28 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Dưới tán cây lộc vừng

Bố nói tôi di chuyển bàn ở...

Tam Kỳ vàng nắng vàng hoa

Bây giờ đã là cuối mùa xuân,...

Trở lại Ayun Pa

C on người ta thật kì lạ,...
Trang chủ Blog Trang 62

Mái đình tha hương

    Khi những đôi chân còn chưa mỏi mệt, khi những đôi vai còn gánh nặng nhân gian, thì cho dù là một ngày nào đó vẫn còn những mái đình tha hương…

       Ngày đổ dài trên phố
    Những mỏi mệt vô chừng…

    Đã úa mềm như cỏ
    Đã tan hòa như sương
    Đã chìm làm đá sỏi
    Đã hư vô bụi đường
    Mà sao lòng vẫn khát
    Mà sao dạ vương thương
    Sao trí còn lẩn khuất
    Một nỗi sầu tha hương

       Và người không ở lại
    Đằng sau ánh tà dương
    Còn ta và đêm tối
    In đời nhau trên tường

    ( Thơ Phạm Thùy Vinh )

    Đã nhiều lần tôi ngước mắt lên, đã nhiều lần tôi chùng chân xuống và biết bao lần trong giấc chiêm bao vụng dại những mái đình ấu thơ lại vi vút hiện về. Cuộc sống của người tha hương là vậy, cho dù bạn đi đến đâu, là cùng trời cuối đất hay góc bể chân đời, phồn hoa đô hội hay lấm lem cực nhọc thì cây đa bến nước sân đình luôn là những ám ảnh vượt mọi ngóc ngách ngõ hẻm hang cùng của không gian và thời gian.

                                                Có một ngày trên xứ người xa lạ, không phải thôn Đoài, cũng chẳng phải thôn Đông, hoàng hôn tím sẫm buông xuống buổi chiều của gã đàn ông bươn chải, bất giác một mái đình cong vút lở lói những tường gạch điêu tàn, đó là khi quê hương đang lặn lội tìm về trong những ẩn ức yêu thương. Cái cảm giác đó khiến cho biết bao nhiêu người phải nổi da gà, cảm giác đó đã chạm đến yêu thương sâu thẳm của mỗi con người tha hương.

    Chỉ một mái đình cong vút trong tâm tưởng cũng khiến người ta ấm lòng, như được trở về với mẹ, như được trở về với cha, như được trở về quê hương xứ sở. Dẫu có nghèo xơ nghèo xác, dẫu có bùn lầy đầm cạn chuôm sâu thì nơi ấy vẫn là nhà. Quê hương như một tiếng nấng nghẹn ngào ám ảnh người ta vào những buổi chiều buông tà khơi trăng. Giấu làm sao được những cảm xúc, che đậy làm gì những cảm xúc, hãy cứ để nó bung ra, hãy cứ để nó nức nở mà gọi tên ngày tháng.

                                                         Ai bảo thời gian là phũ phàng? Tôi nói thời gian là ngang trái. Bởi thời gian chính là kẻ khổ tâm nhất khi phải chứng kiến lớp người này tới lớp người kia sinh ra lớn lên để rồi cứ biền biệt cá nước chim trời. Than ôi những mái đình rêu phong, găm vào mình bao mưa bao nắng, xõa vào mình bao nhức nhối trần ai. Để làm gì? Để trơ trơ mốc mác, để sói mòn ưu tư, để phiền muộn những tháng ngày heo hút. Ai bảo thời gian là phũ phàng? Người ta đi và đi. Ai bảo không có những mái đình tha hương.

    Ngôi đình làng có thể được xem là những lối đi về của mỗi người, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi làng có việc. Trong khuôn viên của ngôi đình thường có cây đa cổ thụ, bóng râm mát, hồ sen và một khoảng sân vẫy gọi chim về làm tổ.

                            Lúc đầu, đình chỉ có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp, nộp sưu thuế và nơi nghỉ cho khách lỡ đường. Về sau, triều đình phong kiến mới sắc phong cho những vị có công với nước làm Thành Hoàng làng (sống làm tướng, thác làm thần). Vì vậy đình kiêm chức năng nữa là thờ vị Thành Hoàng – người có công khẩn đất, lập làng.

