31 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Tháng Tư hương dẻ

M ột sớm mai thức giấc, bỗng...

Cây gạo làng

Cây gạo làng tôi đứng ở một...
Trang chủ Blog Trang 45

Cửa thiền

    Ảnh: Sasint

    Sớm mùa xuân, tiết trời thanh trong, dịu nhẹ. Gió man mác, mây mỏng manh. Giữa bao la rộng lớn của cánh đồng làng thấy mùi đất, mùi cỏ ngai ngái, không gian lắng sâu, yên ả, thanh bình. Cửa thiền…

               Đâu đây khẽ khàng những chồi non lộc biếc mới nhú. Lòng chậm lại, người chậm lại, bước chận chậm lại. Thủng thẳng tản bộ trên con đường làng ngày nào còn đá sỏi, dính màu đất đỏ phù sa. Kia rồi, ngôi chùa ngày bé vẫn chăn trâu, cắt cỏ, thả diều mà tuổi thơ thường ghé qua mỗi buổi trưa nằm dưới gốc đa tránh nắng, mỗi buổi chiều chầm chậm nghe tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng xào xạc lá rơi.

    Thấy nhớ mái trường cấp 2 ngày ấy nằm trên đất nhà chùa. Thấy nhớ chúng bạn cắp sách tới trường với muôn vàn tiếng chim hót, với muôn vàn cỏ cây hoa lá xanh tươi. Giờ ra chơi cả bọn kéo nhau vào chùa ngồi nghe tụng kinh, gõ mõ.

    Ảnh: Realworkhard

               Mấy đứa con gái khẽ ngắt mấy bông hoa đại ngắm nghía, nâng niu. Bước chân đứa nào cũng níu lại hiền hòa, như hiểu rõ sự im lặng, uy nghiêm vốn có của chùa. Mùi hương trầm thoang thoảng góc sân. Mùi rêu ngái nhẹ nhàng bám vôi ve tróc vỡ. Mùi oản thơm hương nếp mới mùa qua. Mùi áo nâu sòng thấp thoáng gió quyện nắng, nắng quyện chân hương, chân hương quyện hơi ấm con người. Cái gì cũng nhẹ nhàng, cái gì cũng lắng sâu tha thiết.

    Sân trường ngày đó với những gốc đa, gốc đề lớn mùa hè đến ăm ắp tiếng ve. Lũ con trai nghịch ngợm trèo lên ngọn hái từng búp đa, quả đề, ngồi mãi trên cành chơi vui bên đàn chim dạn dày tiếng hót. Từng gốc cây cổ thụ như dấu tích lịch sử, như bám mốc thời gian. Trầm mặc lắm, hào hùng lắm. Mãi còn đến sau này đậm sâu hình ảnh đó. Hình ảnh đi vào thơ phú, văn chương.

    Ảnh: Devanath

                          Ngôi chùa bây giờ không còn nữa. Những trầm mặc, lắng sâu không còn nữa. Bé nhỏ, hiền hòa đi đâu bỏ lại một gốc cổ thụ nằm sát vệ đường cúi đầu, rủ xuống chờ ai, ngóng ai. Những bề thế, khung cột chắc nịch được thay thế. Tiếng trẻ xưa nín thinh, tiếng người lớn nay ồn ào, náo nhiệt. Tiếng du xuân chân bước nặng trịch những bụi trần. Người chắp tay khấn vái âm thanh thật to mà tiếng được, tiếng mất. Người ánh mắt loang loáng liếc dọc, liếc ngang. Dường như chẳng đủ để cảm nhận đất trời mênh mang, tạo vật mênh mang.

    Cửa thiền ru những giấc mơ đã cũ bằng bài hát mới. Bao hỉ, nộ, ái, ố ở đời vẫn nán lại đâu đây mà sao nghe xa ngái, mông lung, bồn chồn. Đôi mắt muốn dừng lại, bàn chân muốn nghỉ ngơi, mái tóc muốn đen những nhánh sông hiền hòa như dòng sữa mẹ. Tâm muốn bình lặng mà gió vẫn lồng lộng thổi, dòng người vẫn đổ về đông hơn, ồn ã hơn. Chùa làng ơi, tìm đâu đó vẹn nguyên thật khó. Nghe trong mơ hồ ta đã lỡ mất những nốt nhạc trầm, đã lỡ mất một thuở thanh xuân.

    Thư cũ

      Tôi vẫn giữ thói quen dọn dẹp giá sách hàng tuần, hàng tháng. Lần nào tôi cũng lần giở, nâng niu những tờ thư cũ như một kí ức, một hoài niệm về những năm tháng đã đi qua.

                Có những lá thư đã úa vàng, có những lá thư đã nhạt nhòa nét mực, có những lá thư đã bạc phếch màu thời gian và cũ kĩ. Ừ ! thì cũng đã mấy chục năm qua. Có những người đã ra đi, có những người ở lại, có những người làm ta nhớ đến quặn lòng, có những người ngang qua đời ta như một cơn gió thoảng, duy chỉ có những lá thư và những con tem lưu dấu thời gian là còn ở lại.

      Trước hiên nhà chiều xiên xiên nắng, nhìn đàn sẻ thẩn thơ tha mồi, tôi như người đi lạc trong kí ức xa xăm, hoài niệm. Những dấu vết vàng phai bện chặt vào nhau như một tấm khăn màu nhiệm. Đâu đó trong tôi lại vang vọng như lời thi sĩ Goethe từng nói “thư từ là một kỉ vật quan trọng nhất mà một người có thể để lại”.

                            Nói điều này bởi tôi nhớ một người bạn thân đã mất vì tai nạn giao thông cách đây gần 26 năm khi tôi vừa nhận được thư bạn viết vào một chiều cuối tuần trên giảng đường. Cắn môi nghe lòng bật máu, những dòng chữ bạn viết như run lên trong lòng tay. Đâu đó vẫn hình bóng người bạn ấy ôm cây đàn ghi ta rồi chợt nhòa đi trong không gian chiều tím. Có nỗi buồn xưa cũ đến hụt hơi.

      Năm tháng qua đi để lại những vết buồn. Năm tháng qua đi cũng để lại những hồi ức, những tình cảm giữa con người với con người bằng những tờ thư cũ. Mẹ thường kể cho tôi nghe về những lá thư bố viết cho mẹ từ chiến trường, khi ấy ông đang hành quân qua cầu Nhật Lệ. Lá thư bố viết cho mẹ vào ngày tôi chưa kịp chào đời, ngày mẹ nhận được thư của bố cũng là lúc tôi vừa tròn một tháng tuổi.

                Đã 46 năm qua đi, nhưng đó là kỉ niệm mà mãi cho tới sau này tôi không bao giờ quên được. Lần sinh nhật nào tôi cũng tự làm thơ tặng mình và đọc cho mẹ nghe những tờ thư cũ:

      “…tháng ba
      ngày mẹ sinh ta hoa gạo sau nhà cháy đỏ
      chú mèo lười lim dim nằm tắm nắng mùa xuân
      tháng ba
      cha đang hành quân qua cầu Nhật Lệ
      thư về nhà đã đầy tháng của con…”

      Và lá thư ông viết:

      “ M…em. Anh đang cùng đồng đội hành quân qua sông Nhật Lệ . chiến tranh đang vào thời kỳ ác liệt nhất, nhưng anh tin một ngày gần đây chiến tranh sẽ kết thúc, anh và đồng đội sẽ trở về…”.

                              Chiến tranh qua đi, hòa bình được lập lại, những lá thư của bố viết từ chiến trường xưa vẫn được mẹ gói gém thật kỹ càng bằng những lớp ni lông và để trong chiếc hòm đạn bố mang về như một kỉ vật còn sót lại của người lính.

      Chiến tranh là đau thương mất mát, chiến tranh có thể hủy diệt cuộc sống, nhưng chiến tranh rõ ràng không thể hủy diệt được ý chí con người và những lá thư, đâu đó vẫn còn hàng ngàn lá thư trong bảo tàng quân sự Việt Nam. Đâu đó vẫn còn những lá thư ố vàng, cháy dở, những lá thư được viết trên những trang sổ tay xé vội, trên vỏ bao thuốc lá…ẩn chứa trong đó là tình yêu mãnh liệt, là niềm tin, hy vọng , những lá thư làm an lòng những người vợ, người mẹ ở hậu phương.

                Tôi đã thật xúc động và trân quý những lá thư của gia đình, của bạn bè, thậm chí là “người xưa cũ” hơn khi được đọc hai cuốn nhật kí và những lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Tôi đã run lên khi đọc trên báo lá thư của một liệt sĩ viết gửi người vợ trẻ đang đau đáu chờ đợi ở quê nhà:

      “…Anh ra đi, có hi sinh tính mạng cho tổ quốc thì em cũng phải can đảm, bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản. Em thay anh dạy dỗ con, để có người nối nghiệp. Giọt máu đầu tiên của anh và em cũng có thể là giọt máu cuối cùng…”

      Ôi, những người lính can trường và những lá thư cũ, dù đã úa màu, dù không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng những người vợ, người mẹ nơi quê nhà.

