17 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Bố chẳng giống ai

Khi Con Tim Lý SựBố chẳng giống ai

Con thực sự lúng túng nếu như ai đó bất ngờ thử hỏi con rằng: hãy nói về bố của mình bằng một vài câu ngắn gọn và thật thà nhất. Con chẳng nói đâu, chính xác hơn là con không biết tả sao cho hết, diễn đạt sao cho vừa bố ạ. Cho dù lòng con đang ngời lên niềm vui, ánh mắt con đang chứa chan niềm hạnh phúc,muốn giãi bày, muốn hét to cho tất cả mọi thứ xung quanh được biết.

           Cảm xúc ấy tưởng chừng như có thể hát thành lời, ngân nga thành nhạc và phóng bút thành văn chương ngay tức thì, dù vụng về mà chưa từng hư cấu. Trên thế gian này có biết bao nhiêu là người bố. Nhưng bố của con lại chẳng giống với ai, chẳng lẫn vào đâu, bởi vậy con dễ dàng tìm thấy, dễ dàng nhận ra và giữ được bố mãi mãi cho riêng mình. Con thực sự an tâm vì điều ấy…Đó là những giây phút độc thoại đầy thích thú của tôi khi nghĩ nhiều về bố.

                        Bố đời thường quê kiểng lắm. Đã quá nửa đời người gắn mình với ruộng đồng, vườn bãi làng quê,bố cứ lành như đất, hiền như lúa ngô khoai. Con trâu nhà mình cũng thích nghe lời, chịu thương chịu khó đeo khoằm cùng bố cày ruộng quanh năm. Mảnh vườn bố dọn cứ sạch sẽ tinh tươm thì lạ thay, cỏ lại mọc tốt bời bời ngay sau đó. Tôi ngộ nghĩnh cho rằng hình như lũ cỏ cũng muốn được trú ngụ và sinh sôi hết mình hết kiếp trong vườn của bố thì phải. Mấy bụi tre xanh rì cao vút hệt như của để dành. Bố chẻ lạt, đan rổ rá, làm đòn gánh, quang gánh cho mẹ mới đẹp làm sao.

Chiếc chõng tre giản dị vuông vắn để nơi đầu hè cùng chiếc quạt nan được làm tự tay bố đã vỗ về tuổi thơ tôi lim dim trong biết bao đêm trăng cùng vầng cổ tích. Cây đàn bầu bố làm từ thân tre lồng ngộc đã bao năm rồi, âm điệu khi vang lên vẫn thánh thót nỉ non ngân nga trầm bổng. Những cây na, ổi, táo và biết bao cây vải bố trồng cứ xanh thẫm um tùm toả bóng mát. Mùa quả chín thoả sức cho tôi rủ rê lũ bạn cùng xóm leo trèo.

            Bố làm vườn khéo vậy nhưng chăn nuôi thì buồn cười lắm. Mẹ mua hai con lợn nhỏ và bắt anh hai tôi (sinh năm 1983 tuổi Hợi )thả vào chuồng để lấy vía hay ăn chóng lớn. Tôi và bố có nhiệm vụ cắt rau lang trong vườn về băm nhỏ nấu cám. Lợn nhà bên nuôi cùng thời điểm cứ hồng hào mượt lông đã xuất chuồng kêu eng éc vậy mà nhà tôi thì….Hai con gầy rộc, bụng treo lên, tai dựng ngược, mõm và chân dài ngoẵng, lại còn ít ngủ nhảy phông phốc, rít ầm ầm trong chuồng.

“ Mẹ ơi, bố bảo con là không nên cho lợn ăn nhiều quá vì sợ nó no rồi bội thực chết”
“Chịu bố con nhà này rồi… mẹ lườm “hai vị kĩ sư chăn nuôi” một cái rõ dài.

Và từ ấy, mẹ vẫn bận bịu đi chợ nhưng không còn thấy mua lợn con về nữa, chuồng lợn trở thành gian chứa củi. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn trêu đùa với cả nhà: mẹ mua lợn về cho bố con nuôi đi, ai nấy cũng cười ngặt nghẽo. Không có lợn thì vườn nhà tôi lại đầy gà. Từng đàn, từng đàn cứ sinh sôi nảy nở kiếm ăn nhộn nhịp khắp sân vườn. Bố làm hẳn mấy cái chuồng gà bằng tre rồi lùa chúng vào ngủ. Chao ôi, lũ gà hư vẫn không quên bản năng bay nhảy của mình.

                         Chúng nó lũ lượt rủ nhau bay lên cây mà ngủ. Con nhỏ thì đậu cành thấp, con to thì đậu trên ngọn cao mới chịu. Mỗi lần muốn bắt thịt hay bắt bán, mẹ lại lầm bầm mắng bố dai dẳng. “ Để chúng nó ngủ cây cho khoẻ, cho tự do”. Tôi nghe bố bảo vậy mà cứ rinh rích cười. Mẹ thì “tức anh ách”.

