Tiếng sáo diều quê tôi

    1559
    Ảnh: Bình Vũ

    Đã bao năm xa quê, mỗi khi nhìn lên bầu trời thấy những chiếc diều giấy, diều vải đủ sắc màu, kích cỡ của trẻ thơ thả trên đồng ruộng hay trên đường phố là bên tai tôi lại văng vẳng tiếng sáo diều của làng quê năm xưa.

               Quê tôi ở một vùng thuần nông “đất cày lên sỏi đá” bên dòng sông Chu, trong xanh hiền hòa ở những ngày cuối Thu sang Đông, và lồng lộn như trâu điên khi mùa Hè tới. Cứ sắp đến Tết Trung thu là mùa thi thả diều của các làng Hón, làng Rạch, làng Bún, làng Hương lại rộn lên. Nhưng không làng nào có những cái diều to và bộ sáo kêu vi vu suốt đêm như những con diều của làng Hón, quê tôi.

    Tục thả diều có tự bao giờ tôi cũng không rõ nữa, chỉ biết rằng từ những ngày lên năm, lên sáu tôi đã theo các anh chị ra bãi cát Tự nhiên bên bờ sông Chu, hay ra những cánh đồng đã gặt hái xong để xem thả diều.

                           Không phải nhà nào cũng làm được diều đẹp và có bộ sáo kêu hay để thả chơi. Có con diều to như chiếc thuyền tam bản. Nan diều là loại tre bánh tẻ đã được “luộc” nhiều tiếng đồng hồ nhằm tạo sự bền dẻo.

    Giấy làm diều là loại “giấy bản” mà các cụ đồ xưa thường dùng để viết chữ Nho. Trái “cậy”- một loại trái như trái “hồng” được giã, vắt lấy nước “phất” diều. Đó là thứ nước đắng chát có nhựa sóng sánh, sền sệt rất dính, mối mọt không ăn.

               Dây để thả diều làm bằng những sợi mây dài chọn lựa kỹ, rất dẻo và bền, nối lại có khi tới vài trăm mét. Cả làng tôi chỉ vài nhà làm được loại diều sáo. Làm diều thì không khó lắm, nhưng làm được bộ sáo 5 chiếc cho đủ âm thanh của nhạc ngũ cung quả là khó.

    Nào chọn loại tre, trúc nào để phù hợp với từng âm thanh. Người khoét sáo phải có lỗ tai “sành” âm nhạc dân tộc. Nào khoét các ống to nhỏ, dài ngắn khác nhau, nào làm các miệng sáo bằng gỗ vàng tâm gắn vào hai đầu ống tre ra sao để mỗi ống phát ra một âm thanh hồ, xừ, xang, cống, líu của nhạc “ngũ âm” nằm trong các điệu Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ mỗi khi gió thổi vào.

    Ảnh: Phạm Ngọc Thạch

    Cứ khoét được một ít người ta lại thổi mạnh vào ống để thử âm thanh đạt chuẩn hay chưa. Cả bộ sáo diều năm chiếc, nếu được một nghệ nhân có lỗ tai thẩm âm tốt, sau khi khoét xong sẽ tạo thành một hòa âm của nhạc phương đông rất hay. Khi gió thổi mạnh thì các ống sáo tiểu phát ra những tiếng “vi… vi” cao vút hơn một quãng tám so với khi gió thổi nhẹ.

               Âm thanh của các ống sáo trung lại “vo… vo”, còn sáo đại thì “ồ…ồ”, trầm hùng, sâu lắng. Tất cả tạo nên “bè” nhạc như có sự phối khí hài hòa. Tùy theo hướng và tốc độ gió mà sáo diều có khi rộn ràng như tiếng “khèn bè” của người Thái ở Tây Bắc vào hội xuân. Có khi trầm lắng như tiếng violon sen trong dàn nhạc giao hưởng phương Tay. Có lúc lắng động như tiếng “sáo mèo” thủ thỉ gọi bạn tình đêm trăng của người Hmông. Lại có lúc gấp gáp thôi thúc như suối chảy, thác cuốn trong tiếng đàn tơ- rưng của người Tây Nguyên.

    Khi thả diều phải ít nhất có ba người: hai người cầm diều tung lên cao, ngược chiều gió, còn người cầm dây thì chạy thật nhanh một đọan để dây thật căng đẩy diều bay lên. Nếu hôm nào gió nhẹ thì không thả được loại diều đại (rộng khoảng 1,5m và hai cánh dài khoảng 4m) mà chỉ thả diều trung loại ba sáo, hoặc diều tiểu một sáo.

