Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới.
Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm. Đứa nào đứa nấy hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Gió vô tư len lỏi khắp gian nhà. Rét quá, rét quyện lên mái tóc khô xác, rét như có ai cứa vào da thịt. Bố đã dậy từ sớm đang lúi húi dưới bếp. Ánh lửa bập bùng tỏa ra như thúc giục chúng tôi nhanh chân chạy xuống. Tiếng củi khô bén lửa tí tách nổ lép bép. Từng lưỡi lửa liếm cao ôm lấy siêu nước bốc khói sập sùi. Chị em tôi ngồi sát vào nhau vây quanh bố cho đỡ lạnh. Những đôi tay hơ hơ trên lửa để xua đi cái giá. Những gương mặt đỏ bừng vì nẻ khanh khách cười giòn.
Ấm áp quá! Đó là cảm giác mà tôi luôn nhớ về căn bếp cũ của gia đình tôi khi mỗi độ đông về. Căn bếp nhỏ xíu ám đầy khói muội, lúc nào cũng sáng bừng ánh lửa yêu thương. Có một chỗ chất đầy củi khô, cùng mấy bao tải đựng mùn cưa chồng lên nhau sát góc. Một chiếc chạn gỗ màu nâu sẫm, được kê cao trên bốn chiếc bát đựng nước để tránh kiến bò. Chiếc trạn có từ lâu lắm rồi, hồi tôi chưa ra đời. Nó gồm ba tầng. Tầng dưới thoáng đãng xếp các loại xoong nồi, bịch muối và mấy chai nước mắm, xì dầu, dấm bỗng… Tầng thứ hai được bao bằng những thanh gỗ dọc, úp các loại bát đĩa, bên ngoài lủng lẳng thêm cái giỏ mây đựng đũa. Tầng cuối cùng khép kín, chuyên đặt liễn mỡ vàng ươm, lọ đường hoa mai, gia vị khô và thức ăn để dành.
Tôi thích nhất vào mỗi sớm mai, sau khi đánh răng rửa mặt xong xuôi bằng nước ấm. Mấy chị em xúm lại ngồi rang cơm cùng bố. Mẻ cơm nguội hôm trước sẽ được bố vẩy thêm chút nước cho mềm. Mấy củ hành khô mẹ để trong chiếc làn treo ở gác bếp được lấy ra. Thìa mỡ lợn đông đặc, trắng phau. Tiếng mỡ lợn bắt lửa chảy xèo xèo, mùi hành phi thơm phức, vài ba miếng tóp còn sót lại vàng ruộm. Những hạt cơm lách rách lăn đều trên chảo theo tay bố đảo. Nho nhỏ lửa thôi để cơm từ từ săn bóng và xém vàng. Mùi cơm, mùi lửa, mùi mỡ như quấn lấy nhau thơm thảo chín giòn, khiến đứa nào đứa nấy thèm thuồng ra mặt. Bố xúc cơm chia đều cho chị em tôi ba bát đầy đặn, còn bát của bố mẹ non non. Bưng bát cơm con, nhẩn nha thưởng thức mà chưa bao giờ chúng tôi thấy đủ. Nhưng đó là những bữa sáng mùa đông vừa ngon vừa chắc dạ. Để chúng tôi không hề thấy đói suốt năm tiết học kéo dài.
Tan trường, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà. Xa xa, từng ngọn khói luyênh loang bay lên từ căn bếp nhỏ. Mẹ đang nấu bữa cơm trưa thanh bạc. Mùi thức ăn tỏa ra thơm phức như vẫy gọi những đứa con bước vội hơn. Bàn tay mẹ gom lửa thật khéo, đôi ba con cá khô rán ròn, lạc rang muối lấm tấm trắng, hoặc đơn giản chỉ là nước sốt cà chua sóng sánh, đỏ au… Những món ăn đơn sơ mà mẹ chăm chút gửi gắm vào đó bao nhiêu yêu thương, chờ đợi chồng con trở về.
