31 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Dưới tán cây lộc vừng

Bố nói tôi di chuyển bàn ở...

Tam Kỳ vàng nắng vàng hoa

Bây giờ đã là cuối mùa xuân,...

Trở lại Ayun Pa

C on người ta thật kì lạ,...
Trang chủ Blog Trang 43

Nơi ô cửa xanh nhìn ra

    Ảnh: Tuấn Nguyễn

    Những tia nắng đầu tiên của ngày mới trải rộng một góc trời. Lòng lại rộn lên nhiều nỗi nhớ. Tôi nhớ về căn nhà cũ thủa thiếu thời nằm thơ mộng bên cạnh dòng sông xanh thẳm, lọt thỏm trong vườn cây xào xạc lá.

                            Phía trước có khoảng sân rộng mênh mông. Ngôi nhà cấp bốn ấm áp mái ngói mầu cam nhuộm rêu phong, bức tường vôi loang nổ, nền đất năm tháng lồi lõm vảy rồng. Và nhiều ô cửa nhìn ra thế giới khu vườn.

    Ô cửa hình chữ nhật có những chắn song bằng gỗ mộc mạc, chiếc giường kê ngay ngắn cạnh bên. Mỗi sớm mai thức dậy, luồng ánh sáng chiếu qua như tiếng chuông báo thức khởi động một ngày mới bắt đầu.

              Đưa bàn tay nhỏ bé khẽ đẩy cánh cửa khu vườn mở ra trong sáng, một làn gió thổi vào tươi mát. Vườn quê chỉ có vài ba gốc mít, xoài, ổi, chuối… và một bóng cây hồng xiêm xòe rộng che kín khoảng sân đủ để đám trẻ ngồi dưới đó bầy biện chơi đồ hàng hay chốn tìm những trưa hè chốn ngủ.

    Ảnh: Tuấn Bùi

    Khung cửa đó dẫn lối ra bên ngoài len lỏi nhiều niềm vui xôn xao vào căn nhà. Từ ô cửa xanh thế giới thiên nhiên ngày đêm rì rầm, muôn vàn câu chuyện cổ tích kỳ thú trong trí tưởng tượng của trẻ nhỏ có thể được nghĩ ra.

                            Đó là trong màn đêm, hôm mặt trăng bị che khuất bầu trời với muôn vàn ngôi sao lấp lánh, dải ngân hà mầu trắng bạc vắt ngang trời , ông thần nông, chiếc gầu sòng, đôi vịt, sao hôm, sao mai … Lũ trẻ nằm đó mường tượng rồi thiếp vào giấc ngủ.

    Ngày mưa từ ô cửa nhìn ra khu vườn mưa mềm mại, êm đềm xanh mướt, ngay cả hình ảnh con côn trùng nép sau thân cây cũng lặng im đầy thi vị. Đâu đó như nghe rõ, nhìn rõ sự sống đang nảy mầm của loài nấm hiện hình trên thân cây mục rỗng.

              Lũ trẻ như đàn gà con chui trong cánh mẹ, nằm lắng nghe tiếng mưa rơi lộp bộp, rì rầm trên phiến lá, nghe thoang thoảng mùi hơi đất xộc lên từ khu vườn thương mến.

    Tiếng côn trùng đồng thanh cất bản hòa âm buồn da diết. Khi đó cửa sổ đóng lại im im phăng phắc. Khung cửa sổ lúc này bé nhỏ vô cùng giữa vũ trụ bao la, nhưng kín đáo vững chắc để bảo bọc, bảo vệ tâm hồn trẻ thơ trong mưa, trong tiếng sấm ì ùng đang gào thét trên nền trời.

                             Tỉnh giấc trưa, cơn mưa vừa ngớt, bên ô cửa đứa trẻ thích nhất được thò chân ra ngoài chắn song đong đưa, lấy tay hứng từng giọt mưa mát lành rơi xuống từ mái hiên đùa nghịch.

    Bình yên tựa vào song cửa, tì gương mặt lên tay, dịu dàng trong lòng một màu xanh ngút mắt. Đó là màu xanh của khu vườn mới mưa xong, còn ướt đẫm hơi nước. Giọt nước long lanh trên cành lá theo gió đùa rơi thấm vào lòng đất, những vũng nước loang nổ, đàn gà dẫn nhau lang thang nhặt tìm mối.

              Mấy chú chuồn chuồn kim nhỏ bé đủ màu soi mình trong giọt nước trong veo…Tuổi thơ với ô cửa, mưa và khu vườn xôn xao đến vô cùng vô tận.. Khi đã trưởng thành nghĩ về những điều đó đứa trẻ hôm nào chỉ muốn được bé trở lại để được sống bình yên bên trong ngôi nhà cũ ấm áp được trở che.

    Ngôi nhà là một trật tự nho nhỏ của một gia đình, những phép tắc ràng buộc để cây non vươn mình đứng thẳng. Ngoài khu vườn kia là thế giới bát ngát nắng gió, bao la chim chóc cây cỏ… Những câu chuyện thú vị không bao giờ kể hết đối với tuổi thơ. Để từ đó ô cửa sổ đóng khung thành một bức tranh xanh trong suốt .

                            Cái màu xanh đó, xanh đến khôn cùng, dẫn đến những chân trời mơ mộng tít xa, ở đó trẻ con thấy mình tan đi không dấu vết, nhưng những suy nghĩ điềm nhiên tồn tại bảng lảng khắp không gian xanh trong, mịn màng như tơ nõn đó!

    Có lẽ, cho đến mãi khi tới tuổi già đứa trẻ hôm nào vẫn không thể trả lời được. Những ô cửa vuông vắn mở ra tại sao xanh hoài, tồn tại, như neo đậu một thơ ấu dịu dàng trong dòng chảy lau lách vượt thời gian.

