Một trong những niềm vui của trẻ con khi Tết về là được đi chợ Tết. Dù chẳng mua sắm nhiều nhặn gì đâu nhưng được chen chân trong không khí đặc hơi người và hoa mắt trước cả rừng hàng hóa có lẽ là điều thật đặc biệt. Thế mà suốt tuổi thơ mình, tôi chưa từng có được cảm giác đặc biệt ấy.
Khi nhà trường bắt đầu có lịch nghỉ Tết cũng là lúc mẹ lên kế hoạch để tôi đi theo đèo hàng và bán cùng trong mấy ngày “cao điểm”.Phiên chợ Bến, phiên chợ Chóa, phiên chợ Đài…cứ thế là kín mít.
Những ngày áp Tết thường lạnh tê tái,có khi mưa phùn,mẹ gọi tôi dậy từ 4 giờ sáng. Bố đã buộc sẵn xe hàng gọn gẽ để tôi lên đường. Chiếc xe đạp hằng ngày gài cặp sách theo tôi đến trường giờ ngất ngưởng những thứ hàng nhựa đằng sau. Cơn buồn ngủ chưa tan còn lúc lắc theo nhịp xe lăn bánh trên đường đê gồ ghề, lồi lõm. Trời tờ mờ chưa sáng rõ, tôi cứ bám theo mẹ, nhìn cái dáng gò lưng đạp và hai sọt hàng là không lo mất dấu.
Đến chợ là cũng vừa kịp tỉnh ngủ. Mới chỉ có những người bán hàng xuất hiện nhưng đã nhộn nhịp lắm rồi, góc này tiếng gà vịt quang quác, góc kia tiếng người chở hàng, dỡ hàng gọi nhau í ới, tiếng trò chuyện than thở thời tiết, hàng hóa của các bà, các chị đang vừa nhanh tay bày biện vừa nói râm ran.
Gian hàng nào vào những ngày chợ Tết dường như cũng phình rộng ra làm lối đi bỗng dưng bị thu hẹp lại và đến gần trưa là cảnh ùn tắc thậm chí chen lấn diễn ra. Tôi ngồi yên vị một góc trong cầu chợ nhìn ra dòng người mà vừa thấy sợ vừa thấy thèm thuồng.
Thèm như những đứa trẻ trạc tuổi mình được tự do đi lại quanh chợ, tha hồ mua sắm những thứ mình thích. Một ít bánh kẹo,hạt hướng dương,hạt bí,mấy cái vòng buộc tóc,mấy đồ trang trí xinh xinh…và vô số những thứ lặt vặt khác. Nhưng nhiệm vụ mẹ giao là phải túc trực thường xuyên, để ý hang, trả tiền lẻ và lấy hàng cho khách.
Hàng của mẹ là đồ nhựa nên các mặt hàng cũng phong phú vô cùng, tha hồ mà bày biện,sắp xếp, chuyển ra chuyển vào. Tôi vốn không thích công việc bán hàng cũng như phải tính toán tiền nong nên thỉnh thoảng lại thẫn thờ ngó nhìn sang các gian hàng bánh kẹo, quần áo rực rỡ phía bên kia. Thế nào cũng được mẹ nhắc nhở kịp thời.
Ở chợ Bến, ngay cạnh cầu của mẹ là cầu của bà Tâm bán mắm và bác Viện bán thuốc cam. Thỉnh thoảng vãn hang, mẹ lại trò chuyện với bà và bác, hỏi thăm hôm nào gói bánh,Tết năm nay đi những chùa nào. Bà Tâm ngày ấy chắc phải ngoài 60 nhưng nước da vẫn rất đẹp, khuôn mặt thanh thoát và giọng nói thì nhẹ nhàng. Ngày trẻ chắc bà phải đẹp lắm. Phong thái của bà rất từ tốn;không hiểu sao nhìn bà chắt nước mắm cho khách thôi mà vẫn cảm thấy thật …quý phái.
