17 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Gom chút mùa xuân

Trong Mắt TôiGom chút mùa xuân

Tôi gặp ông đêm cuối năm, khi chỉ còn hai giờ đồng hồ nữa là đến giao thừa, tại quảng trường 14/10 ở Thái Bình. Nghĩ cũng lạ, bởi vì vừa mới đây thôi, đúng ra chỉ cách đây có năm giờ đồng hồ, nơi này vẫn còn là một hội chợ hoa Xuân rộn rã tiếng nói cười, người chen người, vai kề vai, muốn tìm một chỗ gửi xe cũng khó. Vậy mà bây giờ đã trở nên vắng lặng, không một bóng người, duy nhất chỉ có ông già và tôi.

         Tôi không phải là người sống hướng nội, vốn thích những nôi ồn ào, đông đúc. Chỗ đông người khiến cho tôi có cái cảm giác mình không bị lãng quên. Vậy mà, đêm giao thừa, khi việc nhà đã tươm tất, tôi có thói quen chạy xe vòng vòng ngoài phố tìm một chỗ vắng vẻ để ngồi. Chẳng làm gì đâu, chỉ để ngồi. Đó là một thói quen, vậy thôi, chứ tôi không không phải là nhà văn, nhà thơ hay một người có khả năng cao siêu gì… để mà suy tư, chiêm nghiệm?

Mấy năm gần đây, đêm giao thừa tôi không chạy xe vòng vòng ngoài phố nữa mà đi thẳng một mạch tới nơi trước đó từng là hội hoa Xuân. Đêm cuối năm, mưa phùn se se và gió lạnh. Quảng trường 14/10 ở Thái Bình không phải nằm chính giữa trung tâm thành phố nên vắng bóng người, thanh niên thích tụ tập ngồi quán hay chạy xe trên những con đường rực rỡ ánh đèn màu, chạy tới chạy lui không biết chán.

         Tôi ngồi dưới chân tượng đài nhà lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, nhìn những cành đào mà người bán (những người trước đó từng nâng niu chúng) bỏ lại, để kịp về sum họp với gia đình. Những cành đào không có cái may mắn được cắm trên những lọ độc bình giữa một ngôi nhà nào đó có mùi hương trầm thơm ngan ngát, kiêu hãnh phô những nụ hồng phai chúm chím như muốn báo hiệu rằng nơi này đang có sự hiện diện của mùa xuân.

Những cành đào lẽ ra đáng phải được nâng niu, nay bị vứt chỏng chơ trên nền gạch xi măng dưới trời mưa phùn và gió lạnh. Vì không phải nhà văn nên tôi chẳng biết diễn tả cái cảm giác ấy như thế nào, chỉ thấy chúng CÔ ĐƠN và LẠC LOÀI. Tôi chỉ nghĩ được vậy thôi!

         Ông già bước chầm chậm quanh chọ hoa Xuân. Gặp cành đào ông nâng niu chúng lên bằng hai tay một cách thật nhẹ nhàng như sợ chúng bị đau rồi đứng trầm ngâm một lát rồi mới lại bước tiếp. “Một ông già lập dị!”- tôi nghĩ vậy. Nhưng vì không thỏa mãn với suy nghĩ ấy nên tôi lại đoán chắc gia cảnh ông rất nghèo, không có tiền đi chọ mua hoa và đàng hoàng chọn cho mình một cành đào thật đẹp về chưng trong nhà những ngày Tết nên bây giờ ra đây chọn trong đám cành đào ấy người ta bỏ lại một cành đẹp nhất cho mình để về chơi ba ngày Tết…

Miên man với những ý nghĩ của mình nên tôi không hề hay biết ông già đến ngồi ở bên tự lúc nào. Chỉ đến khi ông lên tiếng tôi mới giật mình ngẩng lên nhìn, bối rối. “Cậu thấy tôi lập dị phải không?”- ông già cười thân thiện. Lúc này tôi mới để ý trên tay ông không chỉ là một mà có đến năm, sáu cành đào.

        “Không… Cháu cũng từng gặp những người nghèo đi chợ hoa như cách của bác, nhiều cành người ta bỏ lại vẫn còn đẹp mà! Nhưng sao bác không chọn lấy một cành đẹp nhất về chưng mà lại ôm lắm thế?”- tôi nói dối và cố gắng cười thật to như muốn khỏa lấp đi cái khoảng cách giàu- nghèo (tôi nghĩ thế), tôi sợ ông già ngại.

Ông cũng cười, nụ cười điềm nhiên, tự tại, không biểu lộ một chút gì bối rối. “Tôi không nghèo! Nếu không muốn nói là giàu…”. Tôi nhìn ông già đầy ngạc nhiên. Quả thực ở con người ông chẳng chút gì toát lên vẻ nghèo hèn cả mà trái lại. Ông già mặc cái áo ba- đờ- suy chùng tới gối, đầu đội mũ be- rê, khăn quàng cổ hiệu Gucci.. Vậy không hiểu ông nhặt những cành đào người ta bỏ đi ấy để làm gì? Hay đúng ông là người lập dị?…

         Rồi tôi cũng được biết về ông qua câu chuyện ông kể. Ông già là một họa sỹ nổi tiếng. Những bức tranh ký tên ông không bao giờ có giá dưới ngàn đô-la. Đã ba chục mùa xuân ông không có thói quen bỏ tiền ra mua đào về chưng mà thay vào đó là đêm giao thừa năm nào cũng vậy, ông lại lên chợ hoa cặm cụi nhặt những cành đào không bán được bị người ta bỏ lại. “Thay cho hái lộc ấy mà! Đầu tiên là thấy chúng tội nghiệp, mình mang về chơi, lại thấy chúng đẹp…”- ông bảo vậy. Trước khi chia tay, tôi hỏi tên ông và ngỏ ý xin địa chỉ.

Ông cười: “Cậu gọi tôi là kẻ lập dị như từ trước đến nay mọi người vẫn gọi cũng không sao…”. Nói vậy, rồi ông bình thản bước đi, dưới làn mưa bụi. Tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi không nghĩ ông lập dị. Mà tôi thấy ông thật sự CON NGƯỜI bởi vì ông biết nâng niu CÁI ĐẸP!

Check out our other content

Most Popular Articles