                          Mỗi lần dọn dẹp tủ sách là mỗi lần tôi nhớ những người bạn, người chị, người em, người xưa…có người gần, có người xa lăng lắc. Họ vẫn hiện diện đâu đây qua những lá thư, dù thời gian có là 20 năm, 30 năm hay dài hơn thế thì với tôi kỉ niệm vẫn là một điều khó để lãng quên. Gìn giữ những lá thư cũ cũng như gìn giữ tình cảm cảm của một con người như trong bài hát “Hương Xưa” mà thời sinh viên chúng tôi thường hát:

      “Không hiểu vì sao ta có buổi chiều nay
      gặp lại nhau và bỗng dưng em khóc
      giọt nước mắt làm sao anh ngăn được
      em bây giờ xa như một tầm tay
      ….Đốt làm chi những tờ thư cũ
      xóa được không kỉ niệm mênh mông…”

                           Những ngày chênh chao nhớ, những chiều chếnh choáng say. Thư cũ, ai cũng cầu chúc cho mình trưởng thành trong tương lai, nhưng lại lặng thầm và day dứt trong những ngày xưa cũ.

      Bây giờ việc nhận được một tờ thư viết tay “nghiêng nghiêng nét chữ” giữa cuộc sống xô bồ của thời số hóa đã trở thành xa xỉ và hiếm hoi, nhưng rồi ai trong chúng ta cũng trân trọng những khoảnh khắc đã từng đi qua và mơ ước biết đâu đấy vào một ngày thật bất ngờ ta lại nhận được một bức thư viết tay.

      Thoáng Tây Bắc trong lòng Hà Nội

        Ảnh: Tuấn Bùi

        Mỗi độ giêng hai, con đường Bắc Sơn- Hoàng Diệu gần Lăng Bác lại rộn rã hơn bởi bao người đi ngắm hoa Ban, chụp ảnh cùng Ban.

                   Những bông Ban trắng pha lẫn sắc tím hồng- một loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc lại nở bung giữa lòng Hà Nội, nó như tô điểm cho vẻ đẹp của Hà Nội thêm phần lãng mạn.

        Người người khắp nơi đổ về đây để được ngắm chút thanh tao, sự lãng mạn, mộng mơ của loài hoa chỉ nở rộ khoảng ba, bốn tuần. Những cánh hoa buông lơi, nhẹ xoay trong gió hạ mình xuống con phố lặng im như lắng nghe lao xao phố thị. Tôi cũng lặng im ngắm cánh hoa rơi. Lặng im để lắng nghe mê tơi cảm xúc…

        Ảnh: Nguyễn Linh Giang

        Không khó để bắt gặp những thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài nghiêng nghiêng chụp cùng ban, những cặp đôi nắm tay nhau đi dạo dưới ban, thậm chí người đi đường dù có vội đến mấy cũng từ từ chạy chậm để được thưởng thức chút núi rừng Tây Bắc.

        Hoa ban tím dậy mùa xuân phố núi
        Để lòng người như lạc cõi yêu thương
        Hoa lấp lánh giọt trên cành e ấp
        Giữa núi đồi nắng sớm bạt ngàn sương

                               Tưởng rằng ban chỉ có ở vùng Tây Bắc nhưng nay ban bung nở giữa lòng thủ đô. Ngước nhìn màu hoa tím như đang lung linh trên cao, bất giác tôi nhớ đến truyền thuyết hoa ban gắn liền với chuyện tình yêu mãnh liệt nhưng cũng đầy nước mắt của nàng Ban và chàng Khum. Mối tình được ví như mối tình giữa Romeo và Juliet. Thế nên trong văn hóa Tây Bắc, hoa ban tượng trưng cho sự thủy chung nên thường được các đôi trai gái Thái tặng nhau dịp đầu xuân.

        Ảnh: Trần Nghĩa Hiệp

        Xưa hoa ban trắng là vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Tây Bắc thì vài năm gần đây hoa ban là một phần không thể bỏ lỡ ở đoạn đường này. Đoạn đường ngắn tầm năm mươi mét với khoảng hai chục cây hoa Ban nhưng Hoàng Diệu- Bắc Sơn là điểm đến của nhiều tay săn ảnh cũng như những người mê hoa Hà Nội. Những bông ban trắng pha lẫn chút sắc hồng tím sà xuống, bung nở như nụ cười cô sơn nữ chào đón du khách tới thăm.

                              Hoa ban thuộc loài cây thân gỗ nhỏ, các cành cây chia thành nhiều nhánh khẳng khiu, hoa ban cùng họ với hoa bướm, nó không có hương thơm nhưng có vị ngọt ở nhị hoa nên mỗi khi hoa nở, nó thu hút khá nhiều ong về tìm mật. Vào mùa đông, ban thường trút lá, dồn nhựa vào nuôi nụ để mùa xuân, khi tiết trời ấm lên một chút, những tia nắng xuân vẫn còn xen lẫn những ngày mưa phùn thì nụ hoa bật nở, những nụ hoa như ngón tay thiếu nữ, bật xòe theo thời gian.

        Tôi chẳng biết từ khi nào, nhắc tới con đường Bắc Sơn- Hoàng Diệu này là người ta nhắc tới hoa ban. Vẻ đẹp của ban chẳng cháy bỏng như phượng, chẳng nhuộm tím cả trời như bằng lăng, cũng không nồng nàn như hoa sữa, vẻ đẹp của ban khiến người ngắm thảnh thơi, tự do thả hồn vào bầu trời lúc thì trong xanh bởi cái nắng giao mùa, lúc lại xám xịt, ảm đạm, ấy vậy mà người ngắm chẳng chút nặng nề.

                  Ban đã mang đến cho Hà Nội thêm một phần lãng mạn, thêm một chút tinh khôi và đậm nét trữ tình để ai đã đi qua một lần là nhớ mãi. Gió xuân se lạnh cuốn những bông hoa tàn rụng rơi cuộn theo chiều gió, nó như cuốn đi hết những mệt mỏi, lo toan hàng ngày, chỉ tôi và ban giữa lòng Hà Nội.

        Khúc mùa xuân

          Tiếng vọng của xuân trở về, xuân ẩn trong làn mưa bất chợt, lạnh buốt như kim châm trên da thit, mưa xuân mang hơi nước buốt cóng đôi bàn tay run rẩy của người tị nạn ăn xin dưới gầm tàu điện ngầm hun hút gió lùa.

                     Mưa cuối đông, mưa như thể trút tất thảy những tích tụ, những hờn, ghen vào xuân. Xuân đấy … Xuân gợi bao điều bí ẩn giấu kín của vạn vật trong buốt giá, rét mướt, lây phây. Trong khung cảnh điêu tàn ấy, cây cối khô trụi lá, gió mưa của tuyết lạnh, vùi dập đến trơ trọi.

          Nhưng xuân lại là mùa của hi vọng, ngày trôi thêm ngày qua từng cơn gió đông, ngày nối ngày qua từng đợt giá rét, mưa xuân da diết căm căm, lạnh lẽo nhưng gợi bao niềm hi vọng cho những ngày nối tiếp.

                    Và tôi lại nhìn thấy, sâu trong cảnh sắc ấy có sự hồi sinh và cả sự đắp nổi của duyên sinh, diệt, đang chuyển mình hoán đổi trao nhận gắn kết không tách rời. Phải chăng tất cả chỉ trong một số gốc rễ của sinh, diệt.

          Phải rồi, điều tất yếu chẳng thể nào thay đổi, chính là khi tận cùng của hủy diệt lại là gốc của sự hồi sinh. Trong sự hoang tàn, thâm u lạnh lẽo của mùa đông, cây cối đang âm ỉ chuyển nhận mạch sống, âm thầm mà ngấm ngầm thác lũ. Thật mãnh liệt.

                    Những cành cây khẳng khiu đã bắt đầu nhú nứt ra khỏi cành khô, đâm trồi, nẩy lộc. Những cây sồi già trước gió đông, kiên nhẫn mặc cho mưa lạnh và cả bão táp. Những cây hoa hồng dại ven đường khẳng khiu mà kiêu hãnh trước gió đông, đẹp đến nao lòng. Những mầm cỏ dại trên cánh đồng bắt đầu le loi sự sống ẩn tàng, dấu hiệu cho sự trù phú hồi sinh.

          Đôi chim câu từ phương nam, tránh rét đã quay về, rỉ rả tỉa vuốt lông chăm sóc cho nhau, mặc cho mưa gió, mặc cho đôi mắt ngạc nhiên của tôi sau khung cửa mỗi sớm mai.

                                Đông trút cho xuân, giận hờn hay tích tụ ươm nụ? Con người, trước những phong ba, nghịch cảnh cũng vậy. Mọi sự thống khổ, hàm oan, đau đớn, vật vã, được mất đều giống như giao thời của mùa đông chuyển mình chờ ươm nụ sang xuân.

                    Tình yêu của con người cũng vậy, ngay cả sự chia lìa, hợp tan, duyên tụ, duyên tán của tình yêu, tựa giống như mùa đông, sự đau khổ chính là tác nhân cảm thức giá trị hạnh phúc ngọt ngào nếu ta đủ duyên tìm thấy, để rồi nâng niu và trân trọng.

          Giống như mùa xuân hương hoa bung nở khoe sắc dập dìu. Và tôi nghĩ rằng, nếu như ai đã từng chạm tới tầng khổ tận cam lai, thì sẽ có ngày niềm phúc lạc, thai lai sẽ quay trở lại.

                    Sự chuyển giao, chính là qua trình chuyển hóa tâm thức trong chúng ta, nó giống như sự chuyển hóa của vạn vật trong cái tứ thời. Sự sống ẩn tàng trong cái chết, sự sống là hội tụ tất cả duyên sinh. Chỉ là thêm nắng, thêm mưa, thêm đau, thêm khổ trói gọn gom góp đủ đầy sẽ phát khởi, nở hoa kết trái.

