h oa bưởi trắng vườn nhà, hương loang xa con ngõ nhỏ. Mùi hương thanh khiết dịu dàng nôn nao trong nỗi nhớ người đi xa. Cây cau già oằn mình đứng chịu tang bà cụ bên chum nước. Con mèo mướp ngơ ngẩn buồn, thi thoảng nó lại ngào lên một tiếng buồn bã vì thiếu bàn tay dịu dàng của bà cụ chăm bón cho nó từng bữa ăn.
Thiếu cái vuốt ve, lời mắng yêu của chủ: con mèo buồn, con mèo vắng chủ nhưng chả dám bỏ đi hoang. Nó ra bờ ao nhìn xuống đám bèo tấm xanh đặc kín ao. Nó như thèm thuồng trông nhớ cái dáng lưng còng còng của bà cụ thường thả vó tép xuống cầu ao vứt nắm cám thơm là lũ cá hám mồi ùa vào vó rỉa lấy rỉa để.
Mèo nín thở trên bờ nhìn theo tay bà cụ. Tép và tôm nhánh búng tanh tách trong vó được trút vào rổ mau nhiều ơi là nhiều khiến nó thèm không chịu được phải ngao ngao một hồi. Bà cụ vui giọng mắng khẽ: Mướp hư nào? Không được ăn sống đau bụng chết, tí bà kho nhạt cho mướp ăn nhé!
Một con chép kềnh vàng ươm tham ăn mắc vào vó được bà cụ kéo lên cho vào rổ. Nhìn con chép tươi rói ngáp ngáp bà lại thở dài. Bà nhớ ông…nước mắt lại ứa ra. Khuôn mặt nhăn nheo của người già chợt đầm đìa lệ.
Cái thuở đương thì ngày xưa như ùa về với bao yêu thương đầm ấm. Chồng cày vợ cấy, lúc nông nhàn vợ đổ xô ra làm hàng xáo để lấy cái tấm cám nuôi lợn. Bao giờ đội gạo ra ngõ cũng quay vào sân dặn với theo: Nhà ở nhà mà nghỉ cho mát, tôi đi chợ ù một tí là về ngay sẽ mua lòng lợn cho Nhà nhắm rượu nhé!
Ui chao! Cái đội gạo đẫm mồ hôi ấy được bao nhiêu lờ lãi mà khi về bao giờ cũng có cút rượu ngang nút lá chuối cho chồng kèm theo gói lòng lợn đã được thái sẵn. Ông hể hả đỡ từ tay vợ, như đứa trẻ được mẹ cho quà. Rồi ớt xanh cay xé lưỡi kèm mắm tép đỏ au và bánh đúc được vợ sắp ra cho chồng nhắm nháp. Hàng xóm đi qua nhìn vào xốn mắt, sao lại có loại đàn bà chỉ biết nhịn mặc đeo áo rách tả tơi cho chồng rượu nhắm thế kia? Thiên hạ kệ thiên hạ chứ, chồng ta thì ta chăm có sao đâu? Bà phớt lờ chỉ tủm tỉm trước lời dèm pha của thiên hạ.
Chiều buông xuống cánh đồng mênh mang, người ta vẫn thấy bóng người đàn bà lầm lụi chậm chuội mò con tôm con cua cho vào giỏ để mai đem ra chợ bán. Cái bóng chơi vơi trong ráng chiều chạng vạng hòa vào sương khói mùa đông.
Chỉ khi tiếng chuông nhà thờ xứ đạo kinh coong gọi các con chiên đi lễ người đàn bà mới bước chân lên khỏi bờ ruộng thất thểu bóng cò hun hút gió buốt xiêu vẹo qua những bờ đầm bờ thửa để về ngõ nhà mình. Đôi chân tê cóng trên nền đất lạnh, vội vã dúi vào tay chồng giỏ tôm cá ròng ròng nước trong sự xuýt xoa xót vợ của người đàn ông vụng về mà tốt số.
Người đàn ông ấy đi cày thuê cho người ta mãi chân đê cuối làng bao giờ trở về cũng được nụ cười tươi rói và mâm cơm độn khoai nhưng có bát canh riêu ăn với rau ghém mát như quạt vào lòng. Tối đến lại được bàn tay của vợ xoa xoa nơi bả vai làm nỗi mệt như tan biến đi lúc nào.
