nguyen-hanh

Tôi là Nguyễn Hạnh

Thành viên của Tản Văn Hay từ 22 tháng 10, 2019.

K

hi tôi sinh ra, chiếc cối đá “gia truyền” đó vốn dĩ đã chễm chệ cạnh bậc thềm từ trước cái ngày mẹ tôi về làm dâu nhà này. Mẹ kể, hồi chưa cưới, bố vẫn cứ đùa rằng “cái cối đá là bí mật của nhà anh” mỗi lần mẹ hỏi về nó.

                 Lớn hơn chút, bố bảo ông nội để dành cái cối đá thủng đó cho cháu gái út làm của hồi môn để lấy chồng. Nghĩ lại sao ngày đó bố đùa ác, làm một đứa trẻ con ngốc nghếch như tôi khóc giãy mất cả tuần, nằng nặc kêu không chịu lấy chồng vì sợ phải rước cái đồ xấu xí đó theo. Rồi bố xoa dịu tôi bằng cái lí do, đó là đồ cổ rất quý hiếm, nếu ai có đến hỏi mua thì nhất định phải chờ bố về mới được bán. Và từ hôm đó, tôi ra sức trông nom, giữ gìn nó, để nó thật đẹp lúc bán mới được giá. Hẳn là tôi ham tiền từ bé!

          Ngày đó chưa có máy tuốt hay vò lúa như bây giờ, nên dân làng thường cắt lúa về thì đập vào cối đá cho hạt nó rơi ra. Nhà tôi không có ruộng, nên đương nhiên cái cối đá thủng kia không được trưng dụng đến. Bố đi vắng, hàng xóm qua vần cái cối về để đập lúa. Nhưng vì cái ý thức giữ gìn “cổ vật” của tôi mà không ai mượn được, khi tôi cứ khóc gào ầm ĩ đứng chặn ngang đường. Tối đó tôi được một trận roi của mẹ khi mẹ mắng tôi ích kỉ với dân làng. Chung quy, lỗi cũng từ bố mà ra!

Rồi cũng vì cái cối đá dở hơi đó, mà tôi đã bao lần ăn đòn vì nó. Một lần đùa nghịch, nhét cái chân vào và không thể rút ra được. Bọn trẻ con quanh xóm sợ quá trốn tiệt về nhà, bỏ mặc tôi ngồi khóc một mình. Sẩm tối bố về, chắc mẩm là được cứu nên tôi gào to hơn. Sau một hồi vật vã tốn mất gần nửa cái hộp xà phòng kem đen sì bố đã lôi được chân tôi ra, đồng thời kỉ niệm cho cái chân còn lại vài roi vì tội nghịch ngu.

Nhà nuôi một đàn chó con, mẹ bảo tốn cám lắm không nuôi được. Ngày đó chỉ có cám gạo nấu lên cho ăn chứ làm gì có cơm. Tối nghe lỏm mẹ nói với bố sáng mai tranh thủ đi làm thì mẹ mang mấy con chó đi bán. Vừa buồn, vừa lo, tôi đã liều lĩnh mang con chó đẹp nhất nhét vào cái cối lỗ cho mẹ không tìm thấy.

Sáng sau tìm quanh chẳng thấy đâu, mẹ mang bán mấy con còn lại. Còn tôi cứ hí hửng đến trường mà cũng quên béng đến con chó tội nghiệp đó. Đến tối, nghe thấy tiếng chó con kêu yếu ớt gần cái cối, mẹ soi đèn tìm thì thấy nó. Chẳng cần tra hỏi thì cũng biết tôi là thủ phạm, mẹ cũng quần cho tôi một trận vì suýt chút nữa là tôi làm chết con chó.

Cái cối nhà người ta nó sần sùi, mà cái nhà tôi càng ngày nó cứ càng nhẵn bóng ra. Ấy là bởi tôi lê rách không biết bao nhiêu cái mông quần vào đó. Mắng mãi chả được, bố bảo mẹ cuối tuần về bố sẽ giải quyết. Và bố dành cả buổi sáng chủ nhật, tìm một cây tre thật thẳng, vần cái cối ra đầu nhà rồi dựng cây tre vào trong cái lỗ, làm thành cái cột ăng ten cho cái ti vi mà đang xem hơi tí nó lại dở chứng giận hờn chả thèm lên hình.

Cứ thế, tôi lớn dần lên, và cái cối vẫn trơ ra như ngày nào. Mỗi lần nhìn nó, vừa buồn cười vì nhớ lại sự ngây ngô của mình, vừa bực vì chỉ tại nó mà chân tôi lúc nào cũng tím ngắt như cái đồi hoa sim. Sau này, khi đã có cái tivi hiện đại hơn, không còn dùng đến cái cối đá thủng huyền thoại kia, bố quyết định cho chú hàng xóm khi chú ấy ngỏ lời xin để đặt cái chậu cây cảnh. Bất chợt tôi lại nghĩ, khéo mà nó là cổ vật thật chứ chả chơi, thế nên cái chú kia mới nhất định phải xin nó chứ. Để cuối tuần về gạ bố đòi lại xem sao.

Minh họa: Bùi Văn Tuất