    Ôi! Ô cửa xanh thủa thiếu thời
    Vẫn còn đó trong trí nhớ phôi phai
    Qua thời gian vẫn vời vợi hằng nguyên trong ký ức
    Một hôm chạm vào xao xác giấc trưa…

    Dổi chua thổn thức hương rừng

      Tôi đang đi giữa những ngày cuối tháng năm rực rỡ và sôi động. Phố phường oằn mình ngụp lặn trong cái nắng oi bức, chói chang và gay gắt của mùa hạ. Nắng trườn lên phố sớm nhanh chóng xua đi chút mát lành hiếm hoi còn sót lại của đêm qua.

                               Nắng sớm cuốn tôi vào dòng người tấp nập lại qua trên đường phố. Tôi bỗng ngẩn ngơ khi bên vỉa hè xuất hiện những dúm dổi chua vàng suộm trên cái mẹt hoa quả của chị bán hàng rong. Lòng chợt bâng khuâng nhớ về một thời tuổi thơ xa lắc, nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào lãng mạn, trong vắt và cuồng say của những đứa trẻ lớn lên nơi miền sơn cước xứ Thanh.

      Hương vị nồng nàn, dịu mát ùa về trong tôi thân quen, ngây ngất đến nao lòng. Cái vị chua chua, ngòn ngọt, dôn dốt, dìu dịu thấm sâu vào đầu lưỡi khiến một người đàn bà xa quê như tôi bỗng thấy lòng mình chùng xuống.

                Tôi trở về tuổi thơ với muôn ngàn hình ảnh, và cung bậc cảm xúc khác nhau… Vẫn còn đó hình ảnh những cô bé lên tám lên mười gầy gò, tóc tết đuôi sam hoặc buộc túm lên như cái đuôi ngựa vắt vẻo. Những cậu bé đen nhẻm, mái tóc vàng hoe như những sợi râu bắp bánh tẻ bết trên vầng trán đẫm mồ hôi.

      Cả buổi trưa hè chúng không ngủ, đầu trần, chân đất cử thế rủ nhau trốn cha mẹ lang thang dọc những con đường mòn trên triền đồi hay dưới chân núi. Một cây, hai cây, năm cây… chúng cứ thế lựa cây nào sai quả nhất, những chùm quả đã ngả sang màu vàng nâu căng mọng thì xúm vào quây quanh dưới gốc.

                               Con nhóc lên mười vén mấy sợi tóc mai còn bết trên đôi má đỏ hồng vì nắng, kéo hai vạt áo phía trước buộc túm lại với nhau rồi thoăn thoắt leo lên cây chẳng kém gì mấy thằng con trai. Nó liều mình trèo ra những cành xa khẳng khiu khéo léo vít hái những chùm quả căng mọng quẳng xuống cho lũ bạn đang ngửa cổ hau háu nhìn lên , trong tay là những túm muối ớt đầy cám dỗ.

      Vẫn còn đó hình ảnh cô bé tuổi mười sáu trăng tròn e ấp trong tà áo khóm bẽn lẽn nói lời cảm ơn khi được cậu bé mặt đỏ bừng, trán lấm tấm mồ hôi giúi vào tay mình một chùm dổi căng mọng rồi vội vàng chạy khuất sâu vào ngõ nhỏ. Rồi không biết vì cái vị chua thanh mát dịu dàng kia hay vì ánh mắt ngượng ngùng của cậu bé đã làm cho cô nôn nao chờ đợi và đau đáu một nỗi niềm thương nhớ.

                Vẫn còn đó những cô bé tuổi lên năm lên bảy, đôi mắt trong veo như con nước đầu nguồn cứ chiều chiều khi nghe tiếng mõ trâu lóc cóc từ xa vọng về liền chạy ra cổng để hóng bà, hóng mẹ. Đôi mắt đó ánh lên niềm hạnh phúc hân hoan, khuôn mặt nở nụ cười rạng rỡ khi mẹ lấy từ dón ra những chùm quả căng mọng còn dính nhựa cây, chúng xòe tay đón lấy rồi chia nhau những dúm quả bé xinh trong niềm háo hức.

      Năm tháng lặng lẽ trôi, thời gian vô tình cuốn tôi vào vòng xoay bất tận của cuộc sống. Tôi xa rừng. Loài quả mà tôi yêu thương được người ta biết đến với những cái tên gọi mĩ miều: quất hồng bì, hoàng bi tử, hoàng đạn tử, kim đạn tử… nhưng trong lòng tôi nó mãi mang một cái tên thân thương mộc mạc: cây dổi.

                               Nó mộc mạc như chính bản thân nó, mộc mạc như vùng đất mà nó đã nẩy mầm và lớn lên. Người ta ăn rồi vứt hạt ở đâu thì cây sẽ mọc lên ở đó, bất kể là đất vườn, đất đồi hay trên sườn núi cheo leo, chỉ cần có đất cho hạt nẩy mầm rồi nó sẽ lớn lên bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết của nắng mưa bão bùng. Cây dổi cứ âm thầm lớn lên, màu xanh của nó trở nên khiêm nhường giữa cái màu xanh bất tận ngút mắt của muôn ngàn cây lá.

      Hoa dổi trổ vào tháng hai ta. Những chùm hoa trắng ngà hay vàng nhạt nhỏ xíu cứ e ấp lấp ló sau vòm lá màu xanh thẫm giản dị và dịu dàng, không phô sắc cũng chẳng khoe hương nên nó cũng chẳng khiến ai phải bận lòng chú ý. Quả dồi kết thành từng chùm lúc lỉu như những chùm quả sầu đâu chơi vơi nơi đầu cành.

      Người ta dường như lãng quên sự có mặt của những chùm quả ấy cho đến khi những chú ve sầu đem những sợi nắng hạ phủ lên nó một màu vàng tươi rói, đó là tín hiệu gọi mời những tín đồ của chua. Quả dổi chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng tươi rồi màu vàng sẫm là quả đã chín. Những trái dổi có hình bầu dục và khi chín mang màu bồ hóng bao giờ cũng được người hái lựa chọn trước vì đó là những quả dổi ít hạt, dày cùi và hương vị cũng ngọt ngào hơn.