    Ngoài Thành Hoàng làng, tùy theo thực tế của làng, mỗi ngôi đình làng có thể thờ các vị thần, thánh khác do mỗi làng tôn thờ, hoặc việc thờ cúng các vị thần theo sắc phong của nhà vua, tất cả đều được rước vào đình thành một tập thể siêu thần, thành một sức mạnh vô hình, tạo niềm tin, niềm hy vọng của làng xã Việt Nam.

                                    Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trong đời sống người dân Việt Nam khi xưa, đình làng khi khởi dựng được phục vụ nhiều mục đích, từ thờ tự, tế lễ, là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế, nơi nghỉ cho khách lỡ độ đường, đình làng cũng là nơi vui chơi, nơi sinh hoạt ca hát, có đình làng còn là lớp học… Đình làng còn được coi như biểu tượng của quyền lực làng xã, nó có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng.

    Chỉ bấy nhiêu đó thôi mà đình làng có một sức sống bền bỉ, tôi có thể quên mùa thu, tôi có thể quên mùa hạ và ai nữa có thể quên mùa xuân nhưng đình làng căm căm như cái rét nàng Bân chẳng ai nỡ lòng quên mùa đông tàn trên những tán lá đa sân đình cũ càng rêu mốc. Chẳng ai nỡ lòng quên cái nắng cái gió khô rang những đêm hè. Một đêm hè nghe lời hát ru sân đình. Có không? Có chứ, những lời hát ru muôn thủa đã nhập đồng nhập bóng nơi này.

                                     Sân đình như một nỗi bi ai từ ngàn kiếp đã chẳng mong một gánh tương phùng. Người ta gió, người ta mây, người ta xoải những bước dài tha hương, còn mái đình trăm năm hay ngàn năm vẫn vô thủy vô chung mà trầm tịch, mà lặng câm, mà rang rộng cong vút những mái xưa chái cũ dưới vòm trời này, dưới gầm trời này, dưới những thác lũ cuộc đời này…

    Chiều hôm ấy, chiều hôm nay, chiều hôm kia, đã rất lâu rồi những buổi chiều tôi gặp. Mái đình ưu tư ở đâu và ở đâu, cất những mái vòm cong vút mà cuốn tôi vào lòng. Đó là khi tôi tha hương, đó là khi tôi cơ nhỡ, đó là khi tôi không thể nói lên lời. Ai biết và ai biết. Chỉ có tôi với một mái đình. Để tôi nhớ, để tôi đếm, để tôi nghĩ… đời tôi đã có bao nhiêu mái đình tha hương…

    Người đến từ Triều Châu

      Người đến từ Triều Châu nhưng lại không nhớ rõ mình là đời thứ bao nhiêu của dòng họ từ Triều Châu di cư đến đây nhưng chiếc xe hủ tiếu, mì truyền lại từ đời ba anh đến nay cũng ngót nghét gần 60 năm.

                             Đặt chân đến Hà Nội, Hà Nội đâu phải người dưng, người ta muốn thưởng thức ngay một tô phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư nóng hổi. Còn tới Sài Gòn chữ vội trên vai bạn nhất định phải ghé những tiệm dưới đây để thưởng thức hủ tiếu.

                Những người Hoa đầu tiên từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Triều Châu… đã đặt bước chân di dân đầu tiên lên “Hòn ngọc viễn đông”. Họ mang theo nhiều nét văn hóa, phong tục khác nhau làm cho linh hồn mảnh đất này thêm phong phú. Mà trong đó, nghệ thuật ẩm thực là nét chấm phá thú vị, với điểm nhấn đặc sắc là hình ảnh những chiếc xe hủ tiếu, mì “chở” trên mình các điển xưa tích cũ của lịch sử Trung Hoa.

      Năm 1778 người Hoa từ Cù lao Phố đã chuyển về Chợ Lớn sinh sống và một cộng đồng người Hoa bắt đầu hình thành. Cũng từ đó những chiếc xe hủ tiếu mì đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn. Ban đầu phần lớn người Hoa tập trung ở khu Chợ Lớn. Anh Lưu Khải Văn không nhớ rõ mình là đời thứ bao nhiêu của dòng họ từ Triều Châu di cư đến đây nhưng chiếc xe hủ tiếu mì truyền lại từ đời ba anh, đến nay cũng ngót nghét gần 60 năm.

