Đất nước Ukraine xinh đẹp có câu ngạn ngữ rất hay: “Con người ta có ba điều bất hạnh: Tuổi già, cái chết và những đứa con hư”. Chẳng phải chúng ta đang già đi đó sao, vậy ai trong chúng ta cũng đang gánh vác một điều bất hạnh.
Cái chết, chẳng một ai có thể tránh khỏi được cái chết. Ngay cả vị hoàng đế họ Tần quyền lực năm xưa. Ngài có thể sai dân chúng đắp hàng nghìn pho tượng đất nung, trải hàng ngàn giọt thủy ngân làm dòng chảy. Ngài quyết chí làm ngàn vạn điều to lớn chỉ để chuẩn bị cho mình một mong muốn duy nhất đó là được trường sinh. Nhưng khổng thể, việc đào núi ngăn sông tưởng như to tát của con người cũng chẳng bao giờ thoát khỏi cái chết. Tần Thủy Hoàng nằm lại dưới huyện mộ đã hàng mấy chục thế kỷ nay, dòng thủy ngân và lời nguyền bất tử vẫn luôn gào thét, nhưng chẳng thể thay đổi được gì. Đó chẳng phải điều bất hạnh sao?
Nhớ cô giáo Vân dạy môn Xã Hội Học năm xưa. Cô bảo đến một lúc nào đó chúng ta nên “xã hội hóa cái chết”. Nghe thì có vẻ khó hiểu đấy, nhưng thực ra vì số đông thường rất sợ chết nhưng vẫn một mực bon chen toan tính những lợi lộc cho riêng mình. Có xá gì đâu khi chúng ta ngày ngủ tám tiếng trên một chiếc giường nhỏ. Ăn ba bữa cơm trong ngày. Mọi thứ mong muốn tham lam kia đã vượt ra ngoài nhu cầu cần có của con người. Thế nên tham lam chất chồng. Chẳng có ai chịu tham lam cho mình tình thương. Chẳng có ai chịu nhặt nhạnh cho mình những nỗi buồn nhân thế rồi gom lại, tự làm mình đau. Sau cơn đau là sự thanh thản rất đời.
Tôi rất háo hức nghe ông và bố kể chuyện chiến tranh. Không phải háo hức vì thích chiến tranh. Vì trong mỗi câu chuyện kể tôi thấy được những mảnh đời. Tôi thấy được mình thật may mắn khi chưa phải trải qua những khắc nghiệt như vậy. Ông từng đi kháng chiến chống Pháp còn bố tôi đi kháng chiến chống Mỹ. Câu chuyện của ông như thước phim lịch sử xa xôi hơn. Nghe tựa như câu thơ: Một chiều hè lịch sử/ bố kể chuyện Điện Biên/ Lũ tây bị bắt sống/ Tướng Đờ Cát xin hàng…” Câu thơ có ghi nguồn của Trần Đăng Khoa, bọn trẻ chúng tôi hay truyền tai nhau đọc từ hồi còn nhỏ xíu.
Ông và bố hay ngồi lại với nhau và nói chuyện chiến tranh. Tôi còn là một đứa con nít chạy quanh bố rồi quanh ông nghe lỏm. Đôi mắt hau háu nhìn theo làn khói thuốc của hai người rồi tưởng tượng xa xăm. Ông nằm cạnh đồng đội, nơi khói lửa ngập trời, người còn, người mất, tỳ lên cây súng ngắm bắn. Làn đạn rực lửa xé toạc khoảng trời. Ông bị lạc đường trong rừng rồi nhìn về phía ngôi sao phía Bắc tìm hướng đi. Ngày giải phóng thủ đô, ông tôi cùng đoàn quân Điên Biên trở về hòa vào dòng người đang vẫy vẫy những bó hoa lay ơn tươi thắm. Có mấy ai hiểu rằng, nước mắt của ngày chiến thắng cũng là nỗi đau của những người mẹ có con nằm lại chiến trường. Họ mãi mãi hi sinh vì độc lập tổ quốc, vì nụ cười của bao người hôm nay là bao máu xương cha ông ta đã đổ xuống. So sánh làm sao nổi, bởi sự so sánh nào vốn dĩ bên trong cũng chất đầy sự khập khiễng.
Lịch sử chẳng cần học đâu xa xôi. Trận đánh Tết Mậu Thân bố tôi trực tiếp tham gia chiến đấu. Năm đó bố mới mười tám tuổi, bố trốn ông viết thư xin ra trận, lòng hừng hực trào dâng niềm yêu nước. Nhưng bố lại chưa từng biết yêu một cô gái, người có chiếc cặp ba lá cùng chiếc khăn mùi xoa thêu hình hai chú chim bồ câu hẹn thề nào. Tuổi trẻ của bố nối tiếp ông là những cuộc hành quân không ngừng nghỉ. Những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh. Bố thèm lắm mùi của bình yên nơi rừng thẳm. Những đồng đội của bố ngã xuống.