                 Không biết có bao nhiêu người như tôi? sinh ra từ rừng, lớn lên cùng rừng nhưng khi trưởng thành lại là dâu thành phố. Tôi đã biết đến bao loại hoa thơm trái lạ với hương vị cao sang nhưng trong lòng không khi nào nguôi nỗi khắc khoải về một thứ quả rừng giản dị và khiêm nhường.

      Có lẽ cái vị chua chua, ngòn ngọt, dôn dốt đậm đà hương rừng ấy đã ăn sâu vào tiềm thức tôi để mỗi khi hè về cứ nhìn thấy thứ quả ấy theo gánh hàng rong dạo trên các lề phố là những năm tháng tuổi thơ lại trở về thổn thức trong tôi. Trái dổi chua ngọt ngào hoài niệm.

      Hương vị quê xưa

        Tôi luôn muốn tìm về, nơi có hương vị quê xưa, ấy là những lúc tôi mệt mỏi hay buồn phiền… Cũng có khi ngay cả những lúc tôi đang vui vẻ hay hạnh phúc. Vị quê xưa ấy luôn khiến tôi thấy được sự dễ chịu, thư thái trong tâm hồn, tôi như được tựa lòng mình vào nó để mà cảm nhận ấm áp, sự gần gũi. Cảm nhận cả những yêu thương của một thời …

                                Ngày đó, những ngày tuổi thơ của tôi chạy dài, những ngày vui bước sải với bạn bè cùng trang cùng lứa trên con đường làng quê thân thương quen thuộc, hay trên triền đê nơi có con sông Luộc chảy qua… Giấc mơ tôi cũng thật giản dị như bao đứa trẻ của làng quê ngày ấy, nơi mà tôi đã từng lớn lên…

        Nơi giấc mơ tôi thơm mùi rơm rạ, thơm mùi lúa mới, thơm cả những giọt nắng vàng, mênh mang…lang thang như mây, bồng bềnh phiêu du, dềnh gió ngây trời…Nơi giấc mơ được cõng trên cánh diều tuổi thơ mà vi vu, mà ngân nga… ngân nga hồn quê êm dịu…Hương của đêm, hương của cỏ triền đê, mùi của phù sa, mùi của hương cỏ mật ngọt ngào khẽ quyện lại rồi như hoà vào với ánh trăng thanh thấm đẫm cả không gian, gieo vào tâm hồn tôi một thứ vị rất riêng, vị quê…

                   Tôi không biết đối với người khác thì thế nào? Nhưng tôi tin bất kỳ ai đã từng sinh ra hay lớn lên ở những miền quê thì không thể nào quên được những mùi hương, hay vị quê của một thời đã nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng cả tuổi thơ của mình.

        Cho dù là ai, cho dù làm gì, cho dù ở đâu thì trái tim vẫn luôn hướng về quê hương, về nguồn cội, nơi dòng sữa mẹ nuôi ta khôn lớn, nơi dòng máu nóng luôn chảy về tim…

                                 Tôi thèm được trở về là một cậu bé con ngày nào khi bình minh tôi thức giấc với tiếng chim kêu ở vườn sau nhà, trước nhà, tiếng những chú gà con chiếp chiếp gọi mẹ chạy theo kiếm ăn…

        Quên làm sao được những buổi sớm mai thức dậy khi mà hương hoa cau ngát hương thơm dìu dịu, rồi cả những mùi hương bưởi nồng nàn dìu dặt đưa hương cùng với ánh ban mai tràn ngập ngoài ngõ, ngoài sân, nơi cả khu vườn rộng xanh ngát với những cây ăn quả cứ âm thầm toả hương theo từng mùa, từng tháng…

        Để tôi được hít hà thật sâu cái thứ hương quê ấy, dịu dàng thôi mà rất đỗi thân thương. Đi đâu bây giờ mới thấy được cái thứ hương quê đấy, khi ta sống ở một nơi như thành phố với những bộn bề lo toan, với những thứ xuôi ngược, ngược xuôi, bon chen, xô bồ ầm ĩ…

                             Tôi thèm được hít một hơi thật sâu…Muốn nghe được thấy cả tiếng đung đưa của những tàu lá cau, lá dừa cọ vào thân cây loà xoà mơ màng trong nắng, tới những cơn gió nhẹ nhàng thổi tới…

        Tôi thèm được thấy mùa đông về, thèm được thấy bà tôi gầy guộc khom người ngồi co ro bên bếp lửa, chẳng thể rời xa căn bếp ấm mùa đông nơi tro tàn trấu ủ, phảng phất làn khói cay nồng đượm hương vị quê tuổi thơ tôi. Tôi thèm được ăn lại những củ khoai tây nướng của bà vào mỗi sáng mùa đông lúc tôi chuẩn bị đến trường mà mùi khoai cứ hoài thơm phức.

                   Tôi thèm lại được nghe thấy mùi của gió bấc ngoài hiên ào ào thổi, lách mình qua khe liếp hẹp, cùng với đêm khẽ trườn nhẹ vào phòng để mà cảm nhận sự ấm áp yêu thương vỗ về của bà, của mẹ trong những ngày đông lạnh xưa qua.

        Tôi thèm được thấy bà tôi nhiều lần nữa, nơi mỏi chiều về hoang hoải triền đê, nơi mải mê đồng xa mà rã rời thân cò cõng nắng, nơi dáng bà tôi hoà mình bên từng gốc rạ, vấn vít nắng thơm, ngái nồng của rơm khi mưa về ngập nước.

                                Tôi lại thấy mình như đang đi lạc giữa thực, giữa hư, giữa chiêm bao để chạy vào cơn mơ mong muốn mình bé nhỏ để hong khô một tâm hồn, để cần lắm những trưa hè êm ả nơi miền quê xưa, để nghe được lời thì thào của từng cơn gió như mách bảo những đoá sen hồng nhạt kia nơi giữa hồ cũng đang lặng lẽ tỏa hương…

        Tôi lại nhớ mùi sắn của bà, tôi nhớ mùi của khoai, tôi nhớ cả hương lúa sữa còn vương nơi áo bà, áo mẹ…

                   Ơi dòng sông quê tôi luôn chở nặng vị phù sa, nơi mùi khói đồng đốt rơm làm cay cả mắt đàn cò cõng nắng, nơi quê tôi mặn mà tới cả từng hạt gạo bát cơm, nơi nhỏ những giọt mồ hôi trên đồng của bà, của mẹ.

