Tôi
đã từng nhiều lần đặt bút viết về mẹ,
nhưng họa hoằn lắm mới có vài dòng chữ về cha. Không phải tôi không nhận ra đó là một sự thiên vị, đôi lúc làm cha phải nghĩ suy. Nhưng thật lòng mà nói, cuộc đời cha là một câu chuyện dài, vinh quang và cay đắng, mà một vài con chữ khó mà khái quát được. Có chăng, chỉ là sự lột tả một lát cắt nào đó về Người.
Cha
không phải là một người vĩ đại
để nói với tôi những điều lớn lao. Cha cũng chưa bao giờ là người hoàn hảo để nói với tôi về những điều hoàn mĩ. Cha chỉ là một người bình thường như bao người cha khác trên thế gian thường chia sẻ với tôi về những điều giản dị trong cõi nhân sinh này.
Cha tôi
Thuở tôi còn ấu thơ, cha thường dạy tôi bằng những câu nói, câu chuyện đầy hình tượng mang tính triết lí. Ngày ấy, tôi đón nhận bằng tất cả sự thờ ơ mà không hề biết rằng, những lời dạy ấy đã hữu ích cho tôi rất nhiều trong cuộc mưu sinh sau này.
Cha là một người vô cùng nghiêm khắc. Tôi sợ nhất là cây roi của cha. Thật ra, mẹ mới có roi, chứ cha làm gì có. Cây roi của mẹ đa dạng lắm, có thể là một nhánh cây nhỏ bẻ từ hàng rào, hoặc có khi tận dụng từ một cành khô được rút ra từ bó củi mẹ nhặt nhạnh và gom về từ ngoài đồng; nhưng thường nhật là que bếp, nên sau mỗi lần tôi bị đánh, là lằn ngang lằn dọc, màu đo đỏ trộn lẫn màu đen. Ờ thì, ” thương cho roi cho vọt”, nhưng cha làm gì có roi. Bởi ông rất ít đánh, nên mỗi lần “lâm trận”, ông phải…đi kiếm roi. Cũng chẳng cần phải quan tâm rằng theo quy luật nào, chỉ cần hiểu một điều đơn giản: cha không đánh nhiều như mẹ, và cây roi của cha lúc nào cũng…to hơn cây roi của mẹ. Khi đánh, cha cũng không hay nhiều lời như mẹ, cha ngắn gọn, súc tích, nhưng cơ bản là tôi cũng chả nhớ được, vì còn mãi …sợ. Cho nên, tôi cũng làm gì biết được cây roi ấy đã giúp tôi tránh được bao cây roi còn to hơn thế ở đâu đó ngoài đời kia.
Cha là một người khô khan. Ngần ấy thời gian tôi có mặt trên cõi đời, ông chưa bao giờ nói với tôi một lời ngọt ngào. Và đặc biệt, ông chưa bao giờ khen tôi….lấy nửa lời, thay vào đó thậm chí có khi là những lời chê trách Nhưng tôi chả bao giờ buồn, chả bao giờ tủi thân hoặc có khái niệm về sự chán nản như cách những nhà giáo dục, những nhà tâm lí hay nói về sự tổn thương mà lời chê bai mang lại. Bởi tôi hiểu, cha vẫn luôn dành cho tôi một tình yêu vô bờ bến. Có lẽ, khi nhận ra những hạn chế còn tồn tại của con trai mình, lòng ông cũng đầy lo lắng. Ông luôn muốn tôi nhận ra những khiếm khuyết để hoàn thiện bản thân.
Cách mà ông lựa chọn để thực hiện điều ấy là thuật “khích tướng”, để kích thích lòng kiêu hãnh và rèn luyện bản lĩnh trong tôi, để ông có thể ngẩng cao đầu tự hào về tôi, đứa con trai mà ông gửi gắm tất cả tin yêu. Và để đáp lại, tôi luôn chứng minh cho ông thấy, tôi mạnh mẽ đến nhường nào. Mạnh mẽ như cách tôi vẫn thường hay nghĩ về ông.
Vậy mà, tôi đã chứng kiến nhiều lần ông khóc. Khi một người đàn ông rơi lệ, đó hẳn là những giọt nước mắt chân thật và thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Lần thứ nhất là lúc bà tôi tạm biệt cõi trần. Ông quặn lòng lau giọt nước mắt đớn đau trước lúc linh cữu bà rời xa ngôi nhà yêu dấu. Lần thứ hai ông khóc làm cả gia đình tôi xiêu vẹo trong trong bữa cơm tất niên. Buổi chiều cuối năm hôm ấy, mâm cơm thiếu hẳn một góc, cứ chông chênh. Đó là lần anh trai tôi đi làm ăn xa không về . Đó là lần đầu tiên, nhà tôi đón Tết mà khuyết đi một thành viên. Ông bật khóc một cách tự nhiên. Nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt dạn dày gió sương. Tôi ngỡ ngàng và chợt nhận ra, Người cũng yếu mềm lắm. Đặc biệt, lần cô em út của tôi và cũng là đứa con gái duy nhất của ông lên xe hoa về nhà chồng, ông tựa vào bờ tường nức nở như một đứa trẻ lên ba. Tôi sững sờ. Tôi thương ông quá. Tôi tự hỏi, sự nghiêm khắc, sự khô khan, sự mạnh mẽ biểu lộ ra bên ngoài của ông phải chăng là sự che đậy những mỏng manh tình cảm, để ông đủ sức chèo lái gia đình tôi qua bao khó khăn, để nuôi dạy anh em chúng tôi trưởng thành, bay đi muôn ngả.
Giờ đây, mỗi lần từ thành phố về, tôi đều thấy ông ngồi trước hiên nhà. Chỗ ấy, lẽ ra phải là chỗ của mẹ tôi như mọi người vẫn thường hay mặc định về hình ảnh tựa cửa ngóng trông những đứa con thân yêu. Nhưng mẹ còn bận bịu với bao việc không tên mà những người đàn bà ở quê chẳng bao giờ ngơi tay. Ông ngồi đó, để nghĩ suy về nhân thế, về những đứa con, để đợi chờ…Rồi mắt ông rạng ngời khi thấy thằng con trai, đứa con gái út, mấy đứa cháu nhỏ, cứ tíu ta tíu tít dắt díu nhau về tề tựu cùng ông, cùng bà. Cả nhà rung lên trong tiếng cười vui. Cha là thế, giản đơn và bình dị biết bao.