã từ nó mà đuổi theo nhịp sống nơi phố thị. Tôi ngồi bệt xuống nơi vệ cỏ để mùi hương đồng cỏ nội của một thuở chăn trâu, thả diều, bắt cá trên đồng làng mơn man xác thân đã phố hóa ít nhiều rồi. Nhịp tim mình như gấp gáp hơn khi gió đưa hương lúa nồng nàn phả vào mặt. Mùi của rơm rạ, của khói đốt đồng đâu đó cứ xoắn lấy cảm xúc. Tôi nhìn lên trời chiều xanh thẳm mà nghe những dùng dằng mâu thuẫn của chính bản thân mình quẫy đạp. Lúc bé thơ ngồi thong dong trên lưng trâu loanh quanh cánh đồng quê mà mơ màng chốn phồn hoa phố thị, rồi một ngày mỏi mệt với ồn ào, nhộn nhịp của phố lại da diết nhớ cây rơm, nóc rạ nơi quê nhà, lại thèm chút hương xưa ngập tràn nơi khứu giác. Hương của phố có thể dậy lên từ những món ăn ngon mà ta vẫn thưởng thức hàng ngày, từ mùi nước hoa sang trọng trên áo quần ta mặc, quyến rũ từ những loại mỹ phẩm trên làn da. Nhưng có một thứ hương lại ngan ngát trong con tim của những người lớn lên trên ruộng đồng sông nước – mùi hương quê.

Nó là những gì còn sót lại mà không dễ bị bào mòn và vẫn nằm im đâu đó trong lòng. Để rồi có những lúc ta nghe dậy lên một mùi quê hương xứ sở mỗi khi gót chân ta chạm lại mảnh đất xưa. Đó chính là hồn quê của một người gởi đời cho phố lâu rồi.

Đang ngây người ra giữa chiều quê, tôi gặp lại những người thân quen của xóm cũ đi làm đồng về. Nụ cười, ánh mắt, tiếng chào hỏi thân tình của họ làm tôi cảm thấy như mình có lỗi vì không biết tự bao giờ mình đã xa dần mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Những con người mà tấm thân đã bạc thếch với nắng mưa, hao gầy theo năm tháng nhưng tình nồng họ vẫn còn vẹn nguyên. Họ đón những con người xuất thân từ làng mà đi bằng tấm chân tình mộc mạc, hiền lành vốn có như đón chính người thân của họ trở về. Chẳng có chút khách sáo, xã giao nào trong những nụ cười đôn hậu, trong những ánh mắt rạng ngời hằn bao vết chân chim và trong cả những đại từ nhân xưng bình dị, thân thương “con”, “cháu”,”em”… mới về chơi đó hả? Đó chính là hồn quê mà những phố thị náo nhiệt không có được. Những con người quê theo năm tháng đã bị bào mòn đi ít nhiều vì nhịp sống thị thành. Cuộc sống nơi những thành phố, thị xã đông người với muôn vàn những bất an làm ta luôn cảnh giác với mọi người xung quanh. Vào ra cửa đóng then cài làm cho tình cảm cứ dần bị mai một. Những con người sống gần nhau trên cùng một con phố hàng ngày vẫn hay giáp mặt nhau nhưng sao cứ nhạt nhòa. Ta thèm lắm chút hồn quê giữa phố. Ta ước ao người ta bớt lao theo những giá trị vật chất mà hãy trao cho nhau thật nhiều, thật nhiều những yêu thương.

Bóng hoàng hôn đã phủ xuống cánh đồng khi mặt trời lặn sau ngọn núi nơi lưng xóm. Tôi cứ đứng như thế và chưa dời gót vì muốn tự thưởng cho mình một buổi chiều đầy cảm xúc. Hàng tre đầu xóm xao xác lá sắp đón trăng lên. Tôi nhận ra ông bác hàng xóm với mình quảy đôi gánh nhẹ tênh cứ thong dong bước trên con đường giờ đã vắng người đi. Sau câu chào của tôi, ông vỗ vai cười khà rồi hỏi thăm rối rít trong khi đôi gánh với những món đồ đan bằng mây tre chưa bỏ mối hết còn đung đưa trên vai. Ông là người hiếm hoi ở xóm này còn giữ nghề đan lát kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Ngày xưa đàn ông trong xóm ai cũng biết đan để tạo ra những vật dụng bằng mây tre dùng trong nhà như nong, nia, giần, sàng, rổ, thúng… Đồ nhựa của thế giới hiện đại đã làm mất đi những thứ vật dụng thân thiện ấy. Tôi vừa hỏi thăm ông vừa mân mê những thứ đồ dùng mà đã lâu rồi mình không còn thấy.

Khi nghe tôi nói bác là người níu kéo chút hồn quê mà giờ đã gần như mai một, ông cười khà rồi lại tiếp tục bước. Bỗng dưng hình ảnh ông tôi ngồi dưới bóng mát của cây xoài trong vườn vót nan tre với điếu thuốc lá quấn bằng giấy trễ bên môi cứ chờn vờn đâu đó lúc ông bác vừa đi khỏi. Rồi đây bao nhiêu thứ sẽ chỉ còn lại trong nỗi nhớ của những con người quê khi cuộc sống cứ trôi dần về trước.

Trăng đã lên nhưng chiều vẫn chưa đi hết. Đã lâu lắm rồi tôi mới được đắm mình trong cảm xúc quê nên cứ muốn mở hết tất cả các giác quan để hồn quê thổn thức. Ta đã già? Quê đã già? hay phố hóa lòng ta? Những câu hỏi cứ xoay vần tôi cũng không biết trả lời như thế nào đi nữa. Thứ mà ta không thể níu kéo đó là thời gian và thứ mà thời gian không thể xóa nhòa đi được là hồn quê. Nó vẫn còn đâu đó để rồi một ngày ta lại nghe lòng rạo rực. Tôi vừa đi vừa lẩm nhẩm câu thơ của Nguyễn Bính như nhắc nhở lòng mình:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy U mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Hình ảnh: Tô Mạnh
Thiết kế: Hồ Huy