Con cua được người đời ví von gán ghép cho sự ương bướng , ngang ngạnh bởi chúng chỉ bò ngang . Với tôi con cua thật gần gũi,tôi sinh ra lớn lên ở làng quê con cua đã gắn bó với tôi suốt những năm tháng tuổi thơ,làm lên món canh yêu thương tôi dành cho cha thời thơ bé .
Tôi không nhớ chính xác tôi biết bắt cua từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi còn rất nhỏ . Cái thời của mẹ tôi, đàn ông, con trai ra chiến trường, ở hậu phương đàn bà con gái phải gánh vác cả những việc của đàn ông thường làm, trong đó có việc cày bừa, mẹ tôi cũng vậy. Vụ cấy năm ấy dù được phân công vào tổ cấy hay tổ cày bừa mẹ cũng cho tôi đi cùng. Bà tôi đan cho tôi cái giỏ nhỏ xinh, xỏ sợi dây đay bà bện đeo giỏ vào ngang hông , tôi loắt choắt theo mẹ ra đồng.
Mùa cấy tháng sáu, khi bừa ruộng để cấy cua thường dạt vào bờ, tôi lúi húi tập bắt cua, mẹ luôn nhắc tôi nếu nắng nóng quá thì lên hàng cây trên bờ mương ngồi, đến giờ nghỉ trưa nghe chừng cua tôi bắt chưa đủ bữa, mẹ chỉ cần khoắng thêm một lúc là đầy giỏ, tôi lại lẽo đẽo theo mẹ về. Đấy cái sự khởi nghiệp bắt cua của tôi là vậy, khi ấy tôi khoảng bẩy hay tám tuổi gì đấy.
Lớn hơn một chút tôi đã bắt cua khá thành thạo. Tháng sáu trời nắng như đổ lửa, nước ruộng giữa buổi trưa nóng bỏng rẫy, cua ngoi vào bờ cỏ tránh nắng, bò cả lên ngọn cây lúa mới cấy. Chúng tôi gọi nhau đi bắt cua bò, mấy đứa rủ nhau đi cùng phòng khi bị say nắng còn hỗ trợ cho nhau.
Mỗi đứa đeo một cái giỏ tre to tướng, mang theo đôi ủng chân được khâu từ bao đựng phân đạm để khi cua nhiều giỏ đầy còn có cái để đựng. Mỗi đứa một bờ ruộng lụi hụi vạch cỏ bắt cua, khi thì lội tùm tũm xuống ruộng chộp những con cua trên ngọn cây lúa. Bắt được một hồi mặt đứa nào đứa nấy đỏ phừng phừng, chúng tôi í ới gọi nhau lên bờ mương ngồi.
Ở quê tôi giữa cánh đồng nọ với cánh đồng kia là những con mương dẫn nước , trên bờ mương có những hàng cây phi lao, bạch đàn cao vút, gió thổi vi vu, ngồi một tí là tỉnh cả người, rồi thi nhau ngửa nón, chắt nước dưới mương, vục đầu vào tu một hơi, chao ơi là đã, sao mà nước mương khi đó nó ngon đến thế, như thể siro ướp lạnh vậy!
Ngồi nghỉ một lúc đã đỡ nắng, hết khát chúng tôi hò nhau xuống bắt thêm một chặp nữa thì kéo nhau về. Đổ cua ra xô, ra chậu, lọc những con cua bấy non mới lột xác để rang, cua bấy nấu canh sẽ có mùi hoi không ngon, những con cua già to nhặt ra để nấu canh, còn lại cho vào muối. Hết vụ nắng tháng sáu là đã có mấy vại cua muối, nước cua muối ngấu chín sánh vàng, có mùi thơm đặc trưng riêng. Bát nước tương hay bát nước cua muối là thứ nước chấm trong mỗi bữa cơm thường ngày ở các gia đình nông thôn thời ấy, nước mắm chỉ dùng vào những dịp lễ tết đặc biệt.
Vào độ lúa làm đòng, rồi ngậm hạt, sau buổi đi học về nếu không phải làm việc nhà tôi lại xách giỏ ra đồng bắt cua. Lội dọc theo bờ ruộng cứ hang nào cua làm mà, đùn đất ra cửa hang thì chắc chắn trong đó có cua. Hang to rộng ngập dưới mặt nước thường là nơi trú ngụ của những con cua đực càng to tướng, thân có màu sẫm, thọc tay vào những hang loại này có cảm giác rờn rợn, đôi khi thấy có thứ gì đó trườn theo cánh tay, đừng sợ , đó chỉ là con rắn nước, nhanh tay lôi nó ra ngoài quăng veo một cái ra ruộng, thế là xong, những hang có rắn nước bò vào lại hay có cua.
Có những hang sâu ngập cánh tay, có hang thì ngóc ngách, phải lăn lê bò toài nằm rạp mặt xuống ruộng moi từng tí đất ra rồi mới bắt được con cua. Cua làm mà thường béo nhiều gạch, nhiều thịt, ăn ngon hơn. Tôi thường xuyên hay đi bắt cua nên ăn không hết, bà tôi sẽ đóng xóc mang bán để dành tiền mua sách bút.
Mỗi xóc 12 con cua rồi kẹp hai xóc lại với nhau thành một cặp, bà xếp những xóc cua vào cái sảo thưa mang đi chợ bán (chứ không đựng cua vào chậu hay xô nhựa mang đi chợ bán như bây giờ). Tôi đi bắt cua nhiều những đầu ngón tay xước nham nhở, đau nhức do bị cua cắp và bới đất, nhưng hôm sau vẫn lại đi bắt cua, khi tay ngấm nước ngấm bùn mềm ra không còn cảm giác đau nữa.