Bà rất hay hỏi han con bé tôi,lấy quà nọ, bánh kia cho ăn và luôn cảm thán: con bé này ngoan thật, chả bù cho mấy đứa cháu bà, nghỉ học là đi chơi không thấy tăm hơi. Bảo ra trông hàng cho bà một lúc cũng khó. Sau này, ít gặp nhưng tôi vẫn luôn nhớ bà cùng cảm giác ngọt ngào,nhẹ nhõm .Trên đường về,có một ngôi nhà nhỏ xinh xắn rợp bóng cây gần vệ đê cứ khiến tôi nghĩ đó là nhà của bà- một ngôi nhà chỉ nhìn thôi đã gợi sự yên bình và ấm áp.
Chợ Chóa xa hơn chợ Bến mấy cây số và không có cầu chợ nên khi nào mẹ nhắc đến phiên tôi đã không hào hứng. Chợ họp trên đê,kéo dài theo mấy ngả. Vì không có cầu nên hàng hóa phải mang nhiều hơn và bày biện, dọn dẹp cũng lâu hơn. Nhớ nhất là những hôm mưa rét, gió từ sông thổi lên lạnh buốt, không khí nhộn nhịp như trùng xuống, những quả bóng bay xanh đỏ không làm ấm cảnh mua bán xung quanh.
Chỉ có sự chân chất ,thân thiện của những người dân Chóa mới làm những giọt mưa kia bớt tê tái. Mẹ bảo, dân ở đây họ dễ lắm,đi chợ không mặc cả kì kèo, nhiều người mua hàng quen còn thân thiết như chị em …có lẽ vì vậy nên mặc dù xa xôi,vất vả mẹ vẫn không lỡ bỏ chợ.
Cứ đến phiên cuối cùng ,thể nào cũng có những lời nhắn nhủ: ra giêng hôm nào đi chợ để ra mở hàng,mùng nọ nhớ xuống ăn hội nhé, bận di chợ thế này có gói được bánh không, lấy mấy cái về ăn …có những chiều thật mỏi, dọn dẹp hàng mãi không xong mà nghe tiếng chuyện trò của mẹ với các cô, các bác thấy không còn cảm giác xáo xác của chơ chiều cuối năm nữa.
Và cũng có lần, gặp cô bạn cùng lớp đi chợ, chưa kịp ghen tị vì bạn được tung tăng thì đã nghe tiếng rầu rầu than thở: chán quá,mẹ tớ bảo đi chợ sẽ mua cho ít bánh kẹo mà giờ kêu hết tiền rồi, không mua gì nữa cả. Nhìn bạn ra về không có thứ gì mang theo mà thấy nhoi nhói. Nhà mình thì bận kiểu gì mẹ cũng vẫn tranh thủ sắm sửa đủ đầy, chỉ là thiếu thời gian…
Muốn sang chợ Đài phải qua sông, đường lại xa hơn nhiều nên thỉnh thoảng mẹ mới đi. Nhưng tôi luôn ấn tượng với những dãy lều chợ còn lợp ngói cũ, thậm chí mái tranh. Tiếng “Đài,Tiếu” veo vẻo,cao và chói hơn những làng bên kia sông làm âm thanh ở chợ đặc trưng không lẫn được.
Nhớ chợ Đài là nhớ những hành, tỏi ,rau cải chất đầy đến cổng chợ. Lâu lắm không quay lại và cứ thắc thỏm muốn một lần lại được đi chợ Tết “bên kia sông”, để qua bến đò có gốc gạo già trầm mặc giữa mưa xuân, đợi tháng ba thắp lửa…
Bây giờ, Tết về có thể thoải mái đi mua sắm thì lại thường tranh thủ rất nhanh, không còn cảm giác choáng ngợp và nôn nao như ngày thơ bé. Thi thoảng bắt gặp cô bé con nào đó trông hàng cho mẹ,ngước cặp mắt đen thẫm nhìn dòng người tấp nập đi lại xung quanh thốt nhiên tưởng bắt gặp lại mình…của rất nhiều năm về trước trong những ngày áp Tết.