16 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Chè đâm

Tháng sáu, nắng và gió thốc ngược lên mặt, quẩn lại bên người. Hầm hập. Nóng. Rít ráy. Quãng đường như dài thêm. Lúc này chỉ muốn về đến nhà có sẵn chai nước chè đâm mát lạnh mà tu một mạch thì đã lắm.

           Chẳng biết từ lúc nào chị thích uống nước chè đâm – một thứ nước uống có từ lâu đời của người Thái bản địa tại Quỳ Hợp, Nghệ An (tiếng Thái gọi là chè tắm). Có lẽ từ ngày đầu tiên, khi chị được bà mự bên chồng vấn tóc, buộc khăn và làm lễ gọi vía để trở thành con dâu Thái … Chị cũng không nhớ rõ nữa, chỉ biết lâu lâu không uống thì nhớ, cảm thấy thiêu thiếu.

                        Như hôm nay, trước lúc về nhà bố mẹ, chị nhắn tin cho bà mự út: mự làm nước chè đâm không? Làm thêm cho cháu với! Mự út chiều cháu dâu đã làm sẵn đợi trước từ sáng. Màu xanh của nước chè nổi lên trên màu trắng của bát sứ thật đẹp, như một đóa hoa xinh làm dịu cả nắng hè. Ngọn gió Lào ran rát cũng dừng lại ngoài khoảng sân rộng trước cái màu xanh đậm của bát nước chè đâm.

Bưng bát nước nhấp một ngụm, chị để cho vị chát ngấm từ từ, rồi vị ngọt lan dần trong miệng. Chốc lát bao nhiêu cái nóng thiêu đốt của con đường ngoài kia tan biến. Chỉ còn lại vị ngọt mát phảng phất hương thơm của chè đồi già nắng và tình cảm của người thân yêu. Cũng lâu rồi, chị mới có dịp về thăm nhà, về với bố mẹ và các bác, chú mự bên chồng. Câu chuyện đời thường bên ấm nước chè đâm trở nên ấm áp, thân thiết hơn.

          Ngày mới về làm dâu, nhìn bát nước chè xanh ngát mà chị ngại ngần, nhấp một tí vì nể người mời. Nhưng sau khi uống, chị thích như trẻ con thích nước ngọt. Vừa lạ lẫm, lại vừa thân thuộc của hương chè xanh ngậm nắng. Dư vị thơm ngọt cứ đọng lại mãi trong miệng và trên chóp mũi.

Vùng đất nơi chị sống và làm việc có rất nhiều chè, những đồi chè nối tiếp nhau không dứt óng ánh dưới ánh nắng. Hầu hết nhà ai cũng trồng ít nhất một vài hàng để uống. Người ta đặt một công ty chế biến chè ở đây nhưng chè đâm là một cách pha chế độc đáo, riêng biệt của bà con trong các bản làng.

                         Từ xa xưa, người Thái thường lấy lá và vỏ cây rừng giã ra rồi nấu nước uống. Khi biết đến cây chè thì họ dùng loại cây này thay cho cây rừng. Ngày trước, nước chè đâm chỉ được làm khi có lễ hội hay có khách, nhưng bây giờ trong nhà bố mẹ hay chú bác xung quanh nghỉ hưu rảnh rỗi nên lúc nào cũng có.

Sau khi từ bỏ cuộc sống du canh du cư, người Thái thường sống thành từng bản nhỏ ở thung lũng, bao bọc xung quanh là núi đồi, hàng xóm đều là anh em trong cùng một dòng họ. Khi nhà ai có việc từ nhỏ đến lớn đều chung tay để làm. Có khi là xây nhà, có khi chỉ làm lại cái sân hay cái bếp … mỗi nhà một người đến góp công. Và không thể thiếu được ấm nước chè đâm thơm mát.

           Trong các loại nước uống từ chè xanh thì nước chè đâm là công phu nhất. Để làm được bát nước chè ngon, có màu xanh đẹp mắt, người hái chè phải chọn những nhánh chè lá dày, không bị đỏ ngọn, không bị khuất nắng. Đem về rửa nhẹ tay để chè không bị dập, phải đâm khi chè vẫn còn ướt nước. Chè bỏ vào đâm cắt ra, có cả lá và cành thì mới đạt yêu cầu.

Dụng cụ đâm chè là một cái cối làm từ ống mét già lót một miếng gỗ ở đáy, một cái chày gỗ và một cái huột (đồ vật đan bằng tre có các lỗ nhỏ) để lóng bã chè. Mỗi sáng bố chị thường làm việc này, chị muốn làm thay ông cũng không cho. Ông bảo, muốn ngon thì phải đâm chè đều tay, không quá nát, mà tay con yếu không làm được đâu.

                        Chị đành ngồi bên cạnh nhìn ông làm. Chè đâm xong rồi thì lấy một ca nước sôi nguội đổ vào, rồi rót qua cái lóng, khi uống pha thêm nước nóng (theo công thức ba sôi hai lạnh). Tùy theo thời tiết và sở thích của từng người mà có thể dùng nóng hay dùng lạnh. Rảnh rỗi, mọi người tập trung lại, tiếng cười nói vui vẻ, rộn ràng cả xóm nhỏ, ấm nước vơi dần trong những câu chuyện tâm tình. Mỗi lần uống bát nước chè đâm ở nơi khác, chị lại nhớ về cảm giác ấm áp của xóm làng, của gia đình nơi quê hương.

Giờ đây, không chỉ có người Thái mới uống chè đâm. Nhiều nhà ở thị trấn cũng đã học cách làm để uống hàng ngày bởi nó dễ uống, không say và tốt cho sức khỏe con người. Đi dọc theo con đường bao quanh hồ Thung Mây thơ mộng của thị trấn Quỳ Hợp có nhiều quán bán nước chè đâm. Và có những người buổi sáng tập thể dục hay uống cà phê cũng thường gọi cho mình một chai nước chè xanh thắm như một thức quà phải có.

           Bên chiếc bàn gỗ trong quán trà, mọi người nhấp từng ngụm nước, cảm nhận dư vị của đất trời, thong thả trò chuyện. Mây bồng bềnh trôi trên gợn sóng Thung Mây. Chè đâm cũng theo chân những người con dân tộc Thái đi xa đến với các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh … Nhưng có lẽ phải là chè trồng trên đồi và nước của những vùng đất đá ong thì mới thơm ngon được.

Vị ngọt mát của nước chè đâm còn quyến rũ với người của vùng miền khác. Đã có một người con quê lúa Thái Bình say mê hương vị chè đâm, chị chọn thức uống này để làm nên một quán nước chè đâm Quỳ Hợp tại Hà Nội với cái tên Phốm Hóm (nàng tóc thơm) phố Nguyên Hồng.

                         Thời gian cứ trôi qua, trong cái khắc nghiệt của khí hậu miền Trung, vị ngọt thơm của nước chè đâm cứ theo mãi trên con đường chị về nhà. Vị ngọt ấy như là một trong những nỗi nhớ về vòng tay ấm áp của gia đình, của tình quê. Hương chè thơm thơm, vị chan chát, ngòn ngọt, say đấy mà không nôn nao khó chịu, không cồn cào ruột gan như chè om nấu. Hương vị chè càng uống càng ngấm và nhớ lâu như ân tình của mọi người nơi bản mường.

Check out our other content

Most Popular Articles