                         Những con diều khi đã đạt đựơc một độ cao nhất định và “no gió” thì hình như nó “đứng lặng” giữa trời xanh, thỉnh thoảng chao đi chao lại theo chiều gió chút đỉnh. Lúc này, người ta dùng một cây cọc vững để cột dây diều lại. Cứ thế sáo diều vi vu từ chiều tới suốt đêm thấu sáng bản nhạc bất tận của tre, trúc và gió.

    Diều càng lên cao tiếng sáo càng trong, vang càng xa. Chỉ cần ba bốn con diều trên trời cao là cả một vùng rộng lớn có bán kính vài cây số đều nghe được bản “hợp xướng” của sáo diều. Do sự yêu thích những âm thanh có âm sắc, cao độ, trường độ khác nhau nên nghệ nhân làm diều luôn tạo ra bộ sáo diều có âm lượng đặc sắc riêng. Chính điều đó tạo nên sự đa thanh của sáo diều.

                           Nếu gió đổi hướng chệch khoảng 30 độ thì diều tự điều chỉnh vị trí trên không qua dây “lèo”. Chẳng may gió đổi chiều ngược lại 180 độ thì diều sẽ “lộn lèo”, rớt xuống. Hoặc có khi buộc dây không chắc, gió thổi mạnh thì diều sẽ đứt dây, bay đi theo chiều gió có khi vài cây số mới rớt xuống.

    Người làng khác nhặt được, có khi chủ diều phải sắm một “lễ” nhỏ, hoặc bỏ ít tiền chuộc lại mới được mang diều về. Nếu diều bị rớt mạnh, bị rách, sáo vỡ thì lại phải “đại tu”. Những người chơi diều cưng “đứa con” này của mình như một tác phẩm nghệ thuật quý hiếm. Hết mùa thả diều, người ta phất lại một lần nước cậy, hoặc nước củ nâu non rồi gác lên xà nhà, đợi đến mùa sau sẽ thả, tranh tài. Có con diều truyền từ đời cha đến đời con, rồi đời cháu. Nước “phất” diều đen xịn lại màu bồ hóng, bộ sáo sẫm bóng như được đánh vẹc-ni.

    Ảnh: Dinh Nhu Cam Tuynh

    Thường hội thi thả diều được chia làm hai vòng. Vòng “sơ khảo”- đấu loại, thì tất cả các con diều đều được “thả” một lúc. Con nào bay cao, ít bị chao đi chao lại và có tiếng sáo hay sẽ thắng cuộc để bước tiếp vào vòng sau. Ban giám khảo gồm những người đã “sành” nghề chơi diều ở các làng đựơc mời về để chấm thi.

                Sau vòng “Sơ khảo” người ta chọn ra ba con diều đẹp nhất, bay cao nhất, có bộ sáo kêu hay nhất để vào vòng “Chung kết” lấy giải Nhất, Nhì, Ba. Gọi là giải cho vui chứ về giá trị vật chất thì chẳng đáng là bao. Bên cạnh cái giấy chứng nhận có ký tên và đóng mộc của Chủ tịch xã thường kèm theo gói quà nhỏ như tấm vải may đủ bộ đồ, hoặc hộp bánh, ký đường. Có năm giải Nhất được tặng một cặp gà trống thiến. Có những gia đình mấy đời chơi diều sáo liên tục giành giải cao. Ở làng tôi có gia đình cụ Liệp, cụ Ngữ, cụ Thiên… là những “cự phách” làm diều và thả diều, nhiều lần đoạt giải.

    Ngày nay thú chơi thả diều chỉ còn dành cho con trẻ. Lớp nghệ nhân diều năm xưa ít người còn. Do công việc lôi cuốn, người ta không còn thời giờ và sở thích chơi diều nữa. Những khoảng đất trống ở bãi sông, hoặc đồng ruộng bây giờ làm tới ba vụ, không còn những cánh đồng trống sau thu hoạch nên cũng không còn nơi để thả những con diều to đùng như ngày xưa. Ở làng quê yên tĩnh, lúc nông nhàn, được ra sân ngồi hóng mát, ngắm trăng, uống nước chè xanh và nghe tiếng sáo diều còn gì vui thú bằng.

                           Mỗi khi nhìn những con diều sặc sỡ (phần lớn là nhập từ Trung Quốc) đủ hình dáng của bọn trẻ thả trên đường phố hay ở sân bóng cũng vui mắt. Những đứa trẻ nghèo thì tự làm diều bằng những mảnh giấy tập đã viết. Chẳng sao, miễn đó là niềm vui và ước mơ của trẻ được bay lên trời xanh như những cánh diều no gió.

    Tôi nhớ lại một câu nhà văn Thép Mới đã viết trong bài tùy bút nổi tiếng: “Cây tre Việt nam” để thuyết minh cho bộ phim cùng tên:

    “…Diều bay, diều lá tre bay lưng trời. Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời. Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều. Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…