        Quê hương ơi…Tôi còn nợ những buổi chiều đi mót khoai đồng xa mà luôn thấy được mùi nồng ngai ngái dâng lên của đất. Còn nợ những ngày theo ông ra đồng đi cày mà vương bùn bám gót vẫn còn tanh. Còn nợ cả vầng trăng non đang lên bên ngoài ô cửa nhỏ…Nợ nhiều lắm quê hương ơi..!

                                Quê hương ơi…Tôi còn nợ thêm cả những ngày bắt cào cào châu chấu, nợ những ngày nghễu nghện lưng trâu chơi trò chơi trận giả…Nợ cả những ngày rét về run run trong mắt khi giờ đây đã vắng mãi đi tiếng thân thương của bà…

        Hương vị quê xưa ấy đã in đậm trong ký ức, trong tâm hồn của tôi, những lúc mệt mỏi hay buồn phiền chính là lúc tôi muốn được tìm về…Như thể xoa dịu đi… như thể hong khô được một tâm hồn giống như cậu bé con ngày nào rất cần những trưa hè êm ả, cần tâm hồn bay bổng như cánh diều…để đôi khi ngay cả trong mơ cánh chuồn chuồn ấy vẫn bay lượn quanh mặt ao quê thuở nào…

                   Để tôi lại nghe được thấy mùi khói bếp của bà ngày nào còn vương vương nắng thơm nồng mùi rạ, tôi lại muốn mình được hít hà thứ rơm thơm cùng nắng đấy, rồi lại hít hà những món ăn dân dã mà ngon mãi của bà tôi.

        Vâng, chỉ có quê hương là cho tôi được yên bình, bởi chỉ có quê hương mới cho tôi được giản dị, mộc mạc mà rất đỗi thân quen. Bởi chỉ có quê hương mới cho tôi nhìn thấy được vầng trăng sáng nhất, nơi đêm khuya tôi lại nghe được tiếng côn trùng rỉ rả ca khúc hát quen thuộc từ ngàn năm…

        Đồng trên núi

          Tôi ngả vào một buổi chiều rơm rạ. Kí ức dậy thơm hương lúa mới ở một vùng ngan ngát bãi bờ. Mải mê theo sau chiếc xe cọc cạch đầy nhóc những lúa. Tôi đang đi theo mùa vui, theo kí ức, hay tôi đi theo một tôi ngày đã xa lăng lắc trong hương mùa nồng ấm.

          Ở xứ bazan nắng cũng đỏ như đất này, núi chất chồng lên núi. Dốc lên rồi dốc xuống chùng chình đung đưa theo nhịp chân của những bà những chị nặng trĩu gùi trên lưng. Nhưng chỉ cần vén mắt khỏi những nếp nhà mang vẻ hiện đại phố phường, là gặp ngay những thung sâu dập dờn cỏ lúa.
          Đôi khi, với trí tưởng tượng luôn ắp đầy, tôi mường tượng những con đường trải nhựa lấy những ngôi nhà làm bình phong để che chắn cho lớp lớp ruộng đồng khuất lấp phía sau nó. Ở đất này, hễ cứ chỗ nào có ruộng là có làng. Làng ở ngay trong lòng phố, và đồng ruộng ôm ấp nuôi dưỡng làng. Phố và làng, bê tông sắt thép và đồng ruộng cứ ấp ôm nhau đời đời như thế.

          Buổi chiều muộn ngoại ô, nắng vẫn vương lại như cố níu ngày. Chớm hạ, vòm trời sáng trong xanh, những con đường đất đỏ trải đầy rơm tươi, thoảng thơm hương lúa tươi mới. Bây giờ mùa đang hối hả, từ sáng sớm đến tận tối mịt, người người tấp nập, nhộn nhịp trên đồng.

          Những thửa ruộng lúa chín sớm đã gặt xong để lộ ra những ô đất bazan đỏ như màu son thắm, những thửa lúa đang vàng rộm chỉ chờ ngày thu hoạch, xen vào đó là những thửa bông lúa mới chỉ đỏ đuôi. Những gam màu quấn quýt nhau trông ấm áp như một vòng ôm ríu rít. Vài con sáo đồng thoăn thoắt những bước chân nhảy quanh những gốc rạ vừa gặt xong. Cảnh vật nhảy nhót reo vui tựa niềm vui theo những bước chân sáo.
          Mặt trời khuất sau dãy núi, bóng núi ngả dần xuống đồng. Từng mảng sẫm loang ra theo nhịp bước của mặt trời. Bao nhiêu năm, bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đời, bao nhiêu mùa vụ đã trôi qua, mặt trời vẫn điềm nhiên bước những bước nhanh chậm hoàn toàn tuỳ thuộc vào cảm nhận của lòng người.

          Và cánh đồng nằm dưới chân núi cũng đón nhận những bước thời gian trôi qua thật rõ ràng, minh triết qua mỗi mùa vụ. Đồng trên núi không gợi cho người ta cảm giác mênh mang cò bay thẳng cánh. Những cánh cò dường như cũng gượng nhẹ trong những lòng thung. Không mang vẻ kì vĩ đậm sắc màu hội hoạ như những thửa ruộng bậc thang nơi miền núi phía Bắc, năm bảy tầng ruộng cao thấp gối lên nhau trườn từ sườn núi xuống lòng thung sâu cũng đủ để tạo ra những nét chấm phá riêng biệt cho miền đất bazan này.

