C ây gạo đứng trên bến sông từ bao giờ không còn ai nhớ nữa. Người già ở làng Đoài trong hoài niệm mênh mang, ngút ngàn của mình thường kể lại khi họ lớn lên, cây gạo đã ở đấy dãi nắng dầm mưa, cam chịu bao lần nước lụt ngang dải thắt lưng mà gắn bó với bến sông này…
Cuối tháng ba, nàng Bân tựa chị Hai quan họ, nước mắt giọt vắn giọt dài dùng dằng giã bạn sau canh hát, những bông hoa gạo bắt đầu nở đỏ thắm, một màu đỏ tươi tắn như rút hết gan ruột bùng lên nồng nàn. Tôi nhìn dáng bông hoa gạo hình dung năm cánh cum cúp của nó như ngọn đuốc châm lửa vào đầu cành, biến những non tơ thành sức sống mãnh liệt mà mùa xuân không nỡ xa cách đã trao lại cho cây để tiếp tục thắp lửa suốt mùa hè.
Tôi đến thăm cây gạo một chiều cuối tháng ba, thắp hương ở cái miếu con con mà tiền nhân đã kính cẩn lập ra bên cạnh gốc cây. Trên thân cây thô ráp, những vết sẹo của bao lần gió bão tràn qua như con mắt nhìn nâu trầm màu thời gian hiền hậu, ấm áp.
Ông từ giữ đền bên bến sông là một nhà thơ. Ngày nào ông cũng qua miếu dưới gốc cây để thắp hương. ông kể chuyện với tôi về cây gạo, đôi mắt xa xăm hoài niệm. Chắc trong kí ức của ông là bóng dáng người xưa tần tảo mưa nắng trên đồng đất quê hương. Tôi bâng khuâng nghĩ về cái tên của loài hoa này. Có lẽ những tháng ngày lam lũ đói khổ khiến người ta mong muốn chỉ cần ấm bụng bằng cơm gạo. Tên loài hoa ấy đã nói lên ao ước bao đời của người dân cần cù quanh năm suốt tháng mà vẫn chật vật với miếng cơm manh áo.
Tôi cứ ngồi ở doi đất nhô ra sông, cạnh mấy luống bắp cải cuối vụ mà nhìn về phía cây gạo, tán cây xòe rộng ra như tay vẫy những con đò xuôi ngược trên ngã ba sông. Chim chóc ríu rít bay về đậu trên cành làm cho thỉnh thoảng vài bông gạo đã bung nở từ mấy ngày trước rụng lộp bộp xuống gốc.
Chẳng biết ai trồng cây gạo này ở đây, nhưng nhất định phải là người có con mắt nghệ sĩ tài hoa mới tô điểm cho bức tranh sông nước thêm một gam màu tươi tắn vào cảnh vật bình dị và mộc mạc tình thân của người dân đôi bờ. Bên này là Bắc Ninh, nơi cây gạo đứng nhìn về bên kia Bắc Giang, ngắm một tháp chuông nhà thờ cổ ẩn hiện trong khói chiều bảng lảng. Người chờ đò ngang buôn bán làm ăn qua lại giữa đôi bờ thường ngồi dưới tán của cây gạo, trò chuyện rôm rả, rồi phút làm quen bất chợt dường như cung đường mưu sinh thêm ngắn lại.
Gốc gạo cũng đã từng chứng kiến bao đôi lứa hẹn hò, giã biệt. Ông từ khi còn trai trẻ cũng tòng quân chiến đấu, ông thoáng ngập ngừng khi nói đến phút giây giã biệt người thôn nữ trên bến sông này. Cây gạo cùng bao cô thôn nữ ngóng chờ bóng hình những chàng trai thắng trận từ tiền tuyến trở về. Trong tháng ngày khói lửa, mỗi năm hoa gạo lại đỏ rực thắp lên cùng hậu phương niềm tin chiến thắng.
Chiều bến sông trăng lên sớm hơn. Trăng hạ huyền cong như một nét mi, mơ màng trong ánh hoàng hôn buông thật nhanh của ngày cuối xuân đầu hạ.Gió lồng lộng thổi, vẫn còn nghe hơi lạnh phảng phất. Ngã ba sông, vài con đò cũng mải miết lướt đi để về bến cho kịp. Cây gạo đứng trầm tư đón trăng treo một nét vẽ mảnh lên đầu cành.Chiều đang mải mê đi về phía cuối ngày, cây gạo cũng sẫm bóng, lặng lẽ như sắp phải chia tay người bạn vừa gặp lần đầu đã bao lưu luyến.
Dọc đường tôi về, cây gạo đã hiện lên trong nỗi nhớ, bất chợt như từ tiềm thức của tôi cất lên mấy câu thơ mà một thi nhân nào viết rất tình về nỗi mong chờ với lời nhủ thầm sẽ sớm trở lại:
“Ơi bông hoa gạo đỏ
Nở đầy bến sông quê
Chiều mùa xuân đi vội
Bến đợi ai trở về…”