          Càng đau khổ càng cảm thức rõ ràng về hạnh phúc, càng nhiều thất bại càng tôi luyện chúng ta sự kiên nhẫn và can trường trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc đời. Xuân đấy! Vờ như công chúa ngủ quên đợi hoàng tử của đời mình ướm cho đôi hài lo lem trong niềm hi vọng tràn đầy.

          Xuân đấy ! Vờ như lãnh cảm ngủ vùi lại như người đàn bà căng mộng xuân thì, đang thì thầm thĩ níu xuân sắc trước gió đông, chờ xuân về trong sớm an yên.

          Tháng giêng
          Mận phải lòng ai
          Để Mai vương lối
          Đào phai đắm trời.

          Nguyệt rằng
          Mưa gió tơi bời.
          Thơ hong
          Tơ thắm
          Giăng mời chúa xuân.

          Hình ảnh: Trần Thảo Vy

          Hương chè chắt nắng

            Phạm Ngọc Thạch

            Hun hút những con đường tăm tắp như mê hồn trận, ngây ngất màu dã quỳ ấm rực trời đông, phảng phất mùi chè xanh thơm lựng tỉnh táo cả tâm trí… Một Lai Châu phóng khoáng choán ngợp tầm mắt tôi.

                        Thú nhất ở đây là mỗi buổi sáng thức dậy, trong hơi sương vẫn còn run run lạnh, xuýt xoa thưởng thức ấm chè ngon với bạn bè tại một quán nhỏ ven đường. Rồi trầm ngâm ngắm nghe tiếng đồng hồ đang chậm rãi gõ nhịp, đếm đo thời khắc bình minh đi qua. Bỗng, anh bạn người Lạng Sơn ồ lên: “Hôm nay mới biết là uống chè cũng rất dễ làm người ta nghiện, sao hương vị chè ở đây thơm ngon thế?”.
            Mọi người trong bàn đều bật cười, sảng khoái, vì câu nói quá đúng, và quá… hiển nhiên. Mỗi tách với giọt giọt chè xanh lựng thơm đã quyện hương vị của mùa qua, chắt chiu ngọt lành từ mẹ đất, từ những sợi nắng rát bỏng xứ Tây Bắc. Chè Tam Đường rót vào đêm, đêm với những vì sao trên trảng cỏ bằng phẳng, đêm long lanh sắc màu.
                       Chè kết tinh tình cảm của mọi người bởi sau những buổi tụ tập, trước hay sau khi ăn uống xong không thể thiếu ấm chè nóng, đơn giản vì mình đang sống trên mảnh đất ấy, chè xanh đã trở thành biểu tượng, gần gũi như chính vùng cao này.
            Ngay trong dịp thu hoạch chè xanh, đến sân nhà nào cũng thấy vạn búp chè gom nắng để tự mình quắt khô, để nhân thêm vị chát ngọt hậu đậm đà, quyến rũ. Còn đến những khu vườn chè dài bất tận, lại thấy xung quanh chè có rất nhiều câu chuyện lý thú.
            Ảnh: Phạm Ngọc Thạch
            Khó có thể tưởng tượng vùng đất bao la này xưa kia là trùng điệp đồi chè với những người công nhân từng lên khai mở vùng đất mới theo tiếng gọi của Tổ quốc như lời thơ “Tiếng hát con tàu” do nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
            “Tây Bắc ư? có riêng gì Tây Bắc
            Khi lòng ta đã hóa những con tàu
            Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
            Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.
                                    Niềm tự hào của những người công nhân chè từng gắn bó với núi đồi Tam Đường (cũ) rồi lại chứng kiến cảnh các cây chè cằn cỗi, bị cỏ hoang vùi lấp. Thế rồi cũng chính tâm huyết của con người ấy đã hồi sinh cây chè, bàn tay chai sần của người công nhân lại hái từng búp chè xanh non mơn mởn. Năm tháng trôi đi, những công nhân vùng chè tạo nên thương hiệu chè. Trầm thăng cây chè vẫn ngày ngày được bà con nhắc nhớ trong các câu chuyện râm ran mùa thu hái.
            Vào mùa vụ, các gia đình có diện tích thu hái chè khá rộng, vì thế, bà con lối xóm rủ nhau đổi công, vài ngày chuyển sang hái ở một nhà, rủ nhau cùng đi, vừa hái vừa chuyện trò rôm rả, không khí đầm ấm như một gia đình lớn. Cảnh vật hữu tình, lòng người chất phác, trong chiều hái chè, tôi bắt gặp một Tây Bắc mộc mạc mà chân tình. Chợt hiểu vì sao vùng đất này đã đi vào thơ, vào văn, vào câu hát, mê hoặc, đắm say, níu hồn người đến thế.
                       Lai Châu mùa chắt nắng, giọt giọt nắng lạnh rót vào bình yên của ngày. Cũng trên đồi chè thấp thoáng thấy những thân cây xòe tán rộng, vững chãi, vì núi đồi thấp nên cây ngả bóng trên lưng trời. Lúp xúp mặt đất là bông cỏ mảnh mai, ngả vàng, uốn chiều theo gió. Đứng, ngồi, hoặc nằm, cô bạn tôi loay hoay tạo dáng.

            Trong khuôn hình, cảnh vật đẹp như những trảng cỏ thảo nguyên chỉ thấy trong câu thơ Nga. Và từ miên man trở về với thực tại, chúng tôi đi hái “thử” chè nên để tay trần, nghe chừng thích thú lắm! Trong khi bà con hầu hết đều đeo găng tay, song cánh tay vẫn ram ráp, vẫn nhừ mỏi, sần chai vì hái trong rất nhiều ngày. Với những người làm nhanh, kỹ thuật chuẩn phải đáp ứng “một tôm, hai lá”, tuy nhiên với việc hái bằng máy móc hiện nay, một số lá đã già vẫn được cắt khiến tôi băn khoăn, vì như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chè.

            Ảnh: Phạm Ngọc Thạch
            Thổ lộ với một vài gia đình có thâm niên hàng chục năm trồng chè, tôi được biết đã gắn với đất, yêu nghề thì còn vô số những mối lo, những băn khoăn tương tự. Nào là đầu ra, ép giá, rồi sự lên xuống thất thường của giá cả. Rồi còn cả chuyện giữ thương hiệu chè khu vực nữa! Quả thực nếu uống ngụm chè chát Tam Đường rồi, khi mua không đúng loại chè sản xuất ở khu vực này uống vào đều cảm nhận được ngay.
                      Nhưng dù đúng là nguồn chè khai thác của vùng, thì cách pha, nguồn nước, cách thưởng thức chè cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu chí của một tách chè xanh thơm ngon. Cũng là điều may mắn khi tôi từng được uống chè ở những vùng đất chè trong tỉnh như huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu và tham gia các Hội chợ trưng bày, giới thiệu chè của tỉnh.
            Theo đánh giá chung thì các chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là quảng bá cho thương hiệu chè trong vùng, song tôi thấy dường như vẫn thiếu lửa, thiếu sức hấp dẫn du khách và chưa thực sự cất lên được giá trị đích thực của cây chè – nguồn lợi, đặc trưng của vùng.
                                  Trong thời đại hội nhập, thương hiệu quả là vấn đề long đong cho bất kỳ doanh nghiệp muốn phát triển nào? Tận dụng quảng cáo, tuyên truyền, mở rộng sản xuất để chiếm lĩnh thị trường là mơ ước chung của mỗi Công ty chè, và muốn vậy, chẳng có phương án nào ưu việt hơn việc xây dựng chiến lược đúng đắn để khẳng định uy tín của mình trên thị trường. Đó cũng là lời chúc của tôi cho những Công ty chè mà khách hàng chỉ nhìn lướt qua rồi chuyển sang mua loại có thương hiệu, mẫu mã đẹp, dù có thể chất lượng đằng sau bao bì cũng chỉ ngang nhau?
            Cây chè ngắt xanh chứa trong nó rất nhiều những câu chuyện. Thời bây giờ, ấm chè thơm đã đến từng ngõ phố, đến tận những nơi sầm uất với những quán ăn đẳng cấp. Uống chè trong chính vùng đất sản sinh cây chè, rồi miên man một chút với nghề làm chè, chợt thấy mỗi ngày vẫn cần những phút buổi sáng, lắng lòng lại, rồi thưởng cho mình chút tỉnh táo để bắt đầu một ngày mới năng động, sáng tạo và hiệu quả.

            Bài hát cho cánh đồng

              Ảnh Trần Xuân Thiều

              Mẹ sinh tôi vào một ngày cuối thu, khi bông lúa ngoài đồng đã bắt đầu biết cúi mình soi nhìn nơi mình bám rễ. Mẹ ấp iu tôi trong đôi bàn tay ngày ngày mẹ thoăn thoắt gặt hái cấy cày. Tôi như củ khoai củ sắn, lớn lên bên mẹ và mênh mang ruộng đồng.

