Tuy nhiên, từ rất lâu, tôi vẫn thầm ngạc nhiên về một đặc điểm trong phần lớn các ngôi nhà phố cổ, đó là mọi ô nhiễm về ánh sáng, tiếng ồn, văn hóa…dường như chỉ dừng lại ở tầng một – tầng hai vẫn là hình ảnh những ban công tay uốn xinh xắn, những khung cửa sổ với cánh chớp xanh bình yên, với những chậu cây cành lá buông mềm mướt mát, và thú vị nhất là đôi khi ngẩng đầu nhìn lên, bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc, quần áo ở nhà nền nã, kín đáo, bình thản cầm bình tưới cây, và thờ ơ ngắm phố phường trôi chảy…! Có lần, tôi đã chia sẻ nhận xét ấy với một cô bé học trò cũ, người phố cổ, trò cười: “Cô ơi, đó là “Hà Nội nhìn từ tầng hai”! Thì ra người Hà Nội, nhất là những người thuộc thế hệ trước của Hà Nội, dù vẫn phải mưu sinh, kiếm sống, nhưng họ vẫn gắng giữ cho gia đình họ, hồn cốt văn hóa của họ một Hà Nội xưa cũ, từ không gian của tầng hai, nơi ấy, có hoa và lá xanh, có âm nhạc và sự yên bình, có màu thời gian trong những bức tường ngoài chậm thay màu sơn mới, trong lớp rêu mờ xanh, thậm chí, trong những bong tróc lộ hàng gạch trăm năm…
Và mỗi khi tới nhà bác, sau khi đi qua những dãy tủ kính sáng trưng ở tầng một, lách qua vài cô bé bán hàng tiếng nói đa âm sắc khiến tôi nhớ tới những cô gái tên toàn thanh sắc như kiểu Tuất, Bích, Trúc, Ðát, Phúc, Thoát, Ngát, Thấm, Bắc... trong truyện ngắn Tiệm may Sài Gòn của Phạm Thị Hoài thuở nào; lên tới tầng hai, tôi gặp lại một Hà Nội cổ kính, sang trọng trong những đồ vật xưa cũ, những giọng nói xưa cũ, ấm nhẹ và thân thiện, trong vẻ giản dị và thanh lịch của các anh chị, như ngày xưa…