                              Cứ đều đặn 7h sáng anh bắt đầu nấu và chế biến nguyên vật liệu, đến 13h chiều thì bày bán, đến 23h khuya lại dọn hàng. Chu kỳ ấy cứ tiếp diễn đều đặn tuần tự từ hàng chục năm nay. Tất cả công thức nấu nước lèo, pha chế đều “bí truyền” riêng trong dòng họ.

      Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM), quán có tên là Trường Thạnh nhưng nhiều thực khách chỉ biết đến cái tên “hủ tiếu mì bò viên Triều Châu”, bởi đây là quán ăn có chủ là người gốc Triều Châu và nổi tiếng bởi món bò viên nhà làm cực ngon.

                 Được biết, quán hủ tiếu Trường Thạnh do một người đàn ông gốc Hoa tên Thái Minh Khôn mở bán khoảng 60 năm trước, khi ông cùng vợ con sang Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. “Ngày đó cha tui chỉ bán bò viên với nước súp, mới đầu hương vị khá lạ nên nhiều người không thích cho lắm. Cha tui cứ nấu đi nấu lại riết rồi cũng quen, cha còn tự chế biến ra công thức làm bò viên của riêng mình và được thực khách ủng hộ đến tận bây giờ”, bà Thái A Muổi (56 tuổi, chủ quán đời thứ hai) cho biết.

      Khi ông Khôn qua đời, toàn bộ công thức làm bò viên, nấu nước lèo đều được ông truyền lại cho con gái là bà Muối. “Tui tiếp quản quán ăn của cha để lại cũng hơn 20 năm nay rồi, ngoài bò viên thì tui cũng có thêm một số thành phần ăn kèm như gân bò, lòng bò, lá sách… Đặc biệt bò viên, nước chấm đều phải tự nhà làm thì mới yên tâm giữ đúng hương vị, vì đó là cái đặc trưng, cái riêng biệt mà cha tui làm ra rồi”, bà chủ nói.

                               Theo cảm nhận của nhiều thực khách đã từng ăn và “nghiện” hương vị của hủ tiếu mì bò viên nơi đây thì “bò viên phải nói là ngon tuyệt đỉnh, dai nhưng không hề cứng, mềm mềm, sần sật, cắn một nhát là ngập răng và mùi bò thật sự rất thơm ngon”. Tuy nhiên, tô hủ tiếu mì ở đây khá ít nên nếu người nào có sức ăn khỏe thì phải hai tô mới đủ no.

      Bên cạnh hương vị thơm ngon của món ăn, chất lượng của bò viên thì phong cách phục vụ và thái độ bán hàng vui vẻ của chủ quán cũng là điểm níu chân thực khách suốt hơn nửa thế kỷ qua.
                 Bà chủ ở đây bán hàng dễ thương lắm, tôi ghé ăn lúc nào cũng được chủ quán hỏi thăm tận tình xem ăn có ngon không, có vừa miệng không. Có hôm còn được tặng thêm chén bò viên ăn kèm. Ấn tượng nhất là một lần tôi ghé ăn thì thấy có đứa bé bán vé số vào mời khách, bà chủ ra hỏi có đói bụng không rồi làm cho đứa nhỏ một tô hủ tiếu bự. Với riêng tôi thì món ăn do một người có lòng tốt nấu ra chính là món ăn ngon nhất rồi. Mỗi khi hương bò viên thơm lên nghi ngút, tình người, tình đất, tình xứ sở lại giao hòa với nhau khiến cho lòng tôi mải mê thờ phụng.
      Hủ tiếu Triều Châu ngon quá, tuyệt vời quá, mùi vị phá lấu cải chua thanh đậm và miếng hủ tiếu hồ trơn trơn dai dai, tất cả hòa nguyện vào đầu lưỡí, một sự kết hợp độc đáo cuốn hút từ miếng đầu tiên tới miếng cuối cùng, chắc chắn bạn sẽ phải ghé ăn hoài vào những lần sau.
                              Đến Sài Gòn muốn ăn hủ tiếu bạn có thể đến Hủ tiếu mỳ cật: Cửa hàng nằm tại số 62 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1. Quán nổi tiếng và có từ lâu đời, tuy không gian hơi nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách. Tô hủ tiếu luôn đầy đặn như tấm lòng hiếu khách của chủ quán, sợi mỳ dai dai được làm trong suốt như bột lọc, bạn cũng có thể lựa chọn ăn cùng thịt nạc, xí quách, thịt bằm, hay thập cẩm đều rất lạ và ngon miệng.
      Ngoài ra bạn có thể đến Hủ tiếu Nam Vang Ba Hoàng. Là một quán không biển hiệu, nhưng luôn đông khách nằm trong hẻm 46 Võ Văn Tần. Hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu xương ở đây đều rất ngon. Tô hủ tiếu đầy đặn, tôm tươi luộc đỏ au, thịt xắt mỏng, thịt bằm béo ngậy. Nước dùng ngọt đậm đà, hành phi thơm giòn ăn kèm tỏi ngâm và sa tế thơm hợp vị.
                Ngồi ngắm nhìn những tô hủ tiếu đang nghi ngút khói, đang nghi ngút hương, đang thênh thênh thang thang đường phố, bất giác tôi lại nghĩ đến những xe đẩy hủ tiếu truyền đời của người đến từ Triều Châu. Thời gian sẽ chẳng bao giờ trở lại, giống như hôm nay bạn ăn một tô hủ tiếu này đã khác, ngày mai bạn ăn một tô hủ tiếu cũng ngay tại nơi này cũng sẽ khác. Chỉ có những phong vị quê hương, tình người, tình xứ sở sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Kể cũng lạ, người đến từ Triều Châu…
      (Bài viết có tham khảo một số tư liệu từ Wikipedia)