                         Trong kí ức của mình, tôi không thể nhớ nổi mẹ tôi đã từng mang đôi dép như thế nào, bởi quanh năm mẹ đi chân đất. Những móng chân mẹ bị bám phèn ố vàng, gót chân mẹ nứt nẻ vì cả ngày ngâm dưới đất bùn, nhất là về mùa đông, những chỗ nứt ấy có khi còn rớm máu. Bàn tay mẹ cũng vậy, những móng tay nhuốm phèn cũng ngả vàng, lòng bàn tay chai sần và thô ráp. Việc nhà nông chẳng lúc nào nhàn rỗi. Mẹ thường ra đồng từ khi chưa rõ mặt người, và trở về khi gà đã lên chuồng. Thời gian mẹ ở ngoài đồng ruộng nhiều hơn thời gian mẹ ở nhà.

              Ngôi nhà bây giờ mẹ tôi đang ở không phải ngôi nhà đã sinh ra chúng tôi, nhưng lại là ngôi nhà gắn với rất nhiều kỉ niệm của mẹ. Lần nào tôi về với mẹ cũng vào thời điểm bóng núi đã trùm lên phủ sẫm cả cánh đồng. Cánh đồng ven chân núi, sát một khu rừng. Thời điểm tôi về bao giờ cũng là lúc chim chóc kéo nhau về tổ, chúng kêu hót vang cả một khu vực rộng lớn. Và đặc biệt nhất là những cánh cò trắng, chúng vẫn chao lên liệng xuống, lò dò kiếm ăn giữa đồng lúa trong khi các loài chim khác đã trở về tổ.

                         Ngôi nhà của mẹ nằm giữa bốn bề gió đồng, từ phía nào cũng thấy màu xanh mát tầm mắt. Ngôi nhà có vườn cây ao cá, có giếng nước mát lành, có hương hoa phảng phất, lại có cả sóng lúa vỗ về ngay sát vách bếp. Mẹ vẫn như tự khi tôi sinh ra đã thấy, sáng nào cũng dậy thật sớm.

              Việc đầu tiên mẹ làm khi bắt đầu một ngày mới là nhóm bếp lửa. Có lẽ đây là thói quen truyền đời của những người phụ nữ thôn quê như mẹ. Giờ không phải lịch kịch nấu cám lợn hay vần một nồi cơm vùi vào tro bếp như thuở hàn vi, giờ đã có nồi điện bếp gaz, nhưng mẹ tôi vẫn giữ thói quen nhóm bếp, chỉ để đặt lên đó một ấm nước. Chiếc ấm, qua thời gian đã bị muội than bám dày lớp lớp, ngay cả phần bên trong ấm cũng ngả màu đen đúa, nước nấu trong chiếc ấm ấy mang cả vị của khói.

                                    Tôi thích ngồi bên mẹ trong những sớm mai, bên bếp lửa, mẹ vẫn nói với tôi đủ thứ chuyện trên đời, những chuyện có khi mẹ nói đi nói lại hàng trăm lần, nhưng tôi vẫn lặng im nghe từng lời. Mẹ cứ thủ thỉ cho đến khi ấm nước lục bục sôi, nước trào cả ra ngoài. Trong những lời thủ thỉ của mẹ có gió đồng thao thiết thổi về, và ngay bên vách bếp, lúa cũng thức dậy lao xao sóng lá.

              Những câu chuyện bên bếp lửa của mẹ phần nhiều gợi nhắc tôi nhớ về quê hương. Tôi nhớ ngôi nhà có bức tường bằng đất sét, bức vách trát bằng rơm trộn bùn bị thủng một lỗ đúng vừa người chúng tôi chui lọt. Những trưa hè nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi trốn mẹ chui qua cái lỗ thủng ấy, bơi qua bên kia sông. Bàn chân chúng tôi mê mải chạy trên những bờ cỏ xanh trải dài ngút tầm mắt.

              Ảnh: Hanh Dan Cing

              Nắng hun cho da chúng tôi đen cháy, nắng đốt tóc chúng tôi vàng hoe, cỏ sắc cứa vào chân rát xót. Vậy mà đôi chân chúng tôi vẫn mê mải trên cánh đồng nắng hạ. Tôi đã nhiều lần trở lại bờ sông ấy, chỉ có một mình, không có mẹ và em tôi. Tôi ngồi lặng thật lâu nghe gió xao xác thổi lên từ mặt sông. Dưới chân tôi, nước vẫn vỗ ì oạp, trước mặt tôi, phía bên kia sông, vẫn là cánh đồng mướt xanh. Chỉ khác là tôi bây giờ không phải tôi của một ngày đã trôi qua rất lâu trong kí ức.

                        Lần nào về với mẹ, tôi cũng lang thang rất lâu trên cánh đồng, cánh đồng đẹp nhất vào buổi sớm bình minh và lúc mặt trời lặn. Mặt trời ở đây thức dậy sớm hơn và đi ngủ cũng muộn hơn mặt trời thành phố, tôi cảm nhận chủ quan như vậy. Mặt trời ở phía núi, rọi những tia nắng mềm như tơ vào mỗi sớm mai.

              Tôi đặt bàn chân trần lên cỏ, cỏ ram ráp dưới chân tôi, và bên cỏ là lúa, cũng mướt xanh trong nắng sớm. Gió lùa vào tóc tôi, mơn man trên mặt tôi mát rượi. Tôi nhắm mắt hít căng vào lồng ngực mình hương lúa, hương cỏ, cả mùi bùn đất quyện vào với nắng và gió. Hình như trở về với ruộng đồng, tôi mới thực là mình.

                                     Có những ngày lòng quá đỗi chông chênh, tôi bỏ lại sau lưng mình những ồn ào bụi bặm, thói quen cũ đưa chân tôi đến một cánh đồng nào đó. Tôi đã từng ước mình có thể vẽ. Lại cũng đã từng ước mình có thể viết nhạc. Nếu vẽ được, tôi sẽ vẽ lại cánh đồng luôn ăm ắp trong trí nhớ tôi, những màu sắc sẽ ào ạt tuôn ra trên đầu cọ.

              Ảnh: Nguyễn Vũ Việt Anh

              Màu xanh của lúa đang thì con gái, từng sóng lúa uốn lượn gối lên nhau chạy dài theo gió; màu vàng của những bông lúa chín uốn cong mình nặng trĩu trong nắng gợi vẻ no ấm và bao dung; màu trắng của những thân cò lặn lội kiếm ăn trong bóng chiều chạng vạng; và màu nâu sậm của dòng sông mang nặng phù sa ôm ấp lấy cả cánh đồng… Nếu có thể viết nhạc, tôi sẽ kí lại những âm thanh vọng về từ mỗi nhịp thở của cánh đồng ấy.

                         Từ âm thanh lao xao của gió, tiếng rì rào của những đợt sóng lúa, tiếng ì oạp của sóng nước vỗ vào triền con sông nhỏ, tiếng giật mình vỗ cánh rất nhẹ vào không trung của một thân cò, tiếng ri rích của côn trùng vọng lên từ cỏ…

              Những màu sắc, âm thanh ấy luôn chật căng trong đầu tôi, như lúc nào cũng chỉ chực tuôn trào ra nếu có thể. Khi tôi cởi bỏ đôi giày cao gót mang dáng dấp thị thành, đặt bàn chân mình xuống bãi bờ ngát xanh màu cỏ, nghe cảm giác ram ráp quen thuộc từ những bước chân đầu đời cứa vào da thịt, thốt nhiên, tôi thấy lòng mình lại trở nên vững chãi.

                        Chạng vạng chiều, con thuyền nhỏ thảnh thơi nằm ghé mình an lành bên bờ ruộng, những đốm trắng vẫn lò dò trên những thảm lúa xanh, nước vỗ vào bờ ì oạp những âm thanh thân thuộc. Có phải vì thương đứa con của đồng ruộng, mà thành phố này cưu mang luôn cả những nỗi niềm, chiều lòng tôi bằng những thung lũng mướt xanh cỏ lúa? Chỉ cần giả vờ đãng trí, rẽ xuống một con dốc, quanh co qua vài lối rẽ, là tôi lại có thể gối lòng mình lên xanh mát bãi bờ.

              Ảnh: Lý Anh Lam

              Tôi hiểu lòng mình, dẫu có gửi mình bao nhiêu thời gian nữa vào phố thị, tôi vẫn muôn đời là đứa con sinh ra từ đồng ruộng. Và bởi đồng ruộng có mẹ tôi. Dẫu có ở đâu chăng nữa, mẹ tôi cũng gắn mình với đất bùn và cỏ lúa, như thể đó là sinh mạng của mẹ. Nghĩ đến mẹ là tôi nghĩ đến ruộng đồng, và nhìn thấy ruộng đồng, tôi như nhìn thấy mẹ. Nghĩ đến một ngày mai, tôi được thức dậy cùng mẹ, lui cui nhóm bếp lửa hồng, ngồi nghe ấm nước lục bục sôi trong ngan ngát hương đồng, nhìn bàn tay nhuốm vàng phèn chua của mẹ rót chén nước trà nóng còn ám cả mùi khói, lòng tôi an yên biết bao nhiêu.

                       Tổ tiên tôi bao đời đã sinh ra từ đồng ruộng, được đồng ruộng nuôi dưỡng, rồi khi nhắm mắt lại trở về với ruộng đồng. Người sống và người đã khuất, đời đời kiếp kiếp quấn quýt với nhau trên đồng ruộng. Và tôi, không thể vẽ lại đồng ruộng bằng những nét cọ đầy ứ sắc màu, cũng không thể cất lên những lời ca mênh mang về cỏ lúa, nên tôi đành im lặng. Bởi tôi biết, với tôi, sự tĩnh lặng trước ruộng đồng, chính là lời hát thiết tha nhất để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của mình về nơi mà mình được sinh ra.

