Một buổi chiều nghiêng nắng trên dòng sông Ngàn Phố hiền hòa, một buổi chiều lao xao gió lào rát bỏng đang băng băng trên con đường cán bê tông của nông thôn đổi mới, một buổi chiều ăm ắp tiếng sáo diều trên bầu trời biếc xanh cao vời vợi. Tôi cùng cha tản bộ dọc triền sông liu riu sóng nước, bàn tay cha bỗng run rẩy nắm tay tôi ” Sao cái Hạnh không về?”.

Tôi giật mình thảng thốt, tôi nghẹn ứ bờ mi, những giọt nước mắt không thể ngưng mà bung ra mờ nhòe cả chiều heo may khô khốc. Cha không nhớ út Hạnh thật rồi khi tôi đang ở kề bên. Có muộn không khi tuổi trẻ tôi phiêu du ngược xuôi qua muôn vạn nẻo đường, những thành phố xa hoa, những bộn bề cuộc sống. Thỉnh thoảng thương, thỉnh thoảng nhớ, thỉnh thoảng gọi về chỉ để biết rằng cha mẹ vẫn mạnh khỏe bình yên.

Có muộn không khi chỉ khi tôi ẩn ức ưu phiền, tôi yếu đuối, tôi tổn thương, tôi cần chở che mới tìm về với mẹ cha, thì bàn tay cha đã run rẩy nhăn nheo như ráng chiều dùng dằng cố bấu víu ánh mặt trời hối hả trôi xuống núi.

Có muộn không khi cha già đến tuổi như đèn treo trước gió, đến tuổi lãng quên tôi thật rồi… Như mới hôm kia, như mới hôm qua, như ngay đây thôi trước mắt tôi là khoảng ấu thơ nặng nợ tình cha, những kỷ niệm là một thước phim chậm rãi, thước phim ký ức tua ngược về trên bước chân chậm rãi của cha.

Cha là một tượng đài uy dũng trong lòng chị em tôi, là đức tin của năm chị em chúng tôi, là hình mẫu lý tưởng để chị em tôi kiếm tìm điểm tựa cho cuộc đời hạnh phúc. Cha có một tuổi trẻ huy hoàng, cha có một thời hiên ngang và đáng nhớ khi tham gia giữ gìn quê hương ở Nam Bắc các chiến trường.

Chị em tôi thường nài nỉ cha kể chuyện về những năm kháng chiến, những hiểm nguy rình rập, những đêm ngày băng rừng lội suối, những lằn ranh sinh tử, những đồng đội đã chiến đấu, đã hi sinh.

Cha tôi hài hước vô cùng, tôi biết có những câu chuyện ngoài lề cha thêm thắt vào để trêu chọc mẹ như có O này xinh, O kia tóc dài, O hát hay mà cha đã từng say mê trước đó. Hay có câu chuyện cha thèm thuốc lào quá mà đi ” ăn trộm của địch” suýt bị bắn không dưới một đôi lần.
Có câu chuyện bi tráng, có câu chuyện mất mát, có câu chuyện hài hước, có câu chuyện mục đích dạy dỗ các con mà cuốn hút vô cùng, chị em tôi cứ há hốc miệng chờ nghe như bầy chim non chờ mồi mớm từ chim cha chim mẹ tảo tần kiếm về sau một ngày mỏi cánh. Trong chái bếp lách tách tiếng lửa reo ca hòa với mùi thơm khói lá bạch đàn ngọt lịm, cả nhà tôi say sưa nghe quên cái giá lạnh mùa đông và cơn khuya đang vội vã kéo về.

Nhà tôi nghèo, cha một mình cặm cụi nẹp lá tranh làm mái, trộn bùn với rơm rạ làm tường che nắng che mưa. Nhà tôi nghèo, cha lầm lũi phơi bờ vai sạm đen giữa cánh đồng hun hút gió, làm ruộng nhà mình, làm mướn cho người ta, không một ngày ngơi nghỉ, để nuôi con.

Cha làm gì cũng giỏi, những khi nông nhàn thì cha đan lát các vật dụng bằng tre, bằng mây vừa phục vụ gia đình vừa để mẹ tôi mang ra chợ tỉnh bán kiếm thêm tiền cho chúng tôi đóng học. Đặc biệt cha “sát cá” vô cùng, cứ hễ có cơn mưa giông vừa tới, là mẹ con tôi có ngay oi cá lóc quẫy đạp tưng bừng cải thiện những bữa cơm.

Nhà tôi nghèo, nhưng lúc nào cha cũng bắt chúng tôi phải học, tâm niệm của cha là năm chị em tôi học hành đỗ đạt, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn vươn đến cuộc sống sạch sẽ phố thị, dẫu không biết bao nhiêu lần chị em tôi đòi nghỉ học ở nhà để phụ mẹ phụ cha.

Nhưng cha lại không có con trai… Ngày trước, khi tư tưởng trọng nam khinh nữ còn ăn sâu vào tiềm thức của từng người, của cả xã hội. Nhà nào cũng phải có con trai để ” nối dõi tông đường”. Nhà tôi toàn con gái, năm đứa con gái.