       

      Tương tư ở xứ Ninh Kiều

        Không biết cụ Nguyễn Tuân xưa đã từng hành tẩu đến xứ này để mà ca tụng thêm cái lý lẽ xê dịch. Ninh Kiều chẳng cũ, Ninh Kiều không mới, Ninh Kiều mở mắt dậy đã khiến người ta tương tư…

                  Tôi biết đến Tây Đô lần đầu khi vô tình nghe một bài hát vàng vọt với những nỗi buồn xanh xao nhầy nhụa thời binh lửa. Sau này đến Cần Thơ nỗi ám ảnh về một Tây Đô điêu tàn trong bài hát khói lửa ấy mới rụng rốn yên lành. Tây Đô chan chứa một vùng nước non châu thổ, Tây Đô nặng tình như vườn trái trĩu quả bên sông, Tây Đô nóng hổi như ngồi canh hỏa lò mà nướng con cá rô đồng bằng lá tre ngoài bãi. Về Cần Thơ đi mà tương tư xứ sở Ninh Kiều.
        Cũng lâu lắm rồi chẳng có dịp về Cần Thơ mà ngơ ngẩn mấy độ Rượu mận Sáu Tia mà bịn rịn Bánh hỏi – heo quay Phong Điền.
                               Nét độc đáo của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Kênh rạch cũng là phố, mang vẻ đẹp phong thủy cho một đô thị tiềm tàng. Khí hậu Cần Thơ dễ chịu, gần như hiếm bão. quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình là 27ºC. Quả là những điều lý tưởng.
        Có thể nói chợ nổi là một nét văn hoá sinh hoạt rất đỗi đặc trưng mà tôi chỉ có thể tìm thấy ở miền Tây Nam Bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng. Sau này tôi có dịp gặp một vài vùng miền tương tự như ở Thái Lan.
                   Dẫu vậy sức nổi và sự cám dỗ ở Cần Thơ vẫn luôn len lỏi và cuống quýt như con cá linh đâm mùa. Tôi thường đến chợ nổi Cái Răng từ sáng sớm vì đây là thời điểm họp chợ sôi nổi và đông vui nhất.
        Có thể chẳng mua bán gì đâu, chỉ ngắm nhìn thôi đã thấy đủ yêu thương và ngập tràn năng lượng trong hồn. Tôi vốn không quen những khẩu vị Tây Nam Bộ nhưng đã nhiều lần trải nghiệm khác biệt, thưởng thức nhiều loại trái cây tươi ngon hay các món ăn dân dã như hủ tiếu, cháo cá lóc, canh rau đắng… trên ghe thuyền dập dềnh và cảm nhận cuộc lênh đênh sông nước thú vị như kẻ vi hành.
                                Cần Thơ là vậy lúc nào cũng thân tình như bằng hữu, lúc nào cũng ve vuốt yêu thương như cô em khỏa chèo buông chiều. Một mai những buồn vui dịu dàng như món canh rau đắng thưa thớt dần những cuộc đời buồn tẻ, hỏi rằng tháng ngày còn gì mà vui?
        Về Cần Thơ có một nơi đã buộc chân tôi lại, nhiều khi đã định đứng dậy đi mà rồi vẫn dùng dằng ngồi lại. Đến với quán Hoa Sứ tôi được hít thở không khí trong lành của thiên nhiên. quán được thiết kế theo phong cách sân vườn. Vào Hoa Sứ có thể vừa ngồi ăn những món ăn hấp dẫn vừa ngắm nhìn dòng sông hiền hòa hay nghe tài tử đờn ca trên một vùng trùng phùng sóng nước. Và… chết lặng.