Cái chết vẻ vang vì tổ quốc nhưng nỗi đau cắm vào tim người mẹ. Nỗi đau ấy biết bao giờ nguôi? Có lần để chạy thoát khỏi sự gắt gao truy lùng của quân địch. Bố tôi nằm nép mình dưới cánh đồng lúa non đang trổ đòng đòng. Bố uống từng ngụm nước nơi đất Huế trong năm ngày để duy trì sự sống. Cả tiểu đội hi sinh chẳng còn một ai. Máy bay càn quét cả ngày đêm khiến cho bầu trời mùa xuân bàng bạc một màu xám ngắt. Bố tôi bị mảnh đạn lạc văng qua làm mất đi một nửa bàn tay trái. Bố đói và mệt, bố ôm vết máu tìm đường về căn cứ. Vượt qua bao nhiêu làn đạn ngập trời. Trên người chỉ còn duy nhất một chiếc quần đùi. Chẳng ai nhận ra bố cho đến khi bố đọc rõ tên tiểu đoàn, đơn vị… Đồng đội đưa bố lên rừng điều trị vết thương và an dưỡng.
Những ngày ấy bố nằm trên chiếc võng dù, bố thấy đớn đau cả về thể xác và tinh thần. Bố nhớ đồng đội của mình, vừa mới mấy ngày trước mọi người còn chia nhau điếu thuốc, mẩu lương khô. Thế mà giờ đây kẻ còn, người mất. Các mẹ, các em ở nhà đợi ngóng tin sẽ ra sao, sẽ đau buồn thế nào nếu biết con em mình đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Tim bố thắt lại rồi bố khóc. Cả cánh rừng xào xạc lá ngày hôm ấy cũng phất phơ rơi rụng những chiếc lá màu xanh bay từ trên cao xuống. Bố thấy như linh hồn các đồng đội đang thì thầm với mình. Chẳng biết người sống đang an ủi người chết hay ngược lại nữa. Chỉ biết những giọt nước mắt người lính trẻ chảy xuống rất sâu, ấm và êm.
Bố tôi từ chiến trận trở về mang theo vết thương trên tay và chiếc ba lô sờn rách. Bao năm trôi qua, bố tôi nay đã già, bố hay ngồi một mình trong vườn, nơi mặt trời chiếu từng tia nắng nhỏ xuyên qua tán lá xoan. Nắng chiếu làm sáng thêm những sợi tóc bạc, còn bố thì lặng im không nói. Nhưng ánh mắt bố chất chứa đầy tâm sự. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng ký ức của bố như cơn bão lòng dội đến. Bố bảo dù thế giới có bất cứ lý do gì để biện hộ thì cũng không nên có chiến tranh. Chiến tranh không giống như trò đùa của lũ trẻ vẫn chơi bắn nhau bằng súng, khẩu súng màu xanh lơ được tước từ tàu lá chuối non. Lũ trẻ sẽ cười hả hê nếu tiêu diệt được một “kẻ thù”. Chiến tranh là sự thật tàn khốc của súng đạn, cái chết và nỗi đau. Nhưng cuộc sống tất lẽ dĩ ngẫu phải theo quy luật. Chúng ta là những con người đi trên hành trình chuyến tàu mang tên cuộc đời. Mây xanh thì ít mà bão tố thì nhiều. Chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao?
Cuốn nhật ký của Anne Frank vẫn còn đó bức hình cô gái mười lăm tuổi, cô mỉm cười xinh tươi, tràn đầy sức sống. Anne đâu biết được cái trại cải tạo kinh khủng kia sẽ cướp mất đi mọi thứ của cô. Trại cải tạo như đứa con cưng của bất cứ cuộc chiến tranh nào. Thân xác cô cùng chị gái nằm lại nơi đâu giữa những hàng rào dây thép gai còn xiên toạc trời chiều. Cùng khoảng thời gian đó, có người bố từ biệt người con để theo đoàn người đi vào phòng hơi độc. Biết người con vẫn dõi theo bố qua khe cửa nhỏ. Ông bố gầy gò sau bao ngày bị quân Phát Xít bỏ đói vẫn cố lết chút hơi tàn của mình múa trò hoạt hình ngộ nghĩnh. Mục đích chỉ để đứa con trai bé bỏng nhìn qua khe cửa nghĩ rằng cha mình đang được đến nơi có những niềm vui chứ không phải đi đến cái chết. Chiến tranh đấy, có gì vui đâu?
Dòng người nối đuôi nhau sống, chảy trôi như dòng suối. Họ đi về đâu để thấy đầu nguồn, để thấy yêu thương? Ở nơi nào đó trên trái đất này tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ át đi được tiếng súng, thức tỉnh được lương tri những kẻ ham quyền lực? Có nụ hôn nào xoa dịu được vết thương đau? Có tình yêu nào thôi khắc khoải đợi chờ? Tôi thấy bầu trời mùa xuân không có nắng, ở nơi đâu vẫn bàng bạc một màu buồn. Bố tôi nhìn vào một nửa bàn tay đã nằm lại chiến trường. Bố lại ngồi bên góc vườn nơi đón những tia nắng xuyên qua tán lá xoan khẽ đung đưa theo gió.