Tháng hai khi hoa bưởi trắng ngần đầu ngõ, tiếng hát huê tình lả lướt mướt xanh theo thắt lưng hoa lí gọi mời thì bao giờ chồng cũng giục vợ nghỉ chợ búa, đồng áng, cho chồng hái hoa bưởi, hoa chanh đun nước cho vợ gội đầu. Chiếc ghế đẩu bắc lên cao cho suối tóc dài suốt trăm năm xõa xuống. Nhẹ bàn tay, chiếc gáo dừa gội nhẹ cho tóc mây thơm theo chiều gió, ấy là lúc chồng gội đầu cho vợ.
Tháng hai ngọt búp trên cành, óng lụa mỡ màng như yếm đào trễ nải, đang e ấp vì gió xuân đùa bỡn. Hương bưởi thơm trên suốt tóc của gái ba con, nõn nà tinh khôi trong mắt của người đàn ông lúc nào cũng khát vợ. Đồng tiền trên ống nứa được lấy xuống dúi vào tay vợ….Nhà đi chơi đi để tôi trông con cho. Nhà vất vả quanh năm rồi, đi cho bằng chị bằng em kẻo tủi.
Vợ ra ngõ còn quay lại nguýt chồng lúng liếng, yêu thương chợt ùa về chị muốn bỏ hết hội hè chúng bạn mà tự cột mình trong bàn tay chắc khỏe của kẻ đầu gối má kề. Tháng hai hoa bưởi vẫn nõn nà trên cây, trinh nguyên mà thơm thảo trên suối tóc người đàn bà đang bước đi trong tiếng trống chèo gọi mời.
Một đời sống rơm rạ nhiều hơn nhung lụa, khoai sắn nhiều hơn cơm gạo mà vẫn ấm áp thảo thơm tình chồng nghĩa vợ. Các con rồi cũng lớn lên theo sự bảo bọc tảo tần vén khéo của người đàn bà ấy.
Chúng lớn lên rồi đi theo những ngả đường mà chúng chọn. Vườn bưởi xưa giờ chỉ còn bóng hai người già nương tựa vào nhau. Bà là cái gậy của ông mỗi khi trở trời trái gió, nâng niu và yêu thương bện chặt vào nhau. Con tép con tôm, ổ trứng lá rau vườn nhà chắt chiu gửi lên cho cháu nội, bà chỉ xin giời cho ông được mạnh khỏe để ở cùng bà những lúc gió mưa. Thế mà ông đã đi trước chẳng đợi bà.
Con cá chép giãy lên trong chiếc rổ mau được bà thả lại về ao, ông có còn đâu mà bà phải bắt nó để nấu dưa cho ông uống rượu. Tiếng thở dài ngập trong mưa bụi tháng hai. Con mèo mướp nhìn con cá lại tung tăng trên mặt nước mà ngao ngao tiếc rẻ.
Chiều muộn tôi ghé vào chợ, muốn mua chút thức ăn ngon ngon về nấu bữa tối cho chồng. Tôi ngỡ ngàng khi gặp người đàn ông đang trả giá cho bộ lòng gà…. Tôi ngại ngùng khi nhận ra ông đại tá quen với chồng mình. Cũng may tôi bịt mặt và đeo kính đen nên ông cũng không nhận ra. Tôi lặng im nghe ông hồn nhiên trả giá. Cô bán gà dịu dàng cởi mở gật đầu…
Chẳng hiểu sao một chút thoáng buồn len nhẹ vào tim. Vâng ai cấm đàn ông đi chợ đâu, họ đảm đấy chứ, khéo léo và cũng tinh tế đấy chứ. Nhưng tôi vẫn cứ thấy sao sao ấy? Tôi lại thấy vang lên trong tai tiếng giặn dò dịu dàng của bà cụ: Ông ở nhà nhé! Tôi đi chợ một lúc sẽ về ngay.
Bây giờ bà cụ đã theo ông cụ về giời. Trời đêm ấy mưa tầm tã, sáng hôm sau đưa bà cụ ra đồng trời lại nắng bừng lên. Tôi kể về cụ cho chồng tôi nghe anh buồn buồn bảo tôi:
Hoa bưởi về Giời rồi em ạ! Cầu mong cho Cụ ấy siêu thoát…
Căn nhà vắng chủ, hoa bưởi rười rượi buồn, con mèo mướp khóc đứng khóc ngồi bên bờ ao đầy bèo tấm. Nó đói lả vội lăn vào lòng con gái bà cụ ở phương xa trở về. Hoa bưởi về Giời trắng trong tinh khiết để lại thương nhớ, lại ngậm ngùi thơm thảo theo bóng hoa.