              Tiếng sáo diều quê tôi

                Ảnh: Bình Vũ

                Đã bao năm xa quê, mỗi khi nhìn lên bầu trời thấy những chiếc diều giấy, diều vải đủ sắc màu, kích cỡ của trẻ thơ thả trên đồng ruộng hay trên đường phố là bên tai tôi lại văng vẳng tiếng sáo diều của làng quê năm xưa.

                           Quê tôi ở một vùng thuần nông “đất cày lên sỏi đá” bên dòng sông Chu, trong xanh hiền hòa ở những ngày cuối Thu sang Đông, và lồng lộn như trâu điên khi mùa Hè tới. Cứ sắp đến Tết Trung thu là mùa thi thả diều của các làng Hón, làng Rạch, làng Bún, làng Hương lại rộn lên. Nhưng không làng nào có những cái diều to và bộ sáo kêu vi vu suốt đêm như những con diều của làng Hón, quê tôi.

                Tục thả diều có tự bao giờ tôi cũng không rõ nữa, chỉ biết rằng từ những ngày lên năm, lên sáu tôi đã theo các anh chị ra bãi cát Tự nhiên bên bờ sông Chu, hay ra những cánh đồng đã gặt hái xong để xem thả diều.

                                       Không phải nhà nào cũng làm được diều đẹp và có bộ sáo kêu hay để thả chơi. Có con diều to như chiếc thuyền tam bản. Nan diều là loại tre bánh tẻ đã được “luộc” nhiều tiếng đồng hồ nhằm tạo sự bền dẻo.

                Giấy làm diều là loại “giấy bản” mà các cụ đồ xưa thường dùng để viết chữ Nho. Trái “cậy”- một loại trái như trái “hồng” được giã, vắt lấy nước “phất” diều. Đó là thứ nước đắng chát có nhựa sóng sánh, sền sệt rất dính, mối mọt không ăn.

                           Dây để thả diều làm bằng những sợi mây dài chọn lựa kỹ, rất dẻo và bền, nối lại có khi tới vài trăm mét. Cả làng tôi chỉ vài nhà làm được loại diều sáo. Làm diều thì không khó lắm, nhưng làm được bộ sáo 5 chiếc cho đủ âm thanh của nhạc ngũ cung quả là khó.

                Nào chọn loại tre, trúc nào để phù hợp với từng âm thanh. Người khoét sáo phải có lỗ tai “sành” âm nhạc dân tộc. Nào khoét các ống to nhỏ, dài ngắn khác nhau, nào làm các miệng sáo bằng gỗ vàng tâm gắn vào hai đầu ống tre ra sao để mỗi ống phát ra một âm thanh hồ, xừ, xang, cống, líu của nhạc “ngũ âm” nằm trong các điệu Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ mỗi khi gió thổi vào.

                Ảnh: Phạm Ngọc Thạch

                Cứ khoét được một ít người ta lại thổi mạnh vào ống để thử âm thanh đạt chuẩn hay chưa. Cả bộ sáo diều năm chiếc, nếu được một nghệ nhân có lỗ tai thẩm âm tốt, sau khi khoét xong sẽ tạo thành một hòa âm của nhạc phương đông rất hay. Khi gió thổi mạnh thì các ống sáo tiểu phát ra những tiếng “vi… vi” cao vút hơn một quãng tám so với khi gió thổi nhẹ.

                           Âm thanh của các ống sáo trung lại “vo… vo”, còn sáo đại thì “ồ…ồ”, trầm hùng, sâu lắng. Tất cả tạo nên “bè” nhạc như có sự phối khí hài hòa. Tùy theo hướng và tốc độ gió mà sáo diều có khi rộn ràng như tiếng “khèn bè” của người Thái ở Tây Bắc vào hội xuân. Có khi trầm lắng như tiếng violon sen trong dàn nhạc giao hưởng phương Tay. Có lúc lắng động như tiếng “sáo mèo” thủ thỉ gọi bạn tình đêm trăng của người Hmông. Lại có lúc gấp gáp thôi thúc như suối chảy, thác cuốn trong tiếng đàn tơ- rưng của người Tây Nguyên.

                Khi thả diều phải ít nhất có ba người: hai người cầm diều tung lên cao, ngược chiều gió, còn người cầm dây thì chạy thật nhanh một đọan để dây thật căng đẩy diều bay lên. Nếu hôm nào gió nhẹ thì không thả được loại diều đại (rộng khoảng 1,5m và hai cánh dài khoảng 4m) mà chỉ thả diều trung loại ba sáo, hoặc diều tiểu một sáo.

                                     Những con diều khi đã đạt đựơc một độ cao nhất định và “no gió” thì hình như nó “đứng lặng” giữa trời xanh, thỉnh thoảng chao đi chao lại theo chiều gió chút đỉnh. Lúc này, người ta dùng một cây cọc vững để cột dây diều lại. Cứ thế sáo diều vi vu từ chiều tới suốt đêm thấu sáng bản nhạc bất tận của tre, trúc và gió.

                Diều càng lên cao tiếng sáo càng trong, vang càng xa. Chỉ cần ba bốn con diều trên trời cao là cả một vùng rộng lớn có bán kính vài cây số đều nghe được bản “hợp xướng” của sáo diều. Do sự yêu thích những âm thanh có âm sắc, cao độ, trường độ khác nhau nên nghệ nhân làm diều luôn tạo ra bộ sáo diều có âm lượng đặc sắc riêng. Chính điều đó tạo nên sự đa thanh của sáo diều.

                                       Nếu gió đổi hướng chệch khoảng 30 độ thì diều tự điều chỉnh vị trí trên không qua dây “lèo”. Chẳng may gió đổi chiều ngược lại 180 độ thì diều sẽ “lộn lèo”, rớt xuống. Hoặc có khi buộc dây không chắc, gió thổi mạnh thì diều sẽ đứt dây, bay đi theo chiều gió có khi vài cây số mới rớt xuống.

                Người làng khác nhặt được, có khi chủ diều phải sắm một “lễ” nhỏ, hoặc bỏ ít tiền chuộc lại mới được mang diều về. Nếu diều bị rớt mạnh, bị rách, sáo vỡ thì lại phải “đại tu”. Những người chơi diều cưng “đứa con” này của mình như một tác phẩm nghệ thuật quý hiếm. Hết mùa thả diều, người ta phất lại một lần nước cậy, hoặc nước củ nâu non rồi gác lên xà nhà, đợi đến mùa sau sẽ thả, tranh tài. Có con diều truyền từ đời cha đến đời con, rồi đời cháu. Nước “phất” diều đen xịn lại màu bồ hóng, bộ sáo sẫm bóng như được đánh vẹc-ni.

                Ảnh: Dinh Nhu Cam Tuynh

                Thường hội thi thả diều được chia làm hai vòng. Vòng “sơ khảo”- đấu loại, thì tất cả các con diều đều được “thả” một lúc. Con nào bay cao, ít bị chao đi chao lại và có tiếng sáo hay sẽ thắng cuộc để bước tiếp vào vòng sau. Ban giám khảo gồm những người đã “sành” nghề chơi diều ở các làng đựơc mời về để chấm thi.

                            Sau vòng “Sơ khảo” người ta chọn ra ba con diều đẹp nhất, bay cao nhất, có bộ sáo kêu hay nhất để vào vòng “Chung kết” lấy giải Nhất, Nhì, Ba. Gọi là giải cho vui chứ về giá trị vật chất thì chẳng đáng là bao. Bên cạnh cái giấy chứng nhận có ký tên và đóng mộc của Chủ tịch xã thường kèm theo gói quà nhỏ như tấm vải may đủ bộ đồ, hoặc hộp bánh, ký đường. Có năm giải Nhất được tặng một cặp gà trống thiến. Có những gia đình mấy đời chơi diều sáo liên tục giành giải cao. Ở làng tôi có gia đình cụ Liệp, cụ Ngữ, cụ Thiên… là những “cự phách” làm diều và thả diều, nhiều lần đoạt giải.

                Ngày nay thú chơi thả diều chỉ còn dành cho con trẻ. Lớp nghệ nhân diều năm xưa ít người còn. Do công việc lôi cuốn, người ta không còn thời giờ và sở thích chơi diều nữa. Những khoảng đất trống ở bãi sông, hoặc đồng ruộng bây giờ làm tới ba vụ, không còn những cánh đồng trống sau thu hoạch nên cũng không còn nơi để thả những con diều to đùng như ngày xưa. Ở làng quê yên tĩnh, lúc nông nhàn, được ra sân ngồi hóng mát, ngắm trăng, uống nước chè xanh và nghe tiếng sáo diều còn gì vui thú bằng.

                                       Mỗi khi nhìn những con diều sặc sỡ (phần lớn là nhập từ Trung Quốc) đủ hình dáng của bọn trẻ thả trên đường phố hay ở sân bóng cũng vui mắt. Những đứa trẻ nghèo thì tự làm diều bằng những mảnh giấy tập đã viết. Chẳng sao, miễn đó là niềm vui và ước mơ của trẻ được bay lên trời xanh như những cánh diều no gió.

                Tôi nhớ lại một câu nhà văn Thép Mới đã viết trong bài tùy bút nổi tiếng: “Cây tre Việt nam” để thuyết minh cho bộ phim cùng tên:

                “…Diều bay, diều lá tre bay lưng trời. Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời. Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều. Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…

                Về đậu trên cầu ông Kinh

                  Có một dòng sông chảy uốn lượn quanh làng Hoành Nha của tôi. Sông mang tên làng. Sông Hoành Nha do người làng tôi thuở khai hoang lấn biển đã đào nên để dẫn nước từ sông Sò về.