Lũ con gái chúng tôi thường bắt cua bằng tay (quê tôi đàn bà con gái không đi đánh dậm). Con trai thì bắt cua bằng cách đánh dậm, đặt lờ, hay dùng thanh sắt uốn cong phía đầu rồi cắm thanh sắt vào một khúc tre nhỏ làm móc để móc cua, bắt cua bằng móc có thể bắt được cả ở những bờ mương vướng rễ cây, hay vướng sỏi đá đất rắn, nhưng bắt cua bằng móc hay làm cua bị cụt chân, rách mai, cua nhanh bị chết.
Quê tôi cũng như bao vùng quê nông thôn cái thời còn nghèo khó ấy, con cua là món ăn dễ kiếm từ đồng ruộng không phải mất tiền mua. Cua có thể chế biến thành nhiều món canh bổ dưỡng, dễ ăn. Cả nhà tôi ai cũng thích ăn canh cua, nhất là bố tôi. Bố tôi đi công tác xa nhà, thi thoảng mới về thăm nhà vào ngày nghỉ cuối tuần. Mỗi lần bố về tôi lại mang giỏ ra đồng bắt cua nấu canh đãi bố.
Bất kể thời tiết thế nào hễ tôi vác giỏ ra đồng là chắc chắn có món canh cua. Rau nấu canh cua thì hái vườn nhà, mùa nào thức ấy, rau muống, rau ngót, nụ hoa mướp, quả mướp, rau dền, rau đay, mùng tơi, rau rút, hoa thiên lý, các loại rau dại như tập tàng, mảnh cộng, trên mâm cơm không thể thiếu bát cà muối của bà.
Có lần nhân tiện bố về, sáng sớm có cô đi đổi bún giao ngoài ngõ: ”Ai đổi bún không, ai đổi bún đê …”, mẹ gọi cô hàng bún vào sân mang thóc ra đổi bún. Thế là tôi nhanh nhẹn mang giỏ ra đồng bắt cua, gần trưa giỏ cua đã đầy, tôi mang cua về, hôm đó bà sẽ nấu món canh riêu cua ăn với bún, bà nấu canh riêu cua bằng quả dọc chua hoặc cây me dại mọc ngoài bờ ruộng, bỗng rượu xin nhà hàng xóm, mẹ hào phóng mua thêm mấy bìa đậu, rau muống, hoa chuối, rau thơm vườn nhà.
Chỉ vậy thôi mà mấy chị em tôi vui mừng sung sướng lắm , như thể được ăn tiệc , ăn cỗ vậy. Hồi đó một cân thóc chỉ đổi được 7 lạng bún, với chị em tôi ngày ấy được ăn bún với riêu cua cũng là món ăn xa xỉ. Canh riêu cua bà giã nhuyễn bằng cối đá, lọc cẩn thận, váng thịt cua mềm mượt, mịn màng, mùi đặc trưng thơm phức! Những sợi bún trắng dẻo mềm, chan nước riêu cua ngon ngọt, vị chua thanh mát, dưới thêm ít gạch cua chưng với hành phi thơm vàng óng. Đĩa đậu phụ cắt miếng nhỏ, rán vàng rộm, rau muống chẻ nhỏ, hoa chuối thái mỏng cùng rau thơm được đựng trong chiếc rổ nhỏ, bày trên chiếc mâm bằng gỗ. Bữa đó chị em tôi ăn đến no căng rốn!
Lớn lên tôi thoát ly xa nhà. Hôm nào bố về nhà ăn cơm canh cua là bố lại biên thư cho tôi: “Hôm nay bố được chiêu đãi món canh cua, tác giả bữa canh cua là em con, cả nhà quây quần đông đủ, ăn món canh cua cả nhà ai cũng nhớ và nhắc đến con…”. Sau này mỗi khi có dịp về nhà với bố mẹ tôi vẫn hay nấu món canh cua, bắt đầu ngồi vào mâm cơm, bố tôi lại hào hứng nói: ”món canh cua của con gái“. Những đứa cháu tôi bây giờ chúng không mặn mà với việc bắt cua , mà chúng cũng đâu có biết bắt cua mặc dù chúng sinh ra, lớn lên ở làng quê. Có bữa tôi mua cua về nấu canh, ăn xong có đứa cháu bị dị ứng mẩn ngứa khắp người, mắt vằn đỏ, mồm sưng vếu, mẹ nó phải mua thuốc cho nó uống, nó hỏi tôi:
Bác ơi, bác mua cua hết bao nhiêu tiền?
Gần 100 nghìn .
Mẹ cháu mua thuốc dị ứng cho cháu gấp đôi số tiền bác mua cua .
Rồi nó hùng hồn tuyên bố: Từ bây giờ nhìn thấy canh cua, dù có thèm cháu cũng sẽ quyết không ăn.
Quê tôi giờ cua đồng trở nên hiếm hoi, mỗi khi bắt gặp điều gì đó có liên quan đến con cua, những ký ức tuổi thơ trong tôi lại ùa về. Tôi thấy mình được bà cõng nhong nhong trên lưng, tay tôi cầm cái que nhỏ, đầu que có sợi dây buộc vào chiếc càng to tướng của con cua. Tôi thèm khát, ước ao được về lại cái thủa đi bắt cua đồng, được cùng bà, bố mẹ và các em quây quần bên mâm cơm với món canh cua đồng, món canh dân dã nhưng chứa đựng bao tình cảm gắn kết yêu thương, món canh được con cua chắt lọc những gì gần gũi giản dị từ đồng đất quê hương.
Bát canh cua đồng chứa đựng cả bầu trời tuổi thơ luôn thôi thúc bước chân của những đứa con nơi xa nhớ quay về!