Sớm nay, tiếng quạ thảng thốt kêu từ lúc trời còn mù sương đã kéo tôi bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị miên man mà tôi thường rơi vào mỗi nửa đêm về sáng.

          Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe ông nội kể, hễ quạ kêu là ắt có người chết. Nội tôi thường trầm tư hơn mỗi lần nghe tiếng quạ. Có lẽ vì cuộc đời nội đã đi qua quá nhiều mất mát, tử ly. Thi thoảng, nội vẫn nhắc tôi nghe về những năm đói tang thương, lũ quạ béo mầm no nê trên những xác người trơ xương bên vệ đường đang rữa. Nhưng với một đứa trẻ non nớt, ngây ngô như tôi lúc đó, chết chóc nào có là gì.
                         Mẹ tôi thì thường hay kể cho anh em tôi câu chuyện nhuộm lông nực cười của công và quạ. Bà còn hay đọc tôi nghe mấy câu than thân trong ca dao xưa, tôi nghe đằng đẵng nỗi lòng của những người nông dân cùng khổ:
“Một trứng ung
Hai trứng ung
Ba trứng ung
Bốn trứng ung
Năm trứng ung
Sáu trứng ung
Bảy trứng ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con quạ tha
Con diều bắt
Con cắt xơi…”
Hụt hẫng và phẫn nộ vô cùng!
           Mẹ tôi bảo: “Diều, cắt thì họa hoằn mới thấy, nhưng mấy con quạ ranh mãnh thì vẫn hay rình bắt gà con. Hễ thấy mồi ngon, nhằm lúc gà mẹ sơ sểnh là chúng liền lao vụt xuống.” Thế nên khi ấy, mỗi lần nghe tiếng quạ kêu là tôi lại giật mình, lo cho mấy bé gà con non tơ của tôi. Tôi dáo dác nhìn quanh vườn nhà và băn khoăn, không biết liệu chúng có kịp rúc ngay vào cánh mẹ? Có đôi lần, mẹ tôi đếm thấy thiếu gà con, mẹ lại chậc lưỡi tiếc rẻ: chắc chúng lại bị bọn quạ tai quái kia bắt mất. Tôi ứa nước mắt thương gà, thương mẹ. Cũng bởi thế mà lòng tôi ôm mối ưu tư, suốt tuổi thơ tôi giận hờn lũ quạ.
                         Lớn lên một chút, tôi thấm dần từng nỗi mất mát, đau thương. Bà nội tôi một đời lọ mọ, đầu tắt mặt tối chu toàn cho chồng cho con nên khi về già, lưng bà còng rạp xuống. Bà hiền từ, nhân hậu đến ngờ nghệch. Nhưng trời vẫn chẳng tha những tội lỗi ở một kiếp nào đó xa xưa nên hành bà chí mạng. Bà ốm liệt giường suốt mấy năm trời rồi mới nhắm mắt xuôi tay, bỏ lại ông nội tôi ngác ngác ngơ ngơ mỗi lần nghe quạ khóc.
Năm năm sau đó, cô bé tóc đờ mi tuổi trăng tròn là em gái tôi cũng bỏ tôi mà đi trong một chiều nhạt nắng, sau một buổi sáng não nùng tiếng quạ. Hôm ấy, mẹ và bác tôi đang làm vườn thì một bầy quạ từ đâu chao tới. Chúng đậu trên những cây cao gần đó và kêu lên từng hồi, tiếng kêu ngân dài, âm vang, thảm thiết. Mẹ và bác tôi bồn chồn trong dạ, biết có điềm chẳng lành. Nhưng không ai ngờ được rằng, cái điềm chẳng lành ấy lại xót xa, rụng rời đến vậy. Ông nội tôi năm đó đã ngoài tám mươi, tóc trắng phơ phơ mà phải đỏ mắt khóc thương cho đứa cháu gái mười sáu xuân xanh phải chịu thiệt thòi đi trước. Tiếng quạ kêu, từ đó, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh trong suốt quãng đời dài chênh vênh đợi lớn của mình.