                  Người ta gọi sông Hoành Nha là sông con và sông Sò là sông mẹ. Sông con “bú mớm” từ “bầu sữa” sông mẹ mà bồi đắp phù sa vàng mỡ cho cánh đồng hoa màu, ngũ cốc những chiêm mùa chắc hạt, sai bông. Bắc trên dòng sông con ấy là những chiếc cầu, mà tôi nhớ nhất là cầu ông Kinh – nơi bàn chân thơ bé của tôi vẫn nhẩn nha, tíu tít đi học trường làng mỗi sớm mai.
                  Người làng tôi có thói quen đặt tên cho những chiếc cầu bằng tên của người chủ nhà ở ngay đầu cầu. Cứ gọi nhiều thành quen dù cho người có tên được đặt cho chiếc cầu ấy đã trở thành người thiên cổ. Cầu ông Kinh, cầu ông Cai Long, cầu bà Lợi, cầu bà Mót…đã trở nên quen thuộc trong tâm trí người làng hay da diết trong nỗi nhớ của người xa quê.

                  Cầu ông Kinh được làm bằng một cây gỗ bắc trên những cái chạc chéo và chỉ có một tay vịn bằng tre. Sau này, tôi biết trong Nam bộ gọi là cầu khỉ. Người lớn vịn một tay, còn trẻ con vịn hai tay khi đi qua cầu ông Kinh. Vịn một tay thì đi thẳng, còn vịn hai tay thì phải đi ngang.

                  Các bà, các chị làng tôi đội thúng đi chợ phiên, đi xát gạo thường buông cả hai tay mà thoăn thoắt đi thẳng qua cầu, còn trẻ con đi ngang như cua bò, cứ dò dẫm lần mò, xê dịch từng bước một vì sợ ngã lộn cổ xuống sông. Vì đi ngang nên bọn trẻ con chúng tôi mới biết là gió rất thơm, nắng rất vàng, trời rất xanh và mây thì rất trắng.

                  Cầu ông Kinh mảnh mai, duyên dáng như cô thôn nữ muộn chồng làm duyên soi bóng xuống mặt sông trong vắt, phẳng lặng như một tấm gương lớn. Đi dàn hàng ngang qua cầu như thế mọi thứ sẽ lộn tùng phèo hết cả. Trời xanh, mây trắng ở dưới chân và sông biếc, nước trong ở trên đầu.Cầu ông Kinh nối thôn Thượng với trường học của tôi bên kia sông. Bên kia sông có một cây gạo già trầm mặc tỏa bóng xanh mát một vùng và một ngôi chùa cổ uy nghiêm mái ngói, tường vôi rêu phong cổ tích. Tục ngữ có câu “Cây gạo lắm ma…”. Thế mà cây gạo mọc ngay trước cổng tam quan. Một con đường nhỏ chạy qua giữa cổng tam quan và cây gạo như một ranh giới giữa đạo và đời.

                  Cây gạo ngó vào tam quan đầy oản xôi, đèn nến mỗi ngày rằm, mùng một. Tam quan trông ra cây gạo tràn hoa nở, chim hót mỗi độ tháng ba. Bà tôi bảo cây gạo mọc ở đấy cho ma đói, ma khát lang thang không nơi nương tựa về trú ngụ để nghe kinh kệ của nhà chùa mà chóng được siêu thoát. Trường tôi sát cạnh chùa làng. Tiếng chuông mõ, mùi nhang bài theo gió bay vào cửa sổ lớp học.

                  Tháng ba, cây gạo bên cầu ông Kinh bắt đầu thắp một mùa hoa mới. Mùa hoa bắt đầu nở từ khi lúa đồng thắt đáy lưng ong và kết thúc khi lúa đồng thai nghén trổ đòng. Mỗi bông hoa gạo là một ngọn nến lung linh trong ban tam bảo. Nghìn bông hoa gạo là một mâm xôi gấc khổng lồ dâng lên đức phật từ bi.
                  Cuối tháng ba, cây gạo trút hết cơn mưa hoa đỏ rực để bước sang hè. Ngày cô tôi lấy chồng cũng vào độ tháng ba. Cô tôi mặc áo phin nõn, quần sa tanh đen, đội nón lá quai hồng, ôm bó lay ơn trắng muốt đi cạnh chú rể mặt non choẹt, miệng cười bẽn lẽn.

                  Đoàn rước dâu qua cầu ông Kinh, tôi thấy cô tôi khóc, nước mắt lã chã tuôn rơi ướt đầm vạt áo. Lúc đó tôi nghĩ tới cây gạo bên cầu ông Kinh đang trút cơn mưa hoa đỏ rực, mỗi giọt nước mắt là một bông hoa. Ai nhìn thấu duyên phận rồi sẽ ra sao. Đàn bà mười hai bến nước, biết bến nào trong đục. Như bông hoa gạo đỏ rụng xuống dòng sông làng.

                  Cạnh gốc gạo mỗi trưa hè, có một ông già bán kem. Hộp kem làm bằng gỗ có nắp đậy là cái chăn chiên gấp vuông vắn. Hộp kem được chằng buộc dây co trên gác ba ga một chiếc xe đạp Thống Nhất cũ đến nỗi bong tróc cả sơn nên chẳng biết nước sơn màu gì. Chiếc xe đạp còn lắp cả biển số, hẳn là nó đã cùng chủ nhân đi qua cả thời bao cấp đói khổ.

                  Ông già ấy mặc một cái áo bộ đội đã sờn bạc, đầu đội mũ cối, một tay cầm cái kèn tự chế bằng kẽm bóp kêu “búp be, búp be” như mời gọi, còn tay kia luôn sẵn sàng cái nắp đậy chăn chiên để mở ra thế giới của những que kem ngọt ngào, mát lịm. Những que kem làm bằng bột nếp trắng muốt, dẻo quẹo được phủ bởi mấy sợi dừa nõn nà, béo ngậy.

                  Đưa que kem lên mũi hít một cái rồi ăn thật nhanh để kem khỏi tan chảy, nhưng lại mong kem thật lâu hết để bõ cơn thèm. Nhưng bao giờ kem cũng mất mà cơn thèm còn chưa kịp hết, khói vẫn còn vương trên que. Có lần, tôi thèm ăn kem quá mà trong túi không có một xu nào. Tôi liều lĩnh đem đôi dép tổ ong mẹ tôi mới mua ra đưa cho ông già để đổi kem.

                  Tôi khẩn khoản: “Ông ơi, ông đổi cho cháu một que kem có được không ạ?”. Ông già trìu mến nhìn đôi dép mới trên tay tôi rồi nhìn xuống chân trần lấm lem của tôi rồi cười hiền từ nói: “Cháu cứ xỏ dép vào đi. Ông sẽ bán chịu cho cháu que kem này. Lúc nào có tiền trả ông cũng được”. Tôi cầm lấy que kem và ăn trong niềm vui sướng vô hạn. Có lẽ đó là que kem ngon nhất trong đời tôi, chẳng bao giờ tôi còn thấy có que kem thứ hai ngon như thế nữa.
                  Sau những tuần chay, vào giờ ra chơi sư thầy trụ trì chùa làng thường đưa qua rào sang trường cho lũ trẻ chúng tôi chút lộc phật, khi thì quả ổi, quả táo, lúc phẩm oản, nắm xôi. Thầy xoa đầu một đứa rồi nở một nụ minh triết: “Các con ăn lấy thảo để học giỏi nhé”.

                  Tự nhiên tôi thấy ân hận vì mấy lần cùng thằng Việt, thằng Hưởng đi câu trộm cá rô trong ao và hái trộm ổi bo trong vườn của nhà chùa. Nhưng đến cuối tuần được nghỉ học, hai thằng nó cầm cần câu và ống bơ giun thập thò ngoài ngõ rủ: “Ê, ê, Tuấn, đi thôi…” thì nỗi ân hận ấy chỉ thoảng qua như gió rồi tan đi nhanh chóng như mây. Bà tôi dặn là:
                  “Của bụt mất một, đền mười
                  Bụt hãy còn cười, bụt chả lấy cho”
                  nên không được lấy trộm cái gì của nhà chùa đâu đấy.
                  Có lẽ sư thầy cũng biết chúng tôi lấy trộm nhưng không trách mắng bao giờ. Để bây giờ nỗi ân hận ấy với sư thầy, với bà nội trong tôi còn mãi. Chiều đông. Hoa cải vàng như nắng. Cầu ông Kinh duỗi chân ngắm. Bờ cát trắng xổ dải yếm nằm trễ nải mặc kệ mưa phùn vày vò. Gió xao xác đuổi nhau trên mặt sông vắng. Tam quan cong vút như giọng chèo. Cây gạo trầm tư lắng nghe.

                  Bỗng tiếng người hét to thảng thốt xé tan yên lặng: “Có người nhảy cầu ông Kinh tự tử kìa”. Lũ trẻ chúng tôi trong sân trường chạy ùa ra xem. Người ta vừa lôi lên một nam thanh niên. Họ đang dốc ngược người này lên mà chạy dọc triền sông rồi đặt xuống bờ cát đẩy lồng ngực cho nước trong bụng trào ra. Anh này ho mạnh một cái rồi phun nước ra cả mũi miệng.

