M ẹ tôi có phong thái, nếp sống rất “tư sản” kiểu nhân vật bà Hiền trong Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, nhưng lại có tay nuôi trồng rất “thuần nông”! Trong kí ức của tôi, hình như ở bất kì nơi nào, chỉ cần một mảnh sân nhỏ xíu phía sau ngôi nhà ở đường Mạc Thị Bưởi (Nam Định), vài mét ban công ở tầng ba khu tập thể Thành Công (Hà Nội) hay mảnh vườn rộng ở khu tập thể giáo viên nơi sơ tán…, mẹ đều có thể tận dụng nuôi trồng một thứ cây, con gì đó.

Mẹ nuôi từ gà, ngan đến thỏ, lợn, con nào con nấy đều đua nhau ăn, thi nhau lớn. Mẹ tận dụng thức ăn thừa, đong thêm ngô, mua cám bánh, bã đậu, mỗi ngày nấu một nồi cám, cho cả đàn ngan gà, lợn cùng ăn chung… Đàn gà của mẹ chen chúc trong cái chuồng gỗ góc sân; đàn ngan thả rông ở sân; đôi lợn thì mẹ cải tiến cái nhà tắm thành chuồng lợn, dội nước suốt ngày sạch sẽ! Chỉ riêng đàn thỏ là cầu kì hơn, giống thỏ thích nhất là ăn lá râm bụt, nhưng dù lá gì cũng phải khô, lá ướt là thỏ đau bụng, bỏ ăn ngay.

Mỗi đợt thỏ lớn, đủ cân xuất chuồng, mẹ dành một con để lại cho nhà, còn bán cho các cô bác hàng xóm đã đặt trước.

Nhớ mãi một lần, khi cả nhà sơ tán theo trường bố mẹ ở xã Mỹ Phúc, còn độ vài ngày là bán thỏ thì một buổi sáng, mấy chị em tôi đang ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy vì tiếng kêu thảng thốt của mẹ: Thỏ mất hết rồi, các con ơi! Ba chị em tôi mắt nhắm mắt mở, chạy lao ra sân, đứng sững sờ nhìn cái chuồng trống không, gần chục con thỏ trắng muốt đã không cánh mà bay.

Chẳng biết nói gì với mẹ, cũng chẳng biết chửi kiểu mất gà, ba chị em mắt đỏ hoe nghe mẹ buồn bã trả lời các bác hàng xóm sang hỏi thăm, rồi tôi dắt hai em lặng lẽ đi vào nhà. Hôm ấy tôi cứ nghĩ: Nếu như kẻ trộm vào nhà lấy cái đài hay cái xe đạp, chắc chúng tôi sẽ không đau xót đến thế, vì giá trị vật chất có thể ngang nhau, nhưng với một đàn thỏ đã gắn bó với chúng tôi gần một năm trời, từ khi chúng còn nhỏ xíu đến nay đã đứng chật chuồng, chị em tôi hàng ngày chăm sóc, quét dọn, đi hái lá râm bụt, thậm chí khi lá ướt còn ngồi cẩn thận lau khô từng chiếc lá trước khi cho vào chuồng thỏ, hàng ngày ngắm nhìn đàn thỏ lớn dần, đã hình dung tới những món đồ, những bộ quần áo mẹ hứa sẽ mua khi bán được thỏ…, sự mất mát ấy đau xót hơn rất nhiều so với mất cái xe, cái đài, bởi hôm ấy, chúng tôi đã mất những con thỏ trắng muốt xinh đẹp, mất đi cảm giác thân thiết gắn bó gần một năm trời, mất đi bao nhiêu hi vọng, đợi chờ sau khi bán thỏ…!

Mẹ cũng rất thích chăm bón cho những luống rau trong khu vườn nơi sơ tán, những chậu cây trên ban công, hay một mầm cây nhỏ bé trồng ở góc sân nhỏ xíu trước nhà… Các đồng nghiệp của mẹ ở nơi sơ tán thường ngạc nhiên khi một cô giáo người thành phố, phong thái rất đài các, ăn mặc rất chỉn chu như mẹ lại rất giỏi trồng cây, những luống rau mẹ trồng non xanh mơn mởn, những chậu hoa mẹ chăm luôn rực rỡ ngát hương.

