Mỗi lần về nhà, tôi thường đứng tần ngần trước không gian êm đềm, tĩnh lặng của ngôi nhà nhỏ nép mình trong khu vườn xanh mướt, nơi chắp cánh để anh em tôi lớn lên. Chái bếp…
Hồi nhỏ, mỗi sớm, cứ vừa từ trên giường tuột xuống đất là anh em tôi đã vội chạy ra chái bếp cạnh bờ ao tìm mẹ. Trong hơi sương lành lạnh buổi sớm mai, tôi thích cảm giác ấm áp ngồi bên mẹ, hít hà mùi khói cay nồng của rơm rạ, mùi hương ngan ngát của vườn tược. Hương đồng gió nội luôn khoáng đạt, hòa trộn mùi hương của cỏ cây, hoa lá, mùi ngai ngái của bùn đất, mùi của giọt mồ hôi hai sương một nắng… Cái mùi mộc mạc nhà quê ấy đã trở thành quen thuộc, đã ghim vào nỗi nhớ không biết từ bao giờ, để trong những buổi sớm mai lành lạnh của tiết trời thu man mác, tôi lại bần thần nhớ…
Nhớ mùi khói bếp, nhớ hình bóng mẹ lụi cụi bên bếp lửa. Một bếp lửa thật đơn sơ, nhưng dù có đi hết cuộc đời này, đi khắp thế gian này, có lẽ tôi cũng sẽ chẳng thể tìm thấy được ở bất cứ nơi đâu…
Thương nhất những ngày mưa đầm, gió bấc. Rơm rạ ẩm ướt, sáng mai mẹ loay hoay nhóm lửa, khói mù mịt, nước mắt mẹ giàn giụa… Những trưa hè nắng như đổ lửa, trong gian bếp nhỏ nóng nực, mồ hôi mẹ ướt đầm lưng áo. Cứ như vậy, dù mưa hay nắng, dù đêm đông rét mướt hay trưa hè nóng bỏng, ngày nào bàn tay mẹ cũng lụi cụi trong gian bếp, giữ ngọn lửa yêu thương cho gia đình.
Cuộc đời mẹ luôn gắn liền với gian bếp, đó không chỉ là nơi nấu nướng những bữa cơm cho gia đình mà nó còn là nơi chứng kiến những vui buồn, nỗi gian truân và niềm hạnh phúc. Có những lần tủi thân, không muốn cho các con biết, mẹ trốn ra chái bếp ngồi khóc. Bất chợt tôi chạy ra, mẹ len lén nâng vạt áo vội lau khô những giọt nước mắt, rồi lấp liếm bảo khói làm cay mắt mẹ. Những sợi khói mỏng manh nơi chái bếp đã giúp mẹ giấu đi những nỗi buồn. Gian bếp mộc mạc luôn là không gian gần gũi nhất để sẻ chia tâm tư của mẹ.
Mỗi lần về nhà, tôi thường đi thẳng ra sau bếp để tìm mẹ. Gian bếp của mẹ theo năm tháng mọi thứ dường như đều được phủ bồ hóng quyện với khói bếp lọ lem. Mảng tường ám khói, có khung cửa sổ nhìn ra khu vườn nhỏ bên cạnh bờ ao. Mẹ vẫn lụi cụi cần mẫn trong không gian ngan ngát mùi khói, mùi cỏ cây, hoa lá. Thời gian đã đè nặng lên đôi vai mỏng manh của mẹ, mái tóc mẹ đã ngả màu sương khói, làn da mẹ nhăn nheo đồi mồi, đôi mắt mẹ đã không còn tinh anh nữa, duy chỉ nụ cười vẫn rạng rỡ mỗi dịp các con cháu về đoàn tụ…
Năm tháng dần trôi, vừa rồi mấy anh em sửa lại ngôi nhà cho cha mẹ nương náu lúc tuổi già, gian bếp được chuyển lên khép kín trong nhà với hệ thống bếp gas, bếp điện. Nhưng mẹ vẫn yêu cầu xây cho mẹ một gian bếp củi nhỏ trên nền chái bếp cũ để thi thoảng mẹ kho cá, đun nước gội đầu…
Mỗi lần về bên mẹ, nhìn làn khói bếp vương vương trên mái tóc bạc phơ của mẹ, tôi nhận ra mẹ của anh em tôi đang yếu dần theo tuổi tác. Hơn tám mươi mùa lá rụng, mỗi ngày qua là mỗi ngày dần đưa mẹ rời xa cõi riêng ấm áp nơi chái bếp ấy, và mẹ cũng dần xa cõi tạm, đi dần về phía hoàng hôn.
Mấy chục năm phiêu dạt, đời người toan tính thiệt hơn rồi có lúc chỉ thèm một nỗi rất giản đơn. Đó là muốn mãi được ngồi bên mẹ trong chái bếp thơm mùi khói, thơm mùi thời gian. Chái bếp của mẹ sẽ còn mãi bên tôi với tiếng cơm sôi réo rắt tỏa hương thơm quyện trong làn khói bếp vương vương dưới ráng chiều…
Nhớ nhà thơ Phạm Hữu Quang đã viết:
“Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng,
Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió,
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc,
Hình như ta mới khóc hôm qua,
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt,
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà…”
Mỗi lần nghe tiếng cơm sôi, con lại nhớ mẹ… nhớ không gian êm đềm, tĩnh lặng của ngôi nhà nhỏ nép mình trong khu vườn xanh mướt, nơi chắp cánh để anh em con lớn lên.