Khi bố và các em đã vào giấc ngủ trưa, mẹ rủ tôi tranh thủ làm mẻ kẹo gừng. Tôi vui lắm, tỉ mẩn ngồi sắt những sợi gừng già bên bếp lửa hồng để xem mẹ thắng đường. Những hạt đường từ từ tan chảy rồi keo lại thành nha. Cả căn bếp như được ướp hương ngào ngạt. Mẹ kéo dài tảng nha thật dẻo, thật trắng, rồi cắt thành những viên kẹo xinh xinh. Lúc bố và các em thức dậy, mẻ kẹo đã hoàn thành. Cả nhà được thưởng thức những viên kẹo cay cay tan dần trong miệng. Đó là món quà ấm áp chống ho, mẹ dành cho bố con tôi đi qua mùa giá lạnh.
Thời gian bố về nghỉ hưu, bố tôi học thêm nghề nấu rượu gạo. Vậy là suốt mùa đông, căn bếp nhà tôi lúc nào cũng đượm lửa, thơm nồng. Chị em tôi rất thích mang sách vở xuống bếp, vừa canh lửa vừa học bài. Từng giọt rượu tinh túy được chắt lọc từ những hạt ngọc trời, theo ống dây dẫn bằng đồng nhỏ xuống chiếc bình da lươn tí tách. Mùi thơm của men, của rượu quấn quýt nồng nàn. Mùi của những củ khoai lang vùi tro nóng đã đến hồi chín bở. Cả nhà quây quần cùng nhau chia sẻ chút ngọt bùi. Bố tự hào kể chuyện chiến trường xưa. Bố và đồng đội dầm mình trong giá rét dưới mưa bom bão đạn. Nhưng tuyệt nhiên không ai than vãn nửa lời. Tất cả luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, cùng nghĩ đến ngày vinh quang chiến thắng. Thời gian rỗi, mẹ lại dạy chị em tôi tập móc khăn len các kiểu, hình quả trám vặn thừng, hình ô vuông hoa thị… Những đôi tay nhỏ bé nhoay nhoáy cầm kim móc theo cách mẹ chỉ, những cục len đầy màu sắc lấp lánh dưới ánh lửa hồng. Chiếc khăn màu xanh, chiếc khăn màu vàng…Những ấm áp yêu thương được đưa đến tay người nhận, và tiền bán khăn sẽ thành quần áo mới, là món quà cuối năm mẹ thưởng cho đàn con rất mực ngoan ngoãn của mẹ.
Nhưng thích nhất vẫn là những ngày Chạp khe khẽ tìm về, căn bếp sực lên những rộn ràng, ấm áp. Cả nhà ai cũng bận mà vui. Bố luôn tay đảo mẻ giò thủ thơm nức mùi hạt tiêu. Mẹ khéo léo sên mẻ kẹo lạc, kẹo vừng, mẻ mứt gừng, mứt khế. Bọn trẻ con chúng tôi tíu tít chạy ra chạy vào xiết đỗ, bóc lạc, lau lá…giúp bố mẹ. Nhón thử miếng mứt gừng ngòn ngọt, cay cay, miếng kẹo lạc giòn tan, thơm phức. Những đôi mắt trẻ thơ nào mong gì hơn, đầy mãn nguyện, no tròn và ngập tràn hạnh phúc.
Mặc cho ngoài kia trời đất âm u, mặc mưa phùn thấu lạnh, cũng không thể chạm đến căn bếp nhà tôi. Nơi đó, luôn rổn rang tiếng nói tiếng cười, và những niềm vui chẳng gì so sánh được.
Thời gian trôi đi xuôi vào niềm nhớ, cha tôi đã về miền mây trắng và căn bếp xưa giờ cũng chẳng còn. Mùa đông thả những ưu tư rì rầm trong gió lạnh. Nơi xứ người, tôi bồi hồi ngồi đếm kỷ niệm xưa. Những thơm thảo ngọt bùi yêu thương, bên căn bếp mùa đông ấm áp…