Tôi là con gái út trong nhà nên cũng được chiều hơn hai anh chút đỉnh. Bố dạy tôi chơi cờ tướng từ khù khờ đến nhạy bén khôn ngoan. Bố cho tôi đi cuốc giun và xuống suối câu cá cùng. Còn gì thích hơn khi cái cần tre bé bằng ngón tay út buộc sợi chỉ cùng chiếc phao nhỏ bằng mẩu cây mắm tôm khô và lưỡi câu uốn bằng sợi dây phanh xe đạp nhấp nháy cá cờ, cá bống mắc mồi và bị giật lên đành đạch. Những lần đi vệ sinh, bố hay dẫn tôi đi và trông đợi mãi. Tôi còn nhớ như in: “bố còn ở đó không, bố nhớ đợi con, bố đừng đi về trước đấy.” “Ừ, bố vẫn ở đây”.

            Nhà vệ sinh mãi cuối vườn, mà tôi còn bé nên sợ ma, sợ bóng tối nhiều lắm. Chẳng ai hiểu và chiều tôi bằng bố cả. Mỗi lúc trời mưa, tôi hay vầy nước ở mương vườn, bị nước ăn mòn vào kẽ chân. Bố lại hoà nước muối đặc và bảo tôi bôi vào. Cảm giác tê tái người đi vì đau vì xót nhưng mấy hôm là khỏi hẳn. Tôi lại nhảy chân sáo, quấn quýt bên bố chẳng rời.

“Cha là núi con xanh hoài cỏ dại
Cha là trời cho mây trắng con bay”.

Ảnh: Đỗ Quyên Hoa

           Mỗi khi có bài toán khó bố lại chỉ cho cách làm. Mỗi khi có bài văn điểm khá tôi lại đọc to cho bố nghe. Bố thường kể chuyện ngày xưa thời bố bé, thời ông bà nội, thời bao cấp khổ hạnh vui buồn ra sao. Từng câu chuyện của bố cứ thấm đẫm vào tôi, nghẹn ngào và còn mãi. Mọi câu hỏi khờ khạo đến vô tình hóc búa bố đều trả lời tỉ mỉ. Bố là một kho tàng đủ thứ cho tôi khám phá tìm tòi suốt cả hành trình tuổi thơ và rộng dài khôn lớn.

                        Có lần tôi đã bám vào bụi duối bên hàng rào, kiễng chân nhìn trộm sang nhà cái Thương mà thấy bố nó uống rượu say khướt vung roi lên đánh chửi tới tấp ba chị em. Tôi run sợ từ đằng xa lập bập chạy về nhà. Bố vẫn hiền từ làm lụng. Tôi mới hoàn hồn. Bố không rượu chè, không la cà quán xá. Bố chưa từng nặng lời và roi vọt với anh em tôi. Bố lo lắng chăm sóc mẹ bằng tình thương vô bờ bến. Trái gió trở trời mẹ hay bị cảm, hoa mắt chóng mặt phải nằm giường đến đôi ba hôm.

Tôi thường thấy bố chạy khắp vườn lấy lá ngải xao lên, đào củ gừng về giã ra rồi gọi tôi nâng mẹ dậy đánh khắp mình mẩy. Mẹ khoẻ hẳn, lại đi chợ ngược xuôi. Có phải do nồi lá xông dân gian và cây thuốc quanh vườn hiệu nghiệm không hay còn vì nghĩa tình của bố dành cho mẹ quá lớn, lên mẹ an lòng và vững vàng khỏi bệnh. Cho đến giờ, mỗi lần mẹ ốm, anh em tôi ở xa chưa kịp về bố vẫn đôn đáo những bài thuốc năm xưa và dìu dắt nâng đỡ cận kề mẹ sớm tối.

Bố chẳng béo bao giờ. Bố gầy lắm, hơi xâu xấu nữa. Một phần do vất vả làm lụng nắng mưa sương gió nhưng không phải do thiếu thốn nghèo nàn. Tạng người bố vốn như thế đã bao năm. Bố chẳng mấy khi ốm vặt và hầu như không chịu uống thuốc bao giờ. Và rồi năm ngoài 60 tuổi, bố phải nhập viện giữa đêm với một cơn đau khắp bụng quằn quại. Viện giữ bố lại điều trị khi phổi, tim, tuỵ đồng loạt có vấn đề. Đó là khoảng thời gian mẹ con tôi bồn chồn lắng lo sợ hãi.