Cha chịu nhiều dẻ bĩu của người nhà, sự rẻ khinh của chòm xóm. Mỗi lần có cỗ thì chắc chắn cha phải ngồi mâm dưới cùng với các bà các mẹ. Mỗi lần bàn bạc công chuyện của anh em thì chắc chắn cha tôi sẽ phải ” ra rìa”. Nhưng cha mặc kệ miệng đời, mặc kệ sau lưng những tiếng xì xào rằng ” đời ông ta như cái chổi tre cùn mằn vì con gái”, rằng “nhà ông không có con trai thì hẳn sẽ mất nòi “…

Cha mặc kệ tất cả những ánh nhìn, những xoi mói rẻ khinh. Cha cứ thế bình thản, yêu thương và luôn là bờ vai vững chãi cho gia đình nhỏ của mình.
Hồi đó ở xóm tôi cũng có vài ba nhà chỉ toàn con gái như nhà tôi, nhưng khác với chị em tôi được cha mẹ yêu thương, được đến trường đầy đủ thì những người bạn của chúng tôi lại không được đi học, đơn giản vì cha của họ bảo ” con gái rồi cũng lấy chồng, học để làm gì”. Cả gia đình chúng tôi như những chú chim con líu ríu yếu mềm trong đôi cánh cha tôi.

Nhưng cha cũng cực kỳ nghiêm khắc, thỉnh thoảng năm chị em tôi lại lằn roi vì nghịch ngợm, vì ham chơi. Tôi còn nhớ như in đó là năm học lớp 12, vì tôi học ôn về trễ mà không báo với gia đình, mới bước đến cửa ngõ tôi đã thấy đốm thuốc lập lòe chờ đợi của cha

Lần đầu tiên cha đánh tôi, tôi khóc, cha cũng khóc theo. Nhưng có lẽ nhờ tính nghiêm khắc kỷ luật ấy, mà chị em chúng tôi luôn ý thức học hỏi, trưởng thành, làm người, như cha bảo ” học không thành danh cũng phải thành nhân”.

Chúng tôi khôn lớn thì cha cũng già đi. Chúng tôi như những chú chim ra ràng dang đôi cánh rời xa quê hương thì đôi cánh cha tôi cũng ngày một chậm chạp hơn, run rẩy hơn. Duy chỉ có tâm tư của cha luôn dõi theo từng bước chân chập chững quê mùa nơi thị thành nhộn nhịp của năm đứa con gái yêu thương.

Cha vẫn chiếc áo lổ đổ ngả màu mỏng tang vì mồ hôi và nắng gió, tay cày tay cuốc trên cánh đồng trĩu bông chờ đợi các con về. Nhiều lần tôi bảo cha già yếu rồi đừng làm ruộng nữa nhưng cha lờ đi, tôi biết cha làm ruộng không phải để có cái ăn như ngày xưa, mà để khuây khỏa, để đỡ nhớ con mà thôi.

Thời gian như một chiếc chạm tay vào khoảng mênh mông phía trước là bầu trời, tưởng nắm được ánh dương lại chỉ là hư vô ảo ảnh, chỉ có những vết chân chim là thật giữa cuộc đời. Những mục đích liên tiếp, những tham vọng tuổi trẻ đã khiến chị em tôi cuốn vào vòng xoay phố thành không biết điểm dừng, không biết điểm thoát ra.

Cho đến một ngày mẹ gọi điện về nhà, rằng cha nhớ các con cha gọi tên mỗi tối. Cha gọi chị cả dậy sớm đi gặt kẻo nắng lên, cha gọi chị hai mang gầu đi tát nước cho ruộng cao khô hạn, cha gọi chị ba đi đổi công với hàng xóm khi đã rộn rã vào mùa, cha gọi chị tư dậy nấu khoai lang cho bữa sáng cả nhà, cha gọi út mau đi chăn trâu trên những cánh đồng xa, nhớ mang sách đặng học bài con nhé.

Tôi ào về quê trong một đêm lặng lẽ, chuyến tàu xình xịch băng qua những kỷ niệm thiếu thời. Tôi nợ mẹ nợ cha trọn vẹn những nụ cười, nợ ánh mắt vời vợi đợi chờ ngày về đứa con yêu xa xứ, nợ bàn tay run rẩy của cha trong những chiều vàng ruộm một mình chống gậy ra đầu ngõ, cô đơn…

Tôi nợ cha già những lời hứa chưa một lần trọn vẹn, là sống vui vẻ bình yên không bươn chải quá nhiều. Những bước chân khập khiễng liêu xiêu, bàn tay run run nắm chặt tay tôi hẳn cha đang sợ mình vấp ngã. Cha đã già, còn tôi vô tâm quá. Biết còn được mấy lần dắt tay cha vững vàng như ngày thơ trẻ tôi được cha cõng trên lưng.

Tôi hỏi ” cha không còn nhớ con nữa sao?”, cha gõ đầu ” vớ vẩn nào, là út Hạnh học lớp hai, nhiệm vụ chăn trâu, tối lùa vịt vào chuồng chứ ai nữa”. Vâng, cha không quên, chỉ là cha đang nhớ những ngày tháng xa xưa gần bốn mươi năm khi con trẻ quây quần, cha đang trở về sống trong ký ức thân thương.

Hai cha con dạo bước trên triền đê với ánh nắng vãi vương. Bóng cha vẫn cao, bóng tôi vẫn thấp, chỉ là cha đã phải chống gậy, và tay tôi đang giữ chặt tay cha dìu những bước xế chiều.
Dẫu đã muộn màng, dẫu đã để thời gian hoang phí biết bao nhiêu, tôi dặn lòng từ bây giờ sẽ chuộc lỗi vô tâm khi để mẹ cha cô đơn trong ngôi nhà đủ đầy tiện nghi mà vắng những ríu ran thuở nhỏ. Tôi sẽ cùng cha trở về những ngày tháng bình yên tròn đầy của ký ức. Dẫu có thể ngày mai vào một chiều lưa thưa nắng, cha bỗng quên tôi…