17 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Bàn ủi con gà

Ai đã từng dùng cái bàn ủi con gà này, nay cũng trên dưới 50 tuổi rồi. Còn vì sao là bàn ủi con gà, không là con vật khác, thì theo tôi nghĩ, vì là bàn ủi bằng than, nên thỉnh thoảng phải mở nắp bàn ủi ra, dùng que khui than và thổi cho than hồng, rồi cho thêm than mới vào thay cho than đã tàn, nếu ủi nhiều đồ, quần áo.

            Có lẽ việc dùng biểu tượng con gà thì hay bưi (bới) chải chăng? Đấy là cách nghĩ đơn thuần có tính liên tưởng của cá nhân tôi, chứ hàm ý thâm sâu của bàn ủi con gà có thể giải thích theo cách khác, ý tưởng riêng, chỉ người sản xuất ra nó mới hiểu thấu đáo được…

Những năm 80 của thập niên trước, khi chưa có điện thắp sáng, quê tôi còn thắp đèn dầu, nấu thức ăn bằng củi, thì bàn ủi con gà rất hiếm quý. Cả xóm tôi chỉ có 1 đến 2 cái bàn ủi con gà làm bằng đồng hay gang gì đó.

                         Chỉ khi có đám cưới hỏi, tết đến, xuân về mới dùng bàn ủi quần áo đã giặt sạch sẽ, sau đó ủi quần, áo cho tươm tất, thẳng có ly, đàng hoàng để mặc đi họ, đưa dâu hoặc đi chơi tết. Còn ngày thường ít khi ủi quần áo. Do bận rộn công việc, hơn nữa củi để lấy than ủi quần áo phải than tốt, chứ củi tre, củi rơm rạ…thì ko có than để ủi quần áo. Chính vì vậy, nên dịp tết về khi mọi nhà nấu bánh tét, bánh chưng cũng là dịp để ủi quần áo, vì nấu bánh bằng củi lớn, nên có nhiều than hồng ủi được quần áo, chuẩn bị đón tết.

           Kỷ niệm thời tuổi thơ tôi vẫn còn nhớ như in, nếu ba mẹ có năm mất mùa do hạn hán, bão lũ…không có tiền sắm quần áo mới, để đón tết, thì tôi cũng giặt sạch bộ quần áo nào chưa vá, còn lành lặng, ủi thẳng thớm, để mặc tết với bạn bè cùng trang lứa, còn đi chơi xuân, chúc tết… Chứ không thì tủi thân với bạn bè khi họ có quần áo mới đón tết. Chính vì vậy, bàn ủi con gà trở nên thân thiết, không thể thiếu được khi có hiếu, hỉ và đặc biệt là ngày tết đến, xuân về.

Những năm ba mẹ tôi không có tiền mua sắm quần áo mới cho chị, em tôi, ba mẹ đều làm công tác tư tưởng trước như: “Năm nay nhà mình khó khăn quá, ba mẹ thương chị em con nhưng đành chịu. Các con thông cảm, để tết năm sau hoặc ra tết các con nhé!”. Tôi tuy còn nhỏ, nhưng đã hiểu được, ba mẹ nào chẳng thương con, muốn cho con bằng bạn, bằng bè. Tuy nhiên cái khó bó cái khôn. Vì như ba tôi thường nói: “Hạt gạo tháng giêng, đồng tiền tháng chạp”. Biết bao việc phải không phải lo, ăn chưa no, thì làm sao dám mơ mặc đẹp.

                         Còn nhớ, thời bao cấp khó khăn, được vài mét vải pho phân phối theo tem phiếu của ba, ba cũng nhường cho chị em tôi, để may quần tây mặc đi học là sang lắm rồi. Sau này mới có vải tê rin ít chất ni lông hơn. Quần tây bằng vải pho nhiều chất ni lông, nên mặc nhiều tháng rồi vải co lên rất nhiều nếp nhăn, nên khi ủi phải cận thận, chứ không bị cháy quần và quần khô nên những vết nhăn khó thẳng, phải dùng nước sạch vẫy vào chổ nhăn, trước khi ủi, để quần bớt nếp nhăn. Nói tóm lại ủi quần áo cũng rất công phu, có kỹ thuật mới được bộ đồ ưng ý.

               Sau này, đất nước đổi mới, phát triển hơn, có điện thắp sáng, có bàn ủi quần áo bằng điện, rất tiện lợi, nên không còn dùng bàn ủi con gà nữa. Bàn ủi con gà trở thành vậy bảo bối, được lau chùi sạch sẽ, cất đi làm đồ vật kỉ niệm sau một thời gian dài bàn ủi con gà đã gắn bó mật thiết với đời sống con người.

Ngày mùa đông về, với cái lạnh se thắt, cơn gió mùa đông Bắc đã vô tình gợi cho tôi những nghĩ suy, rung cảm khi lục lại tiềm thức, bắt gặp lại hình ảnh bàn ủi con gà. Trong tôi lại ùa về kỉ niệm một chút nuối tiếc, vấn vương giống như mối tình đầu đẹp lưu luyến, nhưng không đi hết với nhau trọn đời người. Âu đó cũng là định mệnh, để nay mãi tôn thờ. Người đời nói, cái gì đã gắn bó trở thành tình cảm, khi mất đi sẽ không khỏi nhớ nhung, luyến tiếc, thậm chí còn tương tư cả cuộc đời…

                        Với tôi, bàn ủi con gà đã trở thành kỉ niệm đẹp khó phai, đã in sâu, lưu nhớ trong trái tim tôi những năm, tháng tuổi thơ sống trong thời bao cấp! Và nó sẽ còn mãi hiện hữu trong cuộc đời con người, dù thời gian qua đi không bao giờ trở lại… Dù vật đổi, sao dời, dù nhịp sống luôn hối hả, đổi thay. Chỉ có những kỉ niệm trong tôi sẽ còn sống mãi với thời gian, dù vũ trụ bao la vô hạn, nhưng đối với đời người là hữu hạn. Nên phải biết nâng niu, quý trọng những kỷ vật đáng nhớ ấy!

Check out our other content

Most Popular Articles