          Nhờ những thung sâu lọt thỏm giữa những núi đồi mà đời này qua đời khác, sự sống luôn được tiếp diễn nơi vời vợi non cao. Chiều ngoại ô thơm hương lúa mới, gió nhẹ đưa những đám mây hờ hững đậu trên những đỉnh núi trầm ngâm nhìn xuống cánh đồng. Trên bãi cỏ sát mép hồ phơi đầy rơm rạ, đám trẻ con tíu tít hò nhau chạy theo những cánh diều.
          Tôi thấy mình chơi vơi cùng gió, tôi thấy mình nhẹ bẫng cùng mây, tôi thấy mình trầm ngâm cùng núi, tôi thấy mình thảnh thơi cùng chiều. Bóng núi ngả dần, loang ra, âu yếm trùm lên những mảng đồng chiều đang ư ứ duềnh lên sắc màu của mùa màng no ấm.

          Tiễn xuân hoa sấu gọi hạ về

            Nàng Bân dỗi hờn tạm biệt mùa để nắng mưa cuối xuân nghiêng sang hạ có chút đỏng đảnh nửa e ấp dễ thương trong cái nắng nhạt mỏng mảnh buông nhẹ xuống hàng cây phố, nửa bứt rứt, bịn rịn, chùng chình phả cái lạnh ẩm ướt đọng thành từng giọt trên hàng lá xanh non.

                       Tháng Tư trôi nhẹ trong những sắc hương mùa hoa Hà Nội phố như một nhịp thời gian vừa được tấu lên khúc du dương của trắng tuyết hoa sưa bí ẩn, điệu da diết của trắng hồng hoa ban hoang dại, cung thứ dịu dàng của trắng xanh hoa loa kèn quý phái…

            Thấp thoáng đâu đó tháng Năm gọi hạ về trong từng vạt nắng hổ phách trong suốt đậu trên những mái ngói rêu phủ bàng bạc bụi thời gian cùng với màu đỏ biệt ly hoa phượng vĩ, màu tím hoài niệm hoa bằng lăng, và xào xạc lá sấu vàng rải thảm hè phố cho âm thầm hoa sấu tỏa hương len lỏi vào thương nhớ những trái tim yêu Hà Nội.

                                     Không như những mùa năm trước, phố Hà Nội mùa này thưa người xe khói bụi, một chút không khí man mác trầm lắng, hình như những thâm nghiêm cổ kính trong tĩnh lặng càng làm cho phố hiện rõ nét xưa thanh thoát nhẹ nhàng, mà ồn ào náo nhiệt đã phong kín bao lâu nay.

            Em Hà Nội áo lụa màu nắng, một chiếc khẩu trang lụa – mà tôi đùa là “lá chắn mềm mại” màu tơ nõn che ngang hết nửa khuôn mặt, chỉ lộ đôi mắt nâu thăm thẳm như chứa cả kinh thành Thăng Long huyền thoại đầy bí ẩn trong đó.

                      Phố vắng, em đưa tôi đi bằng xe gắn máy, mà theo em, là để có thể “lượn” qua hết các con đường có những hàng sấu cổ thụ đang mùa lá rụng và trổ hoa phủ trắng trên cao, tựa như từng dải ngân hà bồng bềnh mềm mại, tỏa hương thơm mát.Xe chạy qua những con phố như Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Trần Nguyên Hãn, Tràng Thi.. , hoa sấu đã vương ngọt các con đường.

                                   Tôi nói em dừng lại thật lâu trên đường Lý Thường Kiệt, ngay trước cổng Tòa án Hà Nội, lặng ngắm mấy cây sấu cổ thụ lá đang ngả nửa vàng nửa xanh, như đang trong một điệu múa nhịp nhàng theo ngọn gió đùa tít trên cao, để lộ ra những chùm hoa trắng li ti như từng mảnh bạch ngọc tuyệt đẹp gài khéo léo lúc ẩn lúc hiện.

            Một cảm giác xao xuyến bồi hồi khó tả, như gặp lại người bạn thời thơ ấu, như chút e ngại vì đã xa thật lâu, đã cất vào ngăn ký ức, nay rụt rè hé mở khẽ khàng…

                      Vâng, nơi này mấy nươi năm trước, khi tôi còn nhỏ xíu, thường được mẹ cho theo đến cơ quan, và khi mẹ làm việc, thì tôi thơ thẩn bên các gốc sấu cổ thụ, khi thì ôm cây trò chuyện như những người bạn, khi thì nhặt lá vàng gom vào một chỗ rồi xếp thành các bức tranh lá để chơi, có khi gặp một bạn gái cũng nhỏ xíu như tôi thì cùng lượm hoa rụng rồi lấy sợi cước xâu lại thành những dây hoa đội đầu, đeo cổ, đeo tay, chơi trò cô dâu chú rể, dắt tay nhau đi vòng quanh gốc sấu, khi về nhà cả người như ướp hương hoa mát thơm…

            Ừ, mà cô bạn gái nhỏ ngày xưa ấy giờ ở đâu?

            Một cơn gió vô tình, thổi chiếc lá lơ lửng bay đến bên cạnh tôi, giơ tay ra, chạm vào lá, lá khẽ khàng đậu trong lòng tay tôi. Một chấn động mơ hồ, kỷ niệm ngày thơ chợt ào đến, tôi cảm giác như chiếc lá đang trò chuyện với tôi, đang muốn hỏi tôi vì sao xa lâu thế, vì sao bao lần tôi ra Hà Nội mà quên nơi này, có phải tôi đã lãng quên những người bạn thuở xưa ấy…

                                    Cũng không biết ai là người đầu tiên mang cây sấu từ rừng đại ngàn xuôi về Kinh thành Thăng Long, để cây trở thành một phần lưu giữ ký ức mấy trăm năm Hà Nội phố thâm trầm cổ kính. Những hàng sấu cổ thụ vài trăm tuổi thân thẳng vươn cao, gốc xù xì cổ quái như ẩn giấu trong từng lồi lõm thăng trầm phố, lá sum xuê đan nhau như mái vòm xanh mát che chắn cho dịu đi những tia nắng lửa đổ xuống.

            Cuối xuân, những hàng sấu chuyển động âm thầm trong từng mạch ngầm thân cây, để lá đổi sắc vàng, chuẩn bị đợi các cơn gió ngang qua, cho một mùa thay lá mới.

