Tôi là Thúy Nga

Thành viên của Tản Văn Hay từ 26 tháng 8, 2019.

V ầng trăng lưỡi liềm mảnh mai trên bầu trời mênh mông vời vợi luôn gợi nhớ trong tôi về dáng hình của mẹ. Dáng mẹ cong cong tát nước gầu sòng trong những sớm mai, những buổi chiều hôm… Dáng mẹ cong cong như vầng trăng lưỡi liềm êm dịu…

Hình ảnh quen thuộc của mẹ mỗi khi đi tát nước về, quần thâm xắn ngang gối, áo cánh nâu ướt khoang loang lổ, những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên gương mặt đỏ bừng của mẹ đã in hằn trong tâm trí của tôi từ những ngày thơ bé. Ôi, mẹ tôi tát nước gầu sòng!

Dáng hình của mẹ trong những ngày xa xưa khó nhọc ấy luôn hiện hữu trong ký ức của tôi. Tôi còn nhớ, ngày mới chia ruộng khoáng sản, tôi mười ba tuổi, bốn đứa em sau tôi lần lượt đứa này cách đứa kia hai, ba năm, nhỏ lít nhít. Nhà làm gần mẫu ruộng, đồng cao, đồng thấp mình mẹ tôi xoay sở, cấy lúa, làm màu, trồng khoai… Có vụ hạn hán, nước cạn tận lòng con ngòi, mương cái mương con khô lẻ đáy. Ruộng thấp ruộng cao, mẹ tôi cong lưng tát nước gầu sòng. Mẹ hay đi tát nước từ khi gà còn chưa gáy sáng, hoặc khi mặt trời đã lặn. Tôi ngây ngô hỏi” sao mẹ không đi tát nước ban ngày?”. Mẹ nói, tát nước ban đêm cho thong thả, không bị ánh nắng mặt trời, mà chỉ có ánh sáng mát mẻ của mặt trăng con gái ạ.

Có buổi sáng, bà gọi tôi dậy sớm khi trời còn nhìn chưa rõ mặt người,bà sai tôi xách theo ấm nước vối ra ruộng phần trăm tát nước với mẹ. Ruộng nhà tôi trên đồng cao nên phải tát chuyên hai lần tầu nước mới lên tới ruộng. Mẹ tôi đã đi trước để tát bằng gầu sòng từ mương lên đoạn máng cao hơn. Tôi vừa đi vừa còn ngái ngủ, chân bước thấp bước cao ra đồng. Phía trước bóng mẹ mập mờ khi thẳng khi cong, tay cầm cán gàu sòng, dướn cao người múc nước rồi lại cúi gấp cong người xuống. Cứ thế nhịp nhàng, từng gầu nước đục, nước trong được mẹ đổ gọn vào tầu nước trên cao. Dòng nước trườn mình chảy vào cái máng nhỏ rộng chừng hơn nửa mét, sâu qua gối người lớn, máng chạy men theo chiều dài, rồi lại chiều ngang ruộng lúa nhà hàng xóm. Từ tầu máng tôi cùng mẹ tát bằng gầu giai, vì tầu nước chỗ này cao gần lút đầu người, nước phải chảy qua một đoạn bờ bạ nhà bên rồi mới chảy vào tới ruộng nhà tôi.

Chả là mẹ mới dạy tôi biết tát nước gầu giai. Mười ba mười bốn tuổi mà tôi gầy khô như cây sậy, được cái rắn giỏi ít ốm đau. Hôm đầu tập tát nước gầu giai với mẹ, lúc thì tôi bổ chúi về phía trước vì vục nước nhiều quá, mẹ phải nhanh tay hất cái dây trôn gầu cho nước đổ bớt đi. Có khi tôi lại loạng choạng ngã bật ngửa ra phía sau, vì vục ít nước quá mà kéo gầu lên lại mạnh. Mẹ chỉ cho tôi cách điều khiển thả dây gầu miệng, dây gầu trôn thế nào để múc lượng nước vào gầu vừa đủ với sức của mình, kéo gầu đổ nước ra sao cho gọn. Vậy là đến cuối buổi tôi cũng đã biết tát nước gầu giai một cách nhịp nhàng, mặc dù chưa thuần thục cho lắm.

Tát cạn máng nước, tôi được nghỉ để chờ mẹ lại tát bằng gầu sòng từ mương lên máng. Tôi tung tăng chạy trên bờ ruộng nghe dòng nước đang nhẹ nhàng chảy vào ruộng lúa nhà mình. Tôi cảm nhận nước bò trườn vào từng gốc lúa. Gió nhẹ lao xao, trong lờ mờ buổi sáng, từng nhánh lúa như đang reo ca, múa hát. Tôi mường tượng cây lúa đang thỏa cơn khát, giống như tôi đi học về khát nước quá, chạy thẳng ra bể nước mưa, múc một gáo rồi uống ừng ực, chao ôi sao mà đã, mà mát ngọt đến thế! Hai mẹ con tát khoảng ba đến bốn máng nước thì đầy ruộng lúa, cũng vừa lúc bình minh ló rạng phía chân trời.

