Hôm ấy, ở Phố Cáo Đồng Văn Hà Giang tôi đứng nhìn chàng trai người Mông đang xếp bờ rào đá. Đá các loại to nhỏ, được nhặt trên nương hay sườn núi về chất đống quanh nhà. Anh làm một cách cẩn thận, ngắm từng hòn đá như một nghệ nhân chuẩn bị chế tác một món đồ.

Các viên đá đủ hình dáng góc cạnh được khéo léo chèn, gài, tạo dần chiều cao của bờ rào vững chắc. Với người Mông việc cất ngôi nhà là việc quan trọng nhất của đời người, sau đó là việc lập bờ rào đá. Thời gian xếp một bờ rào đá có thể mất một vài tháng mới hoàn thành.

            Một chàng trai Mông chỉ được coi là trưởng thành khi nắm vững kĩ thuật làm bờ rào đá. Nhìn bờ rào đá, người ta có thể biết được tính cách của chủ nhà. Mạnh mẽ, bao dung hay chặt chẽ, nhìn xa biết lo toan. Bờ rào đá qua nhiều thế hệ trở thành hồn cốt truyền thống của văn hoá dân tộc Mông, của các dòng họ ở vùng đất nơi biên viễn này.

Tranh sơn dầu Hoàng Văn Đức

Đá là vật liệu dễ kiếm ở Hà Giang. Những núi đá trập trùng mù mịt mây phủ. Ở đâu cũng đá. Muốn trồng một cây ngô người ta phải mang đất từ những lũng sâu kia vun vào hốc đá rồi tra hạt ngô vào đó, xếp đá vây quanh giữ đất. Cây ngô lớn lên mạnh mẽ không chỉ nhờ đất, còn nhờ cả những giọt mồ hôi của những phụ nữ Mông gùi từng “lù cở” đá lên vây vạt nương dốc trên sườn núi và từng gùi nước lên tưới.

                         Đá có mặt ở khắp nơi.Từ cối xay ngô đồ “mèn mén” đến ba ông đầu rau kê chảo nấu suốt ngày, âm ỉ váng vất khói trong gian bếp của người Mông. Tôi đã thấy cái chậu rửa bằng đá đến những hòn trụ kê chân cột nhà bằng đá được chạm khắc hoa văn.. Đá vào trong câu hát giao duyên của trai gái người H Mông. Đá trong lễ hội cúng Đá, cầu mong thần Đá độ trì cho người dân sống an lành. Và cái thân thuộc không thể thiếu được là những bờ rào đá xếp quanh nhà.

Nhà nào cũng có một bờ rào đá để chống sự xâm nhập của trộm cướp không mời mà đến. Bờ rào đá khẳng định quyền tư hữu ngàn đời trên mảnh đất của ông cha khai phá để lại. Trong ngôi nhà được bờ rào đá chở che ấy có bàn thờ tổ tiên, có chỗ cúng ma, có cây khèn, cây sáo, có bếp lửa nấu xôi, làm bánh tam giác mạch, có khung cửi dệt vải lanh và tiếng trẻ con tập nói…

Ảnh: Nguyễn Trọng Bằng

           Như những hòn đá xếp thành bờ rào đá, cộng đồng người Mông sống hòa thuận, dựa vào nhau. Chỉ có ba mái nhà thôi là đã có thể thành một bản. Họ sống phóng khoáng, mã thượng, chấp nhận nhiều tính cách, miễn là làm đúng theo luật tục. Ở họ không mấy khi có sự ganh tỵ giầu nghèo.

Mỗi người, mỗi gia đình sống khép kín trong các ngôi nhà được bao bọc bằng những bờ rào đá. Họ sống giản dị phóng khoáng như những vạt núi đá xám muôn đời quanh nhà họ. Mỗi số phận, mỗi cuộc đời đều có thể dựa vào nhau sẻ chia để sống, để tồn tại với cộng đồng dù còn đói rét thiếu thốn.

                         Cái bờ rào đá ấy vững chãi như lòng tin của họ vào cuộc sống. Nó vững chãi, bởi có lẽ nó được xếp gài bằng nhiều viên đá to nhỏ dầy mỏng, hình dạng khác nhau. Tôi đã thử đẩy tay tìm cách xô đổ một đoạn bờ rào đá. Không dễ dàng gì. Hình như các lực xô đẩy bị mất đi khi truyền đến các lỗ hổng trong bờ rào.