                     Và khi nghe hơi gió mát lướt nhẹ khoảng không, là một khung cảnh tuyệt mỹ của phố Hà Nội như thơ như mộng, từng cơn mưa lá buông thả tự do, êm ái, mê mải, lần lượt đậu nhẹ hè phố, thoáng chốc làm nên thảm vàng cho xào xạc bước chân ai khe khẽ rón rén gót sen hồng.

            Rồi như một sự kỳ ảo huyền diệu, khi lá vàng gần như đã nhường hết chỗ cho đám lá xanh non, thì cùng lúc những chùm hoa li ti, màu trắng sữa, tròn nhỏ như hàng triệu hạt bạch ngọc xinh xắn run run líu ríu nấp sau cành lá, đồng loạt vươn mình trong làn gió đang vờn nhẹ như nụ hôn đánh thức mùa về. Người phố nhìn nhau thầm thì qua ánh mắt, hạ sắp về rồi đó.

                                     Có một thú vị không hề nhỏ, tôi và em dung dăng một quãng ngắn phố Phan Đình Phùng, chỉ một chút thôi. Phố vắng. Ừ chỉ mùa năm nay là vậy, bởi “cô nàng” mỹ miều hình vương miện mang cái tên quỷ quái Covid-19 đang ngạo nghễ tác quái toàn cầu, và lãng du ba miền đất Việt, mà mọi người chẳng ai muốn “dây” với “cô nàng” đanh đá này, nên “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nhà nào cũng cửa đóng then cài ý chừng không muốn cô ghé chơi.Phố vắng, tiếng ồn ào náo nhiệt phố như chìm ở đâu xa lắc, giống như đang được hưởng một không gian riêng, tôi và em Hà Nội không khoác tay vai kề vai má áp má, để thi thoảng có thể đối mặt nhìn nhau và hôn nhau thật nhanh như mọi lần dạo phố, mà cố dang tay thật rộng, rồi nắm ngón tay út, để cảm giác đang gần kề bên nhau.

                       Hương hoa sấu trên vòm cao tỏa xuống dịu nhẹ vướng vít, ôm trọn hai chúng tôi trong mơ màng phố với mùi thơm trong veo man mát, quay người lại ngắm em, đang khép hờ đôi mắt, hình như em đang muốn thu trọn hương hoa, để rồi mang về nhà, giữ lại cho đầy một mùa hoa sấu Hà Nội nhiều kỷ niệm khó phai.

            Một cơn gió ngọt như kem bỗng ngang qua trên khoảng không, một chút xôn xao vọng động, một chút xao xác vòm lá, một chút mơ hồ lay động những chùm hoa, và rồi cả tôi và em cùng ngây ngất đến nín thở khi chứng kiến cảnh tượng tuyệt mỹ khó ngôn từ hay cây cọ nào diễn tả được.

                                    Từ thinh không, trong nền trời xanh pha lê trong vắt, trong ánh nắng mỏng nhẹ lụa nõn tằm tơ, hoa sấu không hẹn mà cùng bung cánh như một vệt ngân hà tuôn chảy tràn xuống hè phố, rắc lên người tôi và em những mảnh sao tí hon đẹp đến si dại cuồng mê.

            Lặng lẽ cảm nhận, lặng lẽ gói lại những cảm xúc mê đắm giữa không gian phố Hà Nội với hàng sấu cổ thụ mang trong mình bao câu chuyện ngàn năm Hoàng thành Thăng Long, để như một ký ức tình thi thoảng hé mở vẫn thoang thoảng mùi hương hoa sấu của thanh xuân mùa.

            Phải chăng vì hương hoa sấu dịu ngọt hay tình yêu phố đã níu kéo mà tôi nấn ná chưa muốn tạm biệt em Hà Nội quay về phương Nam?

                      Phải chăng sắc trắng ngân hà trong thênh thang khoảng không Hà Nội phố đẹp đến làm tim tôi tan chảy, để muốn kéo dài thêm một giờ một ngày hay một đời cùng em Hà Nội thưởng thức mùa.

            Phải chăng hoa sấu là một phần hồn phách Hà Nội phố, đã chiếm một góc nhớ một góc yêu trong tôi, là khoảnh khắc diệu kỳ tiễn xuân của hoa sấu gọi hạ về.

            Chim kơ tia vẫn bay

              Ảnh: Carlswain

              Ô con Krông Knô, ơ con Krông Ana, mày gặp nhau ở đâu, sao không nói lên câu, để dòng Sêrêpôk chảy ngược, để những cánh đồng ngô ngã vào xanh mướt, như tao ngủ quên trong mắt cô gái Ê Đê? Thôi đám trai làng đừng cồng mà chiêng, thôi những nương rẫy còn vẫy mùa xuân, Tây Nguyên còn thở, chim kơ tia còn bay…

                        Người Tây Nguyên sinh ra để tìm nhau, sông Tây Nguyên uống nước phải lòng nhau, ngay cả đám tượng gỗ nhà mồ cũng tạc ra để hồn nhau. Cồng giục cồng, chiêng gọi chiêng và mùa xuân năm nào xanh non cũng gọi bầy kơ tia trở về trỉa bắp, trỉa lúa, rạo rực như ngực ai cao nguyên phập phồng, háo hức như người đi xa trở về nhìn đỉnh Cư M’ta tạ ơn mắt thần.

              Khó mà tìm cho được, dễ mà tìm cho được, ở một nơi nào giống tựa nơi này. Là Tây Nguyên xưa, là Tây Nguyên nay những con sông dựa nhau mà chảy, những ngà voi giương nhau mà theo, những chiêng ché nghe nhau mà ngân, những nhịp cồng nhìn nhau mà nhảy, những mái nhà Rông nghênh theo đêm mà vươn, còn bầy kơ tia ai thèm tơ vương?

