16 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Canh cá khoai chiều gió bấc

Thương Nhớ Ngày XưaCanh cá khoai chiều gió bấc

              Làng Hoành Nha của tôi là một làng vùng chiêm trũng giáp biển. Lắng nghe gió thổi từ phía biển mang theo rì rào sóng vỗ quyện với mặn mòi vị muối. Những chiều đông dằng dặc, mây xám như chì và sương trắng như bạc giăng khắp cánh đồng Diệc Mạ. Mẹ tôi ngồi thềm nhà vừa vá vỉ buồm vừa chép miệng nhìn ra ngoài trời: “Thời tiết này, chợ Gốc Đề tha hồ cá khoai đây”.

Mẹ ngừng tay, đội nón xuống bếp lấy cái rổ tre rồi tất tưởi đi chợ chiều. Chợ Gốc Đề họp dưới gốc đề cổ thụ cuối làng, lá reo bốn mùa như hát, chợ chỉ họp buổi chiều khi thuyền đánh cá ngoài khơi về cập bến.

             ​Gọi là chợ nhưng chẳng có lều quán gì, người trong làng đổ về họp như thủy tụ giếng đình. Hàng hóa bày bán trên những mảnh áo mưa trải dọc hai bên đường cỏ biếc. Chiều sương mù thấy bán toàn cá khoai, sáng lấp lánh một vùng như dát bạc.

Cá khoai không có vảy trắng nõn như bột nếp bánh rợm, thân thon dài như củ khoai lang bãi sông, dọc lưng và đuôi có màu hồng phớt hoa đào, đấy là cá còn tươi. Người bán dùng một sợi rơm vàng óng như nắng mật luồn vào mang cá khoai, cứ mười con cả to lẫn bé là thành một xâu.

Người mua giơ lên muốn chọn xâu nào thì chọn, bán cùng một giá, chả việc gì phải nghiêng ngó cân đong, chả việc gì phải kì kèo mặc cả.

​Mẹ hớn hở vì chọn được xâu cá khoai tươi ngon, tất tả trở về nhà thổi bữa cơm chiều vì “ngày tháng mười chưa cười đã tối”, bóng đêm đặc như miếng thạch rơi trên đường làng xao xác hơi may. Cá khoai cắt khúc, ướp với nước mắm cá Hải Hậu, tiêu đen cả hạt đập dập, gừng dé cả vỏ băm nhỏ. Gian bếp nhỏ ấm áp của mẹ náo nức một mùi hương no ấm.

               Bọn trẻ con lượn lờ quanh chân mẹ chờ sai vặt như gà con quẩn quanh bên gà mái. Bụng đứa nào cũng réo òng ọc như bố rít điếu bát khi chạm phải mùi cá khoai ướp mắm, tiêu, gừng. Có việc để mẹ sai rồi đây. Mẹ bảo mấy đứa ra vườn chỗ gần giếng nước hái cho mẹ nắm rau bớp để mẹ nấu canh cá khoai nào. Cả mấy đứa tranh nhau chạy đi, sợ chậm chân thì đứa kia hái tranh mất phần của mình, hoặc không nhanh thì rau bớp theo gió…bay mất về trời, bỏ lại cá khoai một đời trên thớt.

Rau bớp bén mưa non mơn mởn như chồi biếc giêng hai, giòn sừn sựt như tiếng cười trẻ nhỏ. Tay bé thì hái ít, tay lớn thì hái nhiều, không dập hết rau mẹ mắng đấy. Đứa chị lớn dặn dò đàn em giọng kẻ cả trong khi thoăn thoắt hái từng búp rau ngầy ngậy, mỡ màng.

             ​Nồi gang bắc lên bếp củi, lửa thè lưỡi qua vành kiềng liếm quanh nồi xoèn xoẹt. Chảo nóng già, mẹ múc một thìa mỡ lợn trong cái liễn da lươn cho vào nồi, mỡ tan ra như mây gặp gió trưa hè thì cho hành tím vào phi thơm lừng cháy cạnh, mùi hành phi luồn qua giậu bay sang nhà hàng xóm, khiến dì tôi ngó ra hồ hởi: “Nhà bá phi hành cá khoai phỏng, điếc hết cả mũi”.

Bà nội thường nói: “Hành mỡ đỡ người vụng” quả không sai, nhưng mẹ tôi thì chắc chắn là người khéo, không khéo sao được chọn làm con dâu của bà. Rồi mẹ trút cá khoai đã ướp ngấm gia vị vào chảo. Tay mẹ đảo như đang múa chèo “quá giang” ngoài sân đình ngày hội. Khói bay lên ám vào mái rạ đang chờ thay vào vụ gặt tới, lặn vào cái bụng lép kẹp đợi no vào mùa cơm mới.

             Đợi nước sôi lăn tăn thì trút rau bớp, nước sôi sục thì bắc xuống, và rắc ít thì là thái nhỏ vào nồi canh. Mẹ múc canh ra cái bát chiết yêu miệng hoa loa kèn, thân thắt đáy lưng ong như thiếu nữ xuân thì. Cá khoai trắng ngần nổi trên nền rau bớp và thì là xanh ngắt, khói bốc lên dưới ánh đèn dầu màu vàng vọt, còn mùi thơm sực nức, cồn cào thì không sao tả nổi, có lẽ mùi thơm ấy là sự hòa trộn của bốn sắc màu trắng cá khoai, xanh lá rau, vàng đèn dầu, của ba âm thanh cồn cào bụng đói, ù ù bếp lửa, và gầm gào gió bấc.

           Nhà bà ngoại gặt sớm, nên chia cho nhà tôi ít gạo thổi nồi cơm tám. Tôi chưa ăn thứ gạo nào ngon hơn thứ gạo tám xoan của đồng đất quê nhà, cơm chín dẻo mà không nhão, thơm mà không nồng, đậm mà không gắt. Có lẽ thứ gạo ấy gieo trồng, cày bừa, cấy hái, giần sàng bằng mồ hôi, nước mắt của bà, của mẹ một nắng hai sương, tảo tần khuya sớm và tôi ăn với cả tấm lòng biết ơn nên bát cơm thảo thơm, ngọt lành đến vậy. Ăn cơm tám xoan để nhớ lối về Nam Định, dù có đi xa góc bể, chân trời.

​Ngồi quây tròn bên cái mẹt thay mâm, dưới ánh đèn dầu đêm đông, mẹ nhìn các con xì xụp chan húp lưng cơm với canh cá khoai rau bớp mà ánh mắt ấm áp lạ lùng. Nồi canh của mẹ ít cá lắm, chỉ nhiều rau và nước thì mênh mông như lòng mẹ suốt đời đong đầy ăm ắp. Chú mèo khoang nằm trong bếp tro ngước cặp mắt bi ve kêu ngoao ngoao vì đói, em gái bảo chờ tí tao phần cho cái đuôi cá khoai nhá, mèo rung chiếc râu cước vẻ mừng rỡ lắm.

              Ngoài sân, gió bấc hun hút ùa về ngang cửa, trời càng rét buốt thì bếp lửa càng thêm hồng rực. Gió biết dừng lại sau cánh cửa gỗ xanh, chắc nó đã kịp nhìn nồi canh cá khoai và tình yêu thương của mẹ mỗi độ đông tràn. Ngồi trong quán lẩu cá khoai nơi phố phường tấp nập, cũng cá đấy, rau đấy, gắp một miếng mà nhớ mẹ đến quặn thắt, nghẹn ngào, tự dưng miếng cá trong miệng bã ra, nhạt thếch…

Bánh mì Bảo Yên

Check out our other content

Most Popular Articles