          Tôi đã khóc rất nhiều vì lo cho sức khoẻ của bố. Tôi nghĩ đến bố cái Thương cũng vì uống rượu hút thuốc nhiều mà bỏ bốn mẹ con nó ra đi tức tưởi. Tôi thấy chúng nó mặc áo xô trắng bám vào quan tài mà lịm đi trong buổi chiều ra đồng hôm ấy. Tôi sợ. Sợ mình mất bố, sợ ông trời sẽ mang bố đi và không bao giờ trả lại. Tôi sẽ sống ra sao, tôi sẽ đi đâu về đâu để tìm bố. Lòng tôi quặn thắt, buốt nhói rã rời. Có lẽ ông trời đã nghe thấu được lời van xin khẩn cầu của mẹ con tôi.

                         Sau một tháng, các bác sĩ đã điều trị rất tích cực và bệnh có chiều hướng thuyên giảm nhưng khi về nhà phải uống thuốc và ăn kiêng nhiều lắm. Bố từ tay thần chết trở về. Mẹ con tôi như được sống thêm lần nữa. Con chó, con mèo cũng vui trở lại quẫy đuôi mừng cuống quýt. Bóng bố lại ấm áp sân nhà. Những bữa cơm chiều muộn lại nhộn nhịp vui tươi. Nhà mình đông đủ. Nhà mình sum vầy.

…Tôi thường cắt tóc, gội đầu cho bố và cắt móng tay móng chân nữa. Đó là thói quen mỗi khi trở về thăm nhà. Được còn bố và chăm sóc bố là niềm vui và niềm hạnh phúc vô bờ của người làm con bé bỏng. Cả đời bố chưa đòi hỏi một điều gì cho mình dù là nhỏ nhặt. Bố không thích ăn thịt, bố chỉ thích ăn đậu ăn rau. Bố ngại mặc diện mà chỉ thích quần áo giản dị tối màu đến sờn cũ không muốn bỏ.

           Tôi càng thương bố nhiều hơn khi thấy bố của mình tận cùng mộc mạc giản đơn nhiều như thế. Tôi mua cho bố và mẹ thật nhiều quần áo cùng hoa quả bánh sữa mỗi dịp. Anh em tôi bảo nhau góp tiền vào sửa sang lại căn nhà đồng thời mua sắm thêm những thiết bị sinh hoạt cần thiết để bố mẹ dùng. Nghĩ đến bố đến mẹ mà tôi ước mình có thể báo hiếu được nhiều thêm nữa để bù đắp cho những khó nhọc gian truân của hai đấng sinh thành. Giá mà tôi giàu có và dư giả hơn…

Tóc bố đã bạc hết rồi. Khuôn mặt hốc hác và đôi mắt trũng sâu. Những chấm đồi mồi trên da hoà vào các nếp nhăn dày đặc khin khít. Đôi tay bố nổi gân guốc chằng chịt, phập phồng. Đôi tay nhuộm màu cỏ cây, đồng ruộng chai sần thô ráp. Đôi tay đã dắt tôi đi suốt cả một thời thơ bé. Đôi tay ấy bây giờ vẫn thoăn thoắt làm lụng quanh vườn chẳng lúc nào muốn thảnh thơi. Bố như một tấm gương sáng ngời để tôi soi mình vào khôn lớn.

                         Bố như một cuốn sách hiền lương đủ cho tôi đọc cả đời không muốn gấp lại. Bố không hoàn hảo hay quá tuyệt vời so với bao người bố ngoài kia. Nhưng bố đã yêu thương anh em tôi theo cách tuyệt vời nhất. Bố dành cho chúng tôi mọi thứ tuyệt vời mình có. Bố đã gánh vác bao bọc chở che cho gia đình bằng tất thảy nỗ lực. Đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao. Nếp nhân từ hiền hậu chưa một lần áp đặt giáo huấn của bố lại hun đúc sự ngoan ngoãn trưởng thành cho ba anh em tôi. Sự lặng thầm của bố đã phản chiếu những ánh đẹp thẩm thấu vào chúng tôi tự khi nào. Dù cuộc sống ngoài kia biết bao cám dỗ mời gọi, bao thị phi tranh chấp, bao bế tắc đường cùng…thì các con của bố vẫn mạnh mẽ đương đầu vượt qua và bình an thật ổn.

Món quà ý nghĩa của bố mẹ lúc về già chỉ đơn giản là thấy các con khoẻ mạnh quây quần. Nhưng bố mẹ biết không, món quà ý nghĩa nhất với con chính là được thấy bố mẹ khoẻ mạnh bình an và ở bên chúng con mãi mãi. Con thật may mắn biết bao khi còn bố còn mẹ, còn nơi để trở về. Trở về giữa suối nguồn yêu thương. Trở về trong nụ cười hạnh phúc. Bố mẹ à, con cảm ơn vì tất cả.

Check out our other content

Most Popular Articles