“Quạ… quạ….”
Tôi hễ cứ nghe là giật mình thon thót…
           Mãi đến sau này, khi tôi rời nhà lên phố, phố xá trơ trơ những bỏng rát bê tông đã không còn chỗ trú thân, và cũng chằng có gà con cho lũ chim ác kia, tôi mới thôi không xao xác, nôn nao bởi những tiếng kêu phũ phàng của loài chim đen đủi nọ. Tôi học Sư phạm Ngữ văn. Một lần đọc thơ bạn tôi, tôi thấy hình ảnh cây cầu Ô Thước. Tìm hiểu tích xưa tôi mới biết, chính những con quạ đen xấu xí kia đã kết thành cây cầu nối mối duyên ngâu Ngưu Lang – Chức Nữ. Mà thật ra, những con quạ đó chính là những người thợ mộc được Ngọc Hoàng sai làm cầu cho đôi tình nhân đáng thương, nhưng bởi không đồng thuận, mãi cãi vã nhau nên bị đọa đày, biến thành loài chim ác.
Và có lẽ vì tập khí sâu dày từ tiền kiếp mà đến nay, những con chim ấy vẫn chẳng mấy khi thuận hòa, êm ấm. Ở cạnh nhau, chúng vẫn chí chóe với nhau như cái thời được Ngọc Đế giao việc làm cầu.
                        Tôi chợt cười cho cái sự chấp chấp mê mê, ngu ngu khờ khờ của những mảnh hồn thợ mộc – nay đã hóa thành quạ. Mà nghĩ lại, biết đâu chính bản thân tôi cũng thế! Lang bạt từ kiếp nào, vô minh từ kiếp nào, nay vẫn còn trôi dạt chốn đây với những yêu ghét vặt vãnh, những giận hờn ba xu. Bỗng dưng, tôi thấy lòng mình bớt chật. Tôi bao dung hơn với lũ quạ ngày nào.
Bước chân khỏi cánh cổng trường đại học, tôi sa chân vào một cơn bão lớn. Biết là vùng vẫy cũng chẳng thể thoát ra được, tôi nương mình theo bão. Ngày bão tan, tôi cũng xác xơ bầm dập, nhưng may mắn vẫn giữ được một trái tim ấm nồng. Phật biết tôi đã ngấm đòn đau nên Người từ bi, thức tỉnh hồn tôi bằng tiếng quạ kêu sương, và dẫn dắt tâm tôi trở về an tịnh trong tiếng chuông ngân vọng mãi ngàn năm từ chùa Hàn San, trong “Phong kiều dạ bạc”:
“Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.”
                        Hẳn là Trương Kế khi xưa cũng được một “tiếng quạ kêu sương” trong một đêm tịch mịch đánh động hay thức tỉnh mới có thể từ bờ mê quay về bến giác? Vậy thì, tiếng quạ kia là điềm gở hay điềm lành, nào ai dám khăng khăng nữa? Và sự chấm dứt kiếp này là kết thúc hay chính là khởi đầu, cũng nào ai dám khẳng định?
Vậy là từ đó, mỗi lần nghe tiếng quạ kêu rêu, tôi không còn cảm thấy có gì đó nôn nao hay bất an như trước nữa. Bởi tôi nghĩ, ở một nơi nào đó, có một người nào đó sắp từ giã cõi giả tạm này để đến một cõi khác. Có thể đó sẽ là một cõi vĩnh hằng an vui, hoặc cũng có thể lại là một cõi khác còn giả tạm hơn, mỏng manh hơn cõi Ta Bà này. Tùy duyên mà tự tại vậy! Còn tôi, mãn kiếp này, dù tôi có tái sinh vào cõi nào đi nữa thì cũng xin nhờ một tiếng quạ kêu sương gọi chiếc hồn tôi đang phiêu dạt nơi nao tỉnh thức …
Người về chưa kịp ấm chăn Áo cơm chia nửa vầng trăng... Tạ từ Ta đành ôm những tàn dư Ấp mùi hương cũ tưởng như bên người.