        Tôi yêu món ốc nướng tiêu ở nơi này, như yêu mấy cô mặc đồ bà ba lướt đi mềm mại mơ hồ trong những căn nhà chòi mái lá. Cho dù là đi đâu thì bạn cũng chẳng bao giờ thấy khó khăn khi muốn kiếm tìm ốc nướng tiêu trong các nhà hàng hiện nay. Tuy nhiên, khi về Cần Thơ, chỉ cần bạn ăn món này một lần là đã thấy ngon, lần khác lại thấy ngon hơn. Và tất nhiên một lần khác nữa lại ngon hơn khác khác lần lần.
                                                  Từng con ốc bươu mà người miền Tây còn hay gọi là ốc bưu, mang luộc sơ. Khi có yêu cầu, bỏ nồi ốc lên bếp than, vừa nướng vừa thêm mắm pha tiêu, tỏi, bột ngọt vào… sau đó chờ trong chốc lát thì nước trong ốc sôi lên, một chút là được. Không được để nồi luộc ốc lâu quá, ốc sẽ khô, không còn ngon ngọt nữa. Những trái tiêu xanh làm cho khứu giác, vị giác của bạn phải mẫn cảm mà tiết ra thứ dịch vị nồng nàn.
        Thú thực tôi không phải là người ăn phàm nhưng riêng món ốc nướng tiêu thì mình tôi cũng phải làm tới 3-4 cữ. Đến mức những lần sau trở lại chưa cần gọi nhân viên đã nhoẻn miệng ngả nước nghiêng thành: ” ốc nướng tiêu anh ha?” Và… chết lặng… Cái món ốc nướng tiêu quái quỷ này đã làm tôi bảy vía ba hồn…
                                                            Cũng không phải là hạng ăn nhậu số má gì nhưng đã có lần ngồi ở nơi đây từ xế trưa mà loáng một cái đã thấy lấp loáng ánh đèn và lạc trôi vọng cổ trên Ninh Kiều nẻo ăn đường chơi. Chẳng biết đứa nào lấy cắp đi thời gian của mình mà lơ đãng như một kẻ tương tư cổ nghiệp. Và… chết lặng…
        Cuộc đời con người ta, được sống đã là vui nhưng được đi mới là hạnh phúc. Nếu còn có kiếp sau xin tạo hóa hào phóng cho tôi thêm một đôi chân để có khi nào đó mỏi mệt lại có thêm chân để dùng.
        Cần Thơ, Vàm Sáng, Ba Láng, Phong Điền Anh thương em cho bạc cho tiền Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.
        Ngồi gõ máy tính lạch cạch, nhìn qua ô cửa sổ nhà mình, Vũng Tàu mưa trắng đường nhạt lối. Cái thứ mưa gió làm người ta phải trầm uất tiêu dao, mưa như đổ dồn vào trăm thương ngàn nhớ. Mưa như thọc mạch ngàn lẻ một đêm. Mưa như bộn bề lòng dạ người con gái trước khi về nhà chồng. Thầm nghĩ từ đây chạy về Ninh Kiều có là bao xa mà lâu rồi cũng chưa một lần xả láng ốc nướng tiêu rồi tương tư vọng cổ nhỉ.
        Và… chết lặng…chết lặng…chết lặng….