Có vụ mưa ít, nắng nhiều, trạm bơm nước bơm từ ngòi lên mương không đủ, mẹ tôi cùng mấy nhà phải rủ nhau tát nước chung cả gầu sòng, gầu giai, chuyên bốn, năm tầu nước mới lên tới ruộng. Đã thế nhà này chưa tát xong, đã có người khác xếp gầu chờ đến lượt. Có khi đến mười mấy, hai mươi nhà có ruộng một khu mà chỉ có một đường tầu tát nước. Nếu không có đường máng chung, phải tát nước chảy qua bờ bạ ruộng nhà khác, ruộng càng xa tầu, tát càng lâu. Bờ bạ thường thấp và mảnh, có khi đang tát bờ bạ nhà hàng xóm vỡ, thế là nước chảy toé loe hết vào ruộng nhà hàng xóm.

Lớn hơn, đủ chiều cao, sức lực để biết tát nước gầu sòng, tôi mới thấy nó vất vả thế nào,mới thấu sự cực nhọc của mẹ bấy lâu nay, mới hiểu tại sao ruộng cao, phải tát chuyên mấy lần tầu, mẹ hay đi tát nước vào lúc tối đêm hay khi gà chưa gáy sáng. Vì mẹ chỉ có một mình, nên tát nước ban ngày mất nhiều thời gian, khiến người khác phải đợi chờ lâu. Hơn nữa mẹ tranh thủ tát nước đêm hay sáng sớm, để ban ngày còn làm được nhiều việc khác nữa.

Khi tát nước gầu sòng, mực nước đầy nhưng mương máng sâu, khoảng cách để bẩy gầu bị hạn chế, tay sẽ rất mỏi vì luôn phải ở tư thế nâng ngang trước mặt rồi lên cao. Tầu cao, nước cạn thì khi hạ gầu múc nước phải rướn người, đưa tay cầm cán gầu lên cao hết cỡ, lúc bẩy gầu phải cúi thấp rạp người xuống, miệng gầu mới tới tầu đổ nước, gầu ngược gần như dựng đứng nên chỉ tát ít nước một, nếu tham múc nhiều nước sẽ toé ra ngoài, tát được đầy ruộng lúa lưng đau nhức, tay mỏi nhừ. Lòng mương, lòng máng mà hẹp, phải biết vị chí bắc ba thanh chân gầu cho phù hợp, khi hạ gầu múc nước cũng như bẩy gầu phải biết lựa chiều cán gầu, để cán gầu không mắc vào thành bờ. Tát nước cũng như làm bất cứ việc gì, phải có sự tôi luyện nhiều mới đúc kết được ra nhiều kinh nghiệm, mới thành thục nhuần nhuyễn. Người ta thường ví động tác tát nước nhịp nhàng, uyển chuyển đẹp như múa vậy!

Không biết trong những đêm tát nước dưới ánh trăng vàng êm dịu, tỏa ánh sáng mênh mang khắp nhân gian, mẹ có khi nào nhớ đến hai câu thơ: “ Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” (*)? Có khi nào mẹ liên tưởng mình cũng như cô gái tát nước đêm trăng? Nếu có, mẹ có thấy vui, thấy phấn chấn trong lòng mà vơi đi bớt nhọc nhằn? Tát nước dù chỉ là một công việc quen thuộc của các bà, các mẹ, các chị, của bao thế hệ người nông dân một nắng, hai sương gắn bó với ruộng đồng, nhưng đã tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng, dung dị mà duyên dáng, gợi lên bao xúc cảm để đi vào nhạc họa thơ ca.

Ảnh: Photo-graphe

Trong chiếc gầu sòng, mẹ không chỉ múc ánh trăng vàng, mẹ múc cả nắng mặt trời bỏng rát, múc cả những nóng bức oi nồng, những hanh hao giá rét ngày đông, mà mẹ còn múc cả những gió mưa, lũ lụt mùa giông bão. Mẹ gửi gắm trong từng giọt nước những lo toan, khao khát, những ước mong cho cây lúa nặng hạt trĩu bông, cho sắn khoai sai củ, cho hoa màu đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu, cho chị em con và gia đình được no cơm, ấm áo!

Ruộng đồng ngày nay đã được san bằng, hạ thấp. Làm ruộng được máy móc hoá, bơm nước vào tận ruộng. Những cái gầu giai, gầu sòng, cùng nhiều vật dụng công cụ gần gũi, thân quen đã gắn bó với nhà nông bao đời nay đang dần vắng bóng, đi vào quên lãng, rồi đây chúng sẽ chỉ còn tồn tại trên những trang sách, trong ký ức, trong tiềm thức mà thôi!
Mẹ ơi, trong lòng con, hình ảnh mẹ tát nước gầu sòng cong cong như vầng trăng lưỡi liềm thượng huyền những buổi chiều hôm, như vầng trăng hạ huyền trong những sớm mai. Vầng trăng mẹ lưỡi liềm mảnh mai nhưng đủ sáng soi cho chị em con có tự tin, nghị lực vững bước trên đường đời.

Mẹ đã đi xa về miền sương khói. Mỗi lần trở về ngôi nhà xưa, con lại ngẩn ngơ nơi trái bếp tìm những gầu giai, gầu sòng, để tìm về dáng hình thân thương của mẹ. Bên gốc cây bưởi phía góc sân nhà, mẹ vẫn đang dựng chiếc gầu sòng, nét mặt mẹ dịu hiền cùng nụ cười đầy ấm áp sau vành nón nghiêng che. Gầu sòng mẹ múc ánh trăng!

(*) Thơ Bàng Bá Lân