Nằm bên tả ngạn sông Đáy, về phía Tây Bắc của thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chừng 10 cây số, Chùa Bà Đanh giờ đây không còn hoang sơ như trước nhưng vẫn mang dáng dấp cổ xưa với sự vắng vẻ, trầm tịch. Trong những ngày hè này, đi vãng cảnh chùa, trở về với nơi thâm thiền, nghe tiếng chuông, tiếng mõ ngân vang lúc nhặt lúc thưa mới cảm nhận hết ý nghĩa của cuộc sống trần tục.
Du khách đến vãng cảnh Chùa Bà Đanh thường bắt đầu xuất phát từ núi Cấm (Thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam), sau khi đã mệt phờ bởi trèo núi hoặc chui sâu vào Ngũ Động Sơn để mục sở thị những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.
Bước chân xuống đò, phóng tầm mắt nhìn khắp một vùng sông nước mênh mông, đón nhận những làn hơi nước mỏng tang theo gió táp vào người, vào mặt mát lạnh và nghe tiếng chèo khua nước lõm bõm, mọi cảm giác mệt nhọc chợt tan biến đi như chưa bao giờ có, thay vào đó là cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Mọi người dễ bị choáng ngợp trước quang cảnh hùng vĩ, bao la của những dãy núi đá vôi sừng sững, điệp trùng soi mình bên hữu ngạn sông Đáy.
Dưới chân núi, những bông hoa mua trắng muốt loà xoà trên mặt nước. Bên tả ngạn sông là những thôn xóm bình yên, nhà cửa san sát nằm thảnh thơi dưới những luỹ tre xanh mượt đang chờn vờn những dải khói lam. Hơn nửa tiếng đồng hồ ngồi trên đò, chúng tôi đã tới chân núi Ngọc, một hòn núi nhỏ nằm trong khuôn viên của chùa. Tại đây mọi người có thể nằm dài trên những phiến đá hay dựa người vào những rễ đa cổ thụ để nghỉ ngơi, thư giãn.
Nơi đây không khí thật trong lành và vắng vẻ như trên một hoang đảo khi trước mặt núi Ngọc là dòng sông Đáy nước chảy hiền hoà. Phía bên trong là một thung lũng nhỏ mọc đầy hoa dại và chuối rừng. Trên núi, nhiều tảng đá tương đối bằng phẳng do tạo hoá xếp đặt sẵn như những tấm phản ngoài trời, giữa thiên nhiên mát mẻ.
Sát mép sông, cây đa cổ thụ với 99 chiếc rễ dài như những cánh tay lực sĩ bám chặt vào các vách đá trên khắp sườn núi tạo ra những chiếc võng nho nhỏ cho du khách. Những chiếc rễ đa được gắn liền với những huyền thoại đã được mọi người đến đây khắc đầy tên tuổi của mình như những dấu ấn và cũng là những điều cầu mong về mọi sự tốt lành. Đâu đây vang lên những tiếng chim líu lo, trong trẻo, tiếng gà gáy trưa từ trong làng vọng ra gợi lên sự yên ả, thanh bình. Tôi thấy lòng mình chợt chùng xuống và bất chợt tự chất vấn mình về những hành động, cách cư xử của mình trong những ngày đã qua.
Xuống khỏi núi Ngọc, chúng tôi lạc vào một rừng cây nhỏ bao quanh chùa. Nơi đây trước là một khu rừng rậm rạp nhưng đã bị con người khai thác đến kiệt quệ và tàn lụi. Chỉ có những cây công nghiệp do những người dân quanh đây mới trồng đang chen nhau mọc xanh tốt cả một dải đất dài. Giữa bạt ngàn những cây sắn củ, vẫn còn lác đác những cây lâu năm, dấu vết sót lại của cánh rừng thuở trước, trong đó có những cây vải, cây lộc vừng, cây duối, cây muỗm có tuổi đời từ trên 100 năm đến 200 năm. Giá như lúc này có được chiếc võng để mắc vào thân cây thì thích biết mấy. Sẽ có một giấc ngủ trưa tuyệt vời giữa sự bình yên và râm mát.
Chùa Bà Đanh là nơi linh thiêng để cầu lộc cầu tài. Nhiều học sinh sinh viên dù ở nơi rất xa xôi cũng về tận đây cầu mong chuyện học hành, thi cử đỗ đạt và có được tình yêu lâu bền, vĩnh cửu. Sư trụ trì của nhà chùa là sư bà, tính tình khá vui vẻ, hoà nhã. Sư bà kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết Bà Đanh với một giọng nói chậm rãi, nhỏ nhẹ khắc sâu vào thâm khảm người nghe.
Bà Đanh còn được gọi là Đức Thánh Bà làng Đanh hay bà chúa Đanh. Chuyện kể lại rằng, ngày xưa, lâu lắm rồi, vào một năm nọ, thời tiết bỗng nhiên trở nên vô cùng khắc nghiệt. Có một thời gian rất dài, nắng như đổ lửa. Nắng đến khô cháy cành cây ngọn cỏ. Nắng đến cạn khô nứt nẻ các dòng sông mà mãi chẳng có một giọt mưa nào khiến cho nhân dân ở đây không thể làm ăn sinh sống nổi. Rồi sau đó là mưa.
Mưa thối đất thối cát. Mưa xối xả như trút nước hết ngày này đến ngày khác làm cho lũ lụt triền miên. Nhiều người đã chết đói, nhiều người khác phải đi tha phương cầu thực. Già làng vì thế lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Một đêm, già làng nằm mơ thấy một nàng tiên trẻ đẹp hiện ra, xin được về giúp dân làng. Sau đó, dân làng liền lập một ngôi chùa nhỏ trong rừng cây cổ thụ ở đầu làng, gần sông nước và cạnh hòn núi Ngọc để thờ nàng tiên ấy.
Chùa xây dựng xong, một hôm, trời đất bỗng nhiên tối sầm lại, sấm nổ vang rền. Một cơn gió lớn đã cuốn đổ cây mít ngàn năm tuổi linh thiêng trong khu rừng. Dân làng biết là điềm báo, liền lấy gỗ mít tạc tượng nàng tiên để thờ. Khi tượng tạc xong, thời tiết hết khắc nghiệt, mưa thuận gió hoà, cuộc sống lại bắt đầu sinh sôi nảy nở. Từ đó, ngôi chùa này được gọi là chùa Bà Đanh.
Do ngôi chùa nằm nơi rừng sâu nên rất vắng vẻ. Trước đây, khi còn đi học, chúng tôi vẫn thường được nghe mọi người ví von: “Vắng như chùa Bà Đanh” mà cứ nghĩ đó là một nơi nào xa tít tắp. Lớn lên, được nghe mọi người kể lại, được đi đây, đi đó nhiều nơi, tôi mới biết đó là ngôi chùa trên mảnh đất của quê hương mình, cách làng tôi không bao xa, càng thêm tự hào hơn khi biết rằng, ngôi chùa và câu thành ngữ kia đã ăn sâu vào đời sống dân gian khắp nơi trên cả nước.
Xuống đò, trở lại núi Cấm mà lòng tôi còn vương vấn nơi cảnh thiền với câu chuyện về bà chúa Đanh đã giúp dân làm ăn sinh sống; cảm tưởng như mình vừa bước ra từ một cõi hư vô vắng lặng, lại bùi ngùi trước cuộc sống bon chen nơi trần tục khi nghe người lái đò ngân nga câu thơ:
“Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như chùa bà Đanh”