                       Tây Nguyên không dành cho những thứ đơn lẻ cô độc, Tây Nguyên là sức mạnh, là vẻ đẹp của sự cộng hưởng vậy nên mỗi khi trở về bầy kơ tia sặc sỡ sắc màu dũng mãnh, cứ thả tự do từ hun hút thinh không bổ nhào xuống mặt đất rồi vênh mỏ Đắk Krông… Đắk Krông…

              Lần đầu đặt chân lên mảnh đất huyền thoại này, tôi đã vô cùng thú vị khi thấy những đàn kơ tia ồn ã Krông Pắk, sắc màu vẽ vào bức tranh Đắk Lắk, lên cả tháng ngày buồn vui đôi mắt, người mẹ Gia Lai… Loài kơ tia của tôi lại chính là những con vẹt tôi từng thấy được nuông chiều trong những lồng kiểng dưới xuôi, một loài chim sôi nổi, bù đắp cho sự tẻ nhạt nhiều khi vốn có của người thành phố.

              Ảnh: IvaCastro

                        Nhưng ở xứ cồng chiêng chẳng biết buồn phiền này kơ tia lại không được chào đón như sự rộn ràng của nó. Người Tây Nguyên đôi khi bỏ ngỏ cho những câu trả lời, tại sao mày không đợi kơ tia?

              Đơn giản lắm vì kơ tia không biết hót, những âm thanh chẳng cần nắn nót mờ đục, giục nương rẫy hoang mang. Loài kơ tia không sống riêng lẻ, chúng sống theo bầy, xanh đỏ cùng bầy, chạnh chọe cùng bầy, dũng mãnh chao nghiêng rối rít cuống quýt theo bầy. Vào mùa lúa rẫy và mùa bắp, loài kơ tia trở về bày tiệc trong sự thấp thỏm vắng mặt của người trỉa lúa trỉa bắp. Kơ tia không biết mình đang phá hoại mùa màng, chúng chỉ ân cần, liều lĩnh, tung tẩy trình diễn thứ sắc màu của núi, thứ âm thanh của cây và sức mãnh liệt từ đại ngàn gửi gắm… Tây Nguyên ô Đắk Krông, Tây Nguyên ơ Đắk Krông…

                        Hùng vĩ bao đời trên dòng Sêrêpôk huyền thoại là thác Dray Nur nằm cách Buôn Ma Thuột 20km về hướng nam. Thác Dray Nur dài trên 250m, cao hơn 30m, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông như một cây cầu nước. Khi mùa xuân đến những cánh kơ tia như những nhà lượn dù chuyên nghiệp vẽ vời yêu thương ở xứ này.

              Một ngày khi những non xanh gột rửa đại ngàn, tôi lang thang mê man trong hơi rừng, tôi lưng chừng trong hơi núi, tôi mỏi mắt nương, nhìn đám bụi mờ cầu vồng bảy sắc loài kơ tia chênh chao. Lạ kỳ thay một loài chim đã trở thành nỗi ám ảnh của buôn làng lại có sức sống mãnh liệt đến như vậy.

                         Kơ tia chẳng biết hót, thứ thanh âm của chúng mỗi khi hoan hỉ lại làm người ta mệt mỏi nhức đầu, chúng về ăn bắp, chúng về phá lúa, chúng về trêu chọc những người đặt bẫy bán chúng xuống thành phố làm thứ đồ chơi mua vui. Bản tính của kơ tia cũng ngây thơ như rừng, dại dột như con hươu con nai chẳng biết canh chừng, nên chẳng phải khó khăn mà hàng ngày sập bẫy.

              Ám ảnh vậy thôi chứ người Tây Nguyên thừa hiểu rằng năm nào kơ tia về nhiều nghĩa là năm đó mùa được mùa, bắp được bắp, và lúa thì tròn vo màu lúa. Người Tây Nguyên sống chung với kơ tia như sống chung với thác, như sống chung với lũ, chư chấp nhận dòng sông đực và dòng sông cái một đục một trong. Đến ngay cả Sêrêpôk cũng chảy ngược đó thôi, đến cả lắm người cũng nghe bọn xấu xúi giục trốn vào rừng đó thôi, trách gì một loài chim kơ tia chỉ biết: Đắk Krông… Đắk Krông…

                        Một ngày giữa chốn phồn hoa, thành phố cũng đang mùa xuân khẽ khàng. Tôi đi du xuân mà nhớ rừng nhớ núi, nhớ đôi mắt người Ê Đê ngủ quên Ban Mê. Nhớ dòng Krông Ana giận ai đục ngầu, thương dòng Krông Knô bao dung mà trong veo. Xanh non lại trở về trong trí não tôi, bất chợt nhìn thấy ở khu chợ cây và thú kiểng những con kơ tia sặc sỡ, cái mỏ khoằm khoằm ngồ ngộ đang cúi mổ những cái cái mắt xích tù đầy dưới chân.

              Tôi lặng đi, nghe đâu đây như tiếng thác Dray Sap bàng bạc, thương đâu đây như dòng Sêrêpôk chảy ngược tìm nhau, và sắc màu, lại là những sắc màu của bầy kơ tia bung ra như hoa trên nền trời Tây Nguyên. Rạo rực lại nhún nhảy trong lòng tôi, nhịp cồng lại đuổi bắt hồn tôi, từng tiếng chiêng ngân hay là tiếng kơ tia, mà âm thanh nức nở những ngôi nhà dài. Nghe như là: Đắk Krông… Đắk Krông… Chim kơ tia vẫn bay…

               

              Rằm tháng Ba sen trắng hồ Tịnh Tâm

                Có ai nghĩ ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn, một sáng đúng rằm, thức dậy, như rơi vào ảo giác, một bóng áo bà ba màu sen hồng, chung chiêng gánh hoa sen trắng muốt đang thong thả bước trên vỉa hè hướng về phía cổng chợ Bến Thành… Một giấc mơ, nhưng rất thật.

                                       Cầm trên tay bó hoa sen trắng trong sáng tinh sương đi lễ Phật mà tâm không tịnh, cứ như có một cánh hoa sen trắng, rơi ra, mơ hồ phảng phất hương thơm khuấy động nhẹ nhàng, làm lỗi nhịp thở.