Có mấy mét vuông trước cửa nhà, mẹ trồng một cây móng rồng và một cây hoa ngọc lan, mỗi lần về thăm mẹ, lại thấy cây lớn nhanh như thổi, ngoảnh đi ngoảnh lại vài năm, vòm lá với những bông hoa lan trắng muốt đã vờn ngang cửa sổ tầng hai; cây móng rồng cũng xòa quyện vào vòm ngọc lan, thi nhau nở hoa thơm ngọt cả không gian.

Rồi mẹ lên Hà Nội ở với em gái tôi mấy năm, trông con cho em đi làm, mẹ chiết một cành móng rồng mang lên trồng vào cái chậu sành màu gan gà, đặt trên ban công tầng 3 khu tập thể Thành Công. Với sự chăm sóc “mát tay” của mẹ, chỉ sau vài năm, chậu cây móng rồng lại sum suê tươi tốt.

Năm 2010, sau khi mẹ mất, tôi mang chậu cây về nhà trồng, chỉ lạ là cả chục năm trời không thấy ra hoa, tôi vẫn giữ cây vì đó là cây của mẹ, và còn vì vòm lá luôn xanh tươi tới dịu lòng! Tới năm 2020, tôi sửa nhà, cây cao quá nên phải chặt gần hết cả cây, chỉ còn trơ lại một đoạn thân chừng 30 cm giữa chậu đất khô trắng. Chậu đất với cái gốc cây trụi ấy bị thợ quăng quật ở giữa nền nhà ngổn ngang xi măng cát sỏi, gần nửa năm trời không ai tưới tắm, vì bận, cũng vì nghĩ cây chẳng thể sống, chỉ là bận quá chưa ai mang bỏ đi; thi thoảng tôi về nhà nhìn thấy đầu thuốc còn đỏ lửa, bã chè còn nghi ngút khói nóng đổ trên mặt đất khô trắng của chậu cây, thoáng xót lòng, rồi cũng lại quên… Tới khi nhà sửa xong, kê dọn lại đồ đạc, chậu đất với đoạn gốc trơ trụi vẫn được đặt tạm trên tum, lạc lõng cạnh những chậu hoa, chậu cây “tân gia”… Khi tưới cây, còn chút nước, nhiều khi “tiện thể” dốc nốt vào chậu đất ấy.

Thế rồi, sau vài mùa xuân, sự bao dung của trời đất hay sức sống của cây đã đem tới sự hồi sinh và phát triển kì diệu từ đoạn thân trơ trụi ngày nào, lớp lớp điệp trùng cành lá mướt mát xanh tươi lại vươn dài ra ngoài khung sắt sân tầng 5. Ngắm chậu cây móng rồng, thấy ngạc nhiên và thương xót vô vàn cho màu xanh mang bản năng sinh tồn bất diệt của tự nhiên, bất chấp sự dập vùi, thờ ơ, tàn nhẫn của con người. Tôi không còn chờ hoa nữa mà mặc nhiên nghĩ sẽ chăm sóc cây móng rồng từ vườn mẹ, dù chỉ để ngắm màu xanh dịu lòng của vòm lá.

Cho đến hôm qua, khi trận bão Yagi (bão số 3 của năm 2024) vào Việt nam, tràn qua Hà Nội, vòm cây sấu bên cửa sổ nhà tôi oằn vặn trong bão, giàn hoa giấy run rẩy, những cành móng rồng xanh thẫm cũng vật vã trong gió mưa…; lựa khi gió hơi ngớt, tôi lên tum quay đoạn clip ngắn, lưu lại hình ảnh “mảnh vườn” nhỏ bé yếu mềm của tôi tự mình chống chọi với bão tố. Sáng nay, bão tan, trời Hà Nội xanh yên như chưa hề có bão Yagi, tôi lên vườn và bàng hoàng ngắm nhìn chậu cây của mẹ: hai bông hoa móng rồng, mỗi bông sáu cánh dày, cứng cáp, màu vàng nhạt như nắng thu, vừa e ấp vừa kiêu hãnh nép sau vòm lá xanh vẫn còn ướt nước mưa đêm. Tôi ứa nước mắt, thầm gọi: Mẹ ơi!