Sự vững chắc của các bờ rào đá quanh nhà cũng như sự bền bỉ chịu đựng của các bờ đá ngăn nước mưa trôi đất trên các nương dốc của người Mông, chính là nhờ sự xếp đặt ghép khéo léo giữa những viên đá to nhỏ đủ loại, hình dáng kích thước khác nhau. Bạn hãy nghĩ xem nếu những hàng rào đá làm bằng những viên đá đẽo cùng kích thước thì chắc rằng độ vững chãi của nó kém hẳn.

           Những tường rào của nhiều tộc người khác xây bằng những viên gạch, đá như nhau nhất thiết cần đến chất kết dính như xi măng, vôi cát. Sự đơn điệu của vật liệu trong một kết cấu xây dựng thường không mang lại sự vững bền lâu dài, nhất là khi chất kết dính bị mất đi vì nhiều lý do.

Cũng như vậy, tôi cảm nhận rõ ràng bờ rào đá như muốn gửi một thông điệp: Một xã hội dù văn minh, hay một dân tộc có thể bị xoá nhoà mất bản sắc, nếu chỉ cố gắng tạo ra một sự đồng nhất, một chuẩn xơ cứng đầy chủ quan hão huyền, một hình mẫu cho tất cả mọi điều trong cuộc sống.

                        Chấp nhận dung hoà mọi dị biệt, tôn trọng từng cá thể và tính đa dạng của thế giới, của con người vốn có từ nghìn đời nay hình như đang là sự vận động vật vã mong muốn của thời đại này chăng?

Chợt, một con thằn lằn nhỏ chạy lao vào trong kẽ đá của bờ rào như muốn chạy trốn điều gì nguy hiểm. Nhờ có kẽ hở tạo hang hốc, bờ rào đá còn là nơi trú ngụ của dế, rắn, cóc,chuột núi và các sinh vật nhỏ nhoi khác tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt của vùng núi phia bắc. Riêng biệt, mà hòa hợp với xung quanh nhà, bờ rào đá thân thuộc với người Mông là thế. Khắp các bản của người Mông ở Hà Giang, hàng rào đá tạo nên một diện mạo văn hoá không lẫn vào đâu được của dân tộc này. Đi giữa hai bờ rào đá, ta thấy ấm áp yên ổn, một cảm giác gần gũi. Đẩy cánh cổng gỗ khép hờ vào một ngôi nhà cổ đang vương vấn tiếng sáo Mông bạn sẽ cảm nhận được sự hiếu khách của chủ nhà. Một bát rượu ngô sóng sánh được rót. Mắt cười. Miệng cười. Uống đi người Mông ta mời đấy. Men lá làm ta ngà say. Ngô năm nay tốt mùa đông tới “mèn mén” luôn đầy chảo trên các bếp lửa. Ngoài cổng trẻ em đã đi học về ríu ran tiếng cười nói.

                        Kìa, trong nắng có những bông hoa tím mỏng manh của một loài dây leo, phủ loang trên bờ rào đá bao quanh ngôi nhà gỗ đang phơ phất khói bếp. Một điều gì đó thật yên bình. Có tiếng dế gáy nhỏ lích rich. Tiếng chim sẻ núi đuổi nhau sưởi nắng trên bờ rào đang phơi váy áo sặc sỡ hoa văn thổ cẩm.

Một bức tranh phong cảnh thật đã mắt với sự pha trộn mầu sắc của bờ rào đá xám thoáng phủ rêu phong, với mầu tường vàng thổ ấm cúng, mái nhà lợp ngói cổ nâu đen xỉn nhuộm mầu thời gian, và chút điểm tô rực rỡ mầu hồng của hoa đào nở sớm bên cổng. Tất cả tạo nên một khung cảnh hoang sơ mà gần gũi, mà lạ lùng với khách lãng du.

           Có phải bờ rào đá muốn nóí lên cái lý của người Mông: Như bờ rào đá được tạo nên bằng các viên đá khác nhau, cuộc sống ở đây phải bao dung chấp nhận mọi sự khác biệt nếu muốn tồn tại giữa thiên nhiên khắc nghiệt, giữa vùng đất mà kẻ xâm lấn luôn nhòm ngó. Cái lý đó được người Mông gìn giữ trong cuộc thiên di từ vùng đất dưới chân núi Hi Mã Lạp Sơn thủa xa xưa về tới đây, và đã thành máu thịt .