                  Mọi người reo lên: “Sống rồi”. Có tiếng một ai nói: “Làm sao mà phải chết, phí đời trai đi. Con Đào nó phụ bạc thì lấy con Lan, con Huệ, con Nhài. Làng này thiếu gì gái đảm, gái ngoan. Mà không lấy gái làng này thì làng khác chứ”. Tiếng ai đó chen vào: “Đúng rồi đấy, hèn nhát, yếu đuối quá, các ông, các bà nhỉ!”. “Phải đấy!” – đám đông ồn ào hưởng ứng. “Cũng may dân vạn chài làng mình không kiêng cứu người chết đuối, không thì toi mạng rồi con ạ” – một bà xoe xóe góp lời.
                  Sau này, khi gặp những buồn bã, đau khổ trong cõi người, tôi luôn tin rằng cuộc đời này còn nhiều thương mến, tốt đẹp để mà sống tiếp, bước tiếp. Sầu não, bi lụy đến thế nào cũng không thể làm tôi gục ngã, đầu hàng dù tưởng rằng mình có thể chết đi được. Bởi không có đau khổ thì làm sao mà cảm nhận được hạnh phúc.

                  Cây gạo đã chặt đi, ngôi chùa đã được trùng tu, trường học đã di dời, cầu ông Kinh đã xây kiểu mới và ông già bán kem đã thành hồn muôn năm cũ. Chỉ sót lại tên cầu còn tất cả đã thuộc về quá khứ. Bây giờ về quê, tôi không dám bước chân qua cầu ông Kinh bởi kỉ niệm tuổi thơ đã bỏ lại phía sau lưng. Tôi tìm gì nữa phía bên kia chiếc cầu hiện tại. Muốn làm một con chim chào mào đuôi son, bụng bạc bay về ngày xưa đậu trên cây gạo tháng ba, chuyền sang tam quan ngày rằm rồi sà xuống cầu ông Kinh vào một sớm mai đi học. Hót một lần thôi rồi lại bay đi, bay đi…

                  Cầu duyên

                    Nắng làm mềm tóc mây thanh nữ khiến cho nhớ thương chi lạ, nắng làm má các O thêm thắm sắc hồng và nắng vừa đủ rạng rỡ cho khách thập phương dập dìu du xuân. Duyên như ưu ái cho riêng tôi, một người con từ phương xa trở về xứ Huế. Cầu duyên.

                                Tôi và em lại đủ duyên gặp lại. Giữa tôi và em luôn gắn chữ duyên với nhau bởi tâm linh, cách đây 5 năm em đưa tôi lên thăm lăng Từ Đức. Trong khuôn viên trầm tịch nguy nga cung điện, nơi lầu son gác tía, tôi thấy bóng em bóng tôi trong tiền kiếp hiện về. Ẩn đâu đây một chữ duyên.

                    Em. Như nàng hậu hoàng chánh cung lục thất, san sẻ tình yêu trong quy tắc cổ xưa, thời mà đời người đàn bà cổ, luôn phải san sẻ yêu thương của đời mình cho những người đàn bà khác. Và họ luôn phải chấp nhận trong mặc định, rồi hi vọng bùa yêu của mình định đoạt, để được quân vương sùng ái trong sự tranh giành đố kỵ. Nhưng có mấy hồng nhan nào giữ được sự sùng ái dài lâu.

                    “Ầu ơ ngỏng cải về trời.”
                    Mời mua ai bán bùa yêu rã rời.

                    Tôi biết em là người đàn bà yêu chồng, yêu đến độ em từ bỏ tất cả để theo chồng về Việt Nam . Yêu đến độ hờn ghen si hận, yêu đến độ ôm chữ tình sầu thẳm trong ánh mắt buồn vời vợi, để rồi ngày đêm em muốn sở hữu, vị kỷ khiến hóa hôn nhân rạn nứt, biến yêu thương ngọt ngào thành ngột ngạt trong nấm mồ của hôn nhân. Em nào biết ghen tuông là thủ phạm hủy diệt xúc cảm con người.

                               Một năm sau gặp lại, tôi và em 12 giờ trưa hành thiền, cùng nhau leo lên điện thờ Phật đứng, trên ngọn đồi cao hùng vĩ bậc nhất thơ mộng của xứ Huế. Hai chúng tôi như giời đầy trả nghiệp, lặng lẽ niệm Phật trì Chú giữa cái nóng mùa hè 42 độ của tháng 7.

                    Trong tâm khảm chúng tôi đều muốn được quỳ lạy dưới chân Đức mẹ Quan Âm, xin ân điển của mẹ ban xuống, bố thí cho người phàm, sức mạnh của Từ – Bi – Hỉ – Xả. Xin cho đủ duyên mà ngộ, cho xa rời những bám chấp hờn ghen, yêu hận thường tình lẽ đời. Con người chúng ta, luôn vướng mắc trong lẽ đời, vì thế mà tôi cùng em hành thiền như trợ duyên, tôi nguyện cho em đắc cầu may duyên. Và tôi chỉ biết rằng, khi con người nợ duyên nghiệp tiền kiếp, thì đọa đày tâm can lắm lắm.

                               Lặng thầm cầu nguyện cho nhân sinh tìm được nhau, giữ được nhau, nâng niu nhau, cho hoa thắm sắc, cho cây lộc đâm chồi, cho vẻ đẹp của người đàn bà trong chúng tôi được thanh khiết yêu kiều mà đừng nhuộm u uất, tả tơi vì thương yêu không đúng cách.

                    Năm ni gặp lại, trong tiết xuân ấm áp, tràn đầy hi vọng mà tôi lại thấy tâm thái em buồn hanh hao cõi lòng. Ánh mắt em vẫn vậy, vẫn sâu thẳm thẳm đến cảm giác trống rỗng cô đơn.

                               Giữa trưa sau giờ ăn, hai chị em dong ruổi rủ nhau đi lễ cầu may đầu năm. Em bảo chị không sợ đen da, thì mình tự đi xe máy cho khỏi phiền chú lái xe của gia đình, nay em đưa chị đi lễ Điện Hòn Chén.

                    Trong mắt tôi một vùng non nước sơn thủy hữu tình đến kỳ ảo, Điện Hòn Chén dần dần rõ tỏ. Người ta nói điện Hòn Chén linh thiêng và là điện thờ gắn với rất nhiều giai thoại.
                    Theo truyền thuyết trước đây Điện Hòn Chén có tên gọi là Hoàn Chén với ý nghĩa đó là (trả lại chén ngọc) lý do có cái tên đó, là vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua.

                                Mặc dù được biết đến với rất nhiều tên gọi khác,theo truyền tụng của những người dân quanh xung, nhưng đến nay dân gian vẫn quen gọi là điện Hòn Chén hoặc điện Hoàn Chén.

                    Trong phút giây lặng dịu, dường như tôi lạc vào chốn mây trời khác, tôi quên cả thế giới trong tiếng khua nước trong câu hò Vĩ Dặm xa xa vọng lại, rũ bỏ bụi trần để yên lòng trong chốn không gian linh thiêng trầm mặc nơi đây.

                                Giọng nam trung, nói theo cách Huế dễ thương đến lạ, người chở đò giải thích thêm cho chúng tôi rằng điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần PoNagar của người Chăm.

                    Theo truyền thuyết, nữ thần là con của Ngọc Hoàng được sai xuống trần gian, bà có công tạo ra trái đất, cây cỏ và lúa gạo,mang sự trù phú phồn thịnh cho nhân sinh khắp vùng.

                                Tôi và em tiến vào chính điện. Không hiểu vì lẽ đủ duyên, nên khi chúng tôi tiến vào như bao khách thập phương khác,thì có một anh mặc quân phục bộ đội, đón tiếp rất niềm nở và hòa ái.

                    Tôi đoán anh là người trong ban quản lý của điện thờ, khuôn mặt ngũ quan anh cân đối, sắc thái tỏa ra một năng lượng thiện lành rất ấn tượng, năng lượng từ anh phát ra, khiến cho người lữ khách phương xa tôi phải lưu tâm, vì anh có nụ cười bằng mắt rất an yên, bởi chỉ có sự an yên mới ảnh hưởng đến tâm tướng của con người thông qua giao cảm với cõi tâm linh thuần thực bằng cả một trời tuệ giác rất công phu .

                    Anh cúi chào rồi nói bằng giọng Huế ấm áp, hai O lễ Mẫu cầu may nạ.
                    Em bảo: chị lễ Phật đi, rồi vào ban Mẫu xin lộc rút quẻ thẻ đầu năm.

                                 Từ lâu tôi không có thói quen rút thăm quẻ, tôi chỉ đến chùa chiêm bái và chỉ thích đến chùa khi thanh vắng nhất. Tôi thích được ngồi thiền mặc niệm trong mùi hương thanh tịnh của nhang và cả trong những vòng khói ám đượm sầu bi của hồng trần loang mỏng, mờ dần tan vào không gian như thể tiêu tan những sân, si, tham của cõi tạm.

                    Tiếng chuông gióng lên như tiếng vọng của tâm thức tìm về, chính bản ngã trong mỗi chúng ta đều bị lạc đi trước những mưu cầu của cuộc sống. Tôi và em đi vào ban thờ Mẫu, em cùng tôi khấn nguyện, tôi là con tử phử nên đi đâu bất cứ ban Mẫu nào khi khấn nguyện tôi đều có cảm giác như ai đó đang lắc đầu của tôi xoay ngược chiều kim đồng hồ như một gia trì, như một đặc ân của thánh Mẫu ban cho riêng tôi.

                                 Xong việc tôi ra đứng cạnh cánh cửa chánh điện, chờ em khấn vái, tôi quan sát em lắc chiếc ống que nan trên tay mà hồi hộp theo nét mặt của em,người ta bảo tâm như nào hiển thị ngay trên khuôn mặt và sắc thái như vậy.

                    Dường như cả mọi sự chờ đợi dồn nén bung vào chiếc que nan rớt xuống số 68. Anh mặc quân phục đưa cho em tôi mảnh giấy, với nét mặt rất cảm thương chia sẻ, ảnh nói, khổng được đẹp mô, ẻm vô ban Mẫu thành tâm cầu xin Mẫu lại lần nữa.

                              Em tôi lặng trước ban Mẫu linh thiêng thành tâm cầu khẩn xin cho duyên mình được nối lại như xưa. Ở ngoài ni tôi như thót dạ theo những cung bậc cảm xúc cùng em,ôi cung những cung bậc của đàn bà sâu sắc đến mấy cũng chỉ như cơi đựng trầu,thương lắm đàn bà ơi.

                    Em trở ra với que thăm số 27 trên tay, anh ban quản lý điện vẫn kiên nhẫn đứng bên trái đưa giấy số thẻ thăm và với anh công việc này như một thói quen quá đỗi thường nhật. Tôi nghĩ rằng, quen tới mức anh thuộc lòng tất cả các phúc họa, may rủi của các quẻ thăm.

                                  Ảnh nói : răng chừ cũng rứa, đừng nên mở thăm ni nữa O nạ và đánh mắt cứu viện sang phía tôi lắc đầu ra dấu. Tôi bảo em, thôi phá tan ba lần vào đây chị xin Mẫu cùng cho và tôi nói vọng ra, xin anh đánh giúp em miếng chuông để em thỉnh Mẫu hỉ. Xin Mẫu gia ân cho con cái của Mẫu đi tươi về tốt. Thôi O cũng chẳng lấy quẻ ni nữa mần chi, quẻ 34 nữa cũng rứa thôi.

                    Anh nói, không cần đặt thêm tiền lễ chi nữa hỉ, hai chị về binh an, mạnh khỏe nạ. Tôi đặt thêm tiền lễ và cúi đầu thầm cảm ơn anh. Tôi im lặng ngẫm quẻ thẻ đâu tiên đã đọc vội rồi trả lại cho anh quản lý điện.

                    “Mây sầu lấp loáng chân trời,
                    Ðêm vui đổi lấy một đời khổ đau”
                    “Thôi từ đây, với phím đàn.
                    Ngàn thu thôi hết mơ màng cố nhân”

                    Tri âm tri kỷ như tiếng đàn Ba Nha bị đứt dây đàn sầu thương. Đời chính là sự hợp giả và sự lầm tưởng. Tưởng là đời còn dài, nên lãng phí thời gian. Tưởng là tình còn, nên yêu thương không đúng cách.

                                 Tôi bảo em: vợ chồng sống với nhau sau năm năm là phải yêu bằng cách khác và trên mười năm càng phải yêu dung thứ hơn. Mười năm it nhiều cái tình nó rơi vãi vơi đi vì nhiều nhẽ: cơm; áo; gạo; tiền; thì dùng nghĩa mà gắn kết vào đời nhau, càng lớn tuổi vợ chồng nên coi nhau như bạn chẳng vì thế người ta hay dùng từ (bạn đời ) mà không dùng từ (bạn tình).

                    Tôi bảo: em ơi, đàn bà phải biết thương lấy mình, mà thương mình thì đến lúc nào đó, tình yêu trong hôn nhân cũng phải khác. Thì em ơi hãy hiểu người đàn ông của mình nhiều hơn là yêu họ ,làm được điều đó an nhiên sẽ quay về. Sao em không chịu hiểu, quy luật tất yếu trong vũ trụ, chẳng có gì mất đi mà chỉ chuyển động, từ dạng này sang dạng khác.

                    Tình yêu cũng vô thường em nhé.
                    Xin an yên xoa dịu nhưng lầm tưởng.
                    Xin cho yêu thương đúng cách yêu thuơng.
                    Xin cho an yên về trong tiết xuân tràn đầy hi vọng.

                                          Đò đưa đẩy khua lái lướt nhẹ, tiếng nước vỗ vào mạn thuyền, dềnh dềnh như thủy triều rút nước lặng yên mà tôi lại thấy trong em sóng ngầm gầm cuộn. Đò đi cứ xa dần không gian tĩnh mịch, phía sau lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, mặt hướng ra sông Hương, vẻ đẹp kỳ bí linh thiêng mờ dần mờ dần, ẩn mình dưới những tàng cây cao như tách biệt với lao xao của cõi tạm. Cầu duyên!

                    Đường cùng cũng là khởi thủy

                    Bao giờ cho đến tháng ba

                      “Bao giờ cho đến tháng ba
                      Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn“

                      Tháng Ba, mùa hoa gạo, con đường giữa cánh đồng làng như được thắp sáng lên bởi ngọn đèn đỏ khổng lồ. Những đám hoa bừng lên như những đốm lửa gọi những ai đang bộn bề lo toan nơi phố thị trở về nơi yên ả thanh bình giữa sắc màu phơi phới của lúa tháng Ba đương thì con gái, của hương sắc trời xuân đang chuẩn bị bước sang mùa hạ.

                                Tôi tìm về tháng Ba, tìm về cây gạo già nua ở đầu làng để trở về những kỉ niệm ấu thơ một thời đẹp đẽ. Cây gạo có từ lâu lắm, từ khi tôi vẫn còn bé xíu lon ton theo chân mẹ ra đồng thăm lúa, đã thấy nó thắp đỏ cả một khoảng ruộng nhà tôi gần đó.

                      Tôi thích nhặt những bông gạo to bằng nắm tay mẹ, cánh dày dặn, đỏ thắm giống như những chiếc đèn hoa sen rụng đầy quanh gốc, ngồi chơi với đám hoa gạo cho mẹ nhổ cỏ lúa đến khi chiều muộn cũng chẳng biết chán. Lớn hơn một chút, khi biết đi xe đạp học sang cấp 2, cứ đến mùa gạo, tôi cùng lũ bạn trốn nhà để dắt nhau đi nhặt hoa.

                                  Có bận chất đầy hoa gạo vào cái giỏ xe về đến nhà, lại nhớ ra đã để quên cả cuốn tập dưới gốc gạo, vội vã đạp xe đi tìm, về đã thấy bố cầm cái roi tre đứng đợi ở cổng. Khi hoa gạo tàn thì quả gạo xuất hiện. Quả gạo chỉ nhỏ bằng quả bóng bàn nhưng bên trong nó là một lớp bông mịn. Mẹ bảo bông ấy có thể dùng làm ruột gối rất mềm và êm. Nhưng có lẽ chẳng có nhiều quả gạo như thế để làm ruột gối bởi cũng không thể kiếm đủ được khi cả làng chỉ có vài cây gạo như vậy.

                      Người ta còn gọi hoa gạo bằng cái tên mĩ miều “hoa mộc miên”. Tôi thích gọi nó là hoa gạo vì đơn giản nó gợi cho tôi sự mộc mạc của một loài hoa gắn với quê nhà. Nó là loài hoa của những vui buồn, những vất vả nhọc nhằn mà ở đó có những hi sinh, vất vả lặng thầm của mẹ cha, của ông bà, của biết bao lớp người đi trước.

                                  Màu đỏ của hoa gạo nằm giữa sắc xanh của lúa mới yên bình mà khiến lòng người cảm thấy thật sự thanh thản. Ta như thấy ở đó sự đợi chờ của mẹ mỗi bận trở về quê hương. Khi đoạn đường vẫn còn khá xa đã nhìn thấy màu đỏ của hoa gạo lại tưởng như quê nhà đợi đón ta trở lại. Và người con nào xa quê cũng nhớ về cây gạo như một kỉ niệm ấu thơ với đầy đủ những sắc màu trong sáng in sâu nơi kí ức.

                      Bây giờ, cây gạo không còn nhiều nữa. Một số vùng đồi núi cây còn được mọc dại nhưng ở khu vực đồng bằng, khi phố xá chen chúc vào cuộc sống yên bình của làng quê, tìm thấy một bóng cây gạo là một điều khó khăn. Lâu lâu, trên những chặng hành trình, thoảng lại nhìn thấy bóng dáng một cây gạo già cháy đỏ màu hoa, lòng bỗng thấy gần gũi như đang đi giữa quê nhà một thủa xa xôi lắm.

                                 Tôi yêu sắc màu của hoa gạo, yêu hương sắc làng quê những ngày phơi phới sắc xuân, yêu tiếng bầy sáo ríu rít trên những cành gạo đỏ rực như đốm lửa, yêu dáng mẹ còng lưng trên thửa ruộng nhổ những đám cỏ dại, yêu cả dòng sông bên lở bên bồi soi bóng cây gạo già đầu làng. Tất cả những thứ ấy, nằm sâu trong tim tôi giống như bản tình ca dịu ngọt để mỗi khi mềm yếu ta lại tự ru mình trở lại chốn quê. Bao giờ cho đến tháng ba…

                      Hình ảnh: Tô Mạnh

                      Một thoáng chiều quê