                Trôi miên man ngược về mùa hè nắng đỏ, được anh cho đi cùng trong một dự án nghệ thuật ở cố đô Huế, sống những khoảnh khắc trở lại thời xa xưa cổ tích kinh thành với nhiều huyền thoại hoàng triều nhà Nguyễn, và kỷ niệm đẹp như bài thơ với sen trắng hồ Tịnh Tâm.

                          Sen hồ nở rộ nhưng vẫn mang phong vị e ấp, đài các vương mắc trên từng cánh hoa. Những cơn gió như có màu đỏ lửa những ngày hè cũng trở mình hanh hao, dịu ngọt hơn cho mặt nước trong vắt thêm tĩnh lặng.
                                      Tản mát trong làn sương sớm, những chú chuồn chuồn đa sắc im lìm tìm một chốn đậu như đang muốn tận hưởng chút an nhiên của đất trời trong cõi nhân gian đầy thi vị…

                Một sắp đặt nghệ thuật ngẫu hứng mang tinh thần thâm trầm mà nghiêm cẩn, thanh nhã mà thoát tục, như chút phác thảo nét u tịch của những ngôi chùa cổ, điểm xuyết không gian tĩnh để dung hòa với không gian động cố đô những ngày náo nhiệt…

                                         Anh và em đã dành cả buổi ngắm hồ sen Tịnh Tâm ở Thành Nội, và khi thấy một khoảnh sen trắng tuyết như một mặt trăng tròn giữa bạt ngàn sen hồng trong hồ, thì ánh mắt anh và em cùng quấn lấy nhau, chính là màu trắng tinh khiết mà lộng lẫy, giản dị mà sang trọng…

                Những búp sen trắng muốt, có gân xanh như ngọc mang vẻ đẹp cao quý, tao nhã, thanh thoát thần tiên khó diễn tả trong cái sắc hồng tràn ngập mặt hồ, làm cho ánh nhìn như mê đắm, si dại ngây ngất…

                          Chẳng khác gì giấc mơ cổ tích, anh và em đã có trong tay đúng 99 bông sen trắng của hồ Tịnh Tâm sau nhiều giờ thuyết phục chủ nhân của hồ, với điều kiện những bông sen trong sắp đặt nghệ thuật của anh được tôn kính như biểu tượng thuần khiết, thánh thiện, trí tuệ, sự giác ngộ và tinh thần bất nhiễm theo tinh thần của nhà Phật.

                Để tương xứng với vẻ đẹp bất phàm của những bông sen trắng, anh và em lại cất công sang bên Gia Hội, vào một ngôi làng cổ, tìm nghệ nhân gốm, “rinh” về 33 bình bông bằng sứ men ngọc bích, tựa như những chiếc lá sen xanh biếc của hồ Tịnh Tâm.

                                        Không chỉ đánh mạnh vào cảm xúc của những người khách đến cô đô mà sắp đặt nghệ thuật của anh cùng với những bông sen trắng hồ Tịnh Tâm đã làm trái tim người cố đô Huế rung động.

                Ba bông sen trong một bình với thế Thiên- Địa- Nhân, 99 bông sen trắng hồ Tịnh Tâm như một dòng chảy tượng trưng cho con đường của cõi nhân gian tìm về đất Phật, mỗi bước đi, mỗi nấc thang phía trước như từng bước sen trắng vô thường…

                          Không gian dường như một cõi Thiền dịu mát với hương thơm thoang thoảng, cho từng bước chân trần thế như nhẹ hơn, cho thất tình, lục dục phàm trần lắng xuống tan trong hư vô màu nhiệm của sen trắng..

                Còn em, như một kẻ si tình, sau khi cùng anh hoàn thành sắp đặt, khi chỉ có anh và em trong không gian thấm đẫm sắc màu nhà Phật , cả hai chúng mình cùng ngây ngất ngắm nhìn dòng sen trắng miên man bất tận không có bắt đầu và không có điểm cuối, cảm giác như mỗi cánh sen trằng đang từ từ bung nở, như trong đó hiện ra phép nhiệm màu mang đến cõi trần những Từ- Bi- Hỉ- Xả cho chúng sinh..

                                        Bông sen trắng thứ 100, em cầm trên tay, bông sen may mắn chủ hồ Tịnh Tâm tặng em như một món quà nhiều ý nghĩa. Chạm tay vào bông sen, vuốt nhẹ cánh mịn như tơ nõn, mơ hồ hương thơm trong suốt mang đến cảm giác rất khó diễn tả.

                Gần như mê hoặc bởi màu trắng dịu dàng của cánh hoa, sự mềm mại mà không hề yếu ớt của cành sen, và như có tiếng động rất khẽ khi cánh hoa tách ra từ từ bung nở, tỏa một làn hương như cây cầu vô hình đưa em vào một cõi mộng..

                           Bông sen trắng thứ 100 như có phép lạ, từ lúc cầm trên tay, ảo hay thật cứ quyện vào nhau. Hình như từ trong bông sen bước ra một nàng tiên nữ, xiêm y trắng như tuyết mịn, trâm cài lược giắt, phong thái thoát tục, mỗi bước đi nhẹ như mây, tay áo nàng như làn gió mỏng…

                Và cả dòng sen trắng miên man trong sắp đặt nghệ thuật của anh như bừng dậy, cùng hé dần những cánh hoa, để từ trong đó bước ra lần lượt những nàng tiên nữ tay cầm những hồ lô nhỏ rắc bụi nước xuống khoảng không, làm dịu nhẹ cái khô khát nắng hè trên đất cố đô…

                                         Không thể tin được, chắc anh còn nhớ, ngay lúc ấy, một cơn mưa rào đổ xuống, như sự thanh lọc, tẩy rửa bụi hồng trần kỳ diệu, làm cho không gian nghệ thuật mang hơi thở Thiền của anh trong mát đến ngỡ ngàng ánh nhìn mọi người.

                Không biết có phải 99 bông sen trắng hồ Tịnh Tâm linh nghiệm, hay bông sen thứ 100 em cầm trên tay mang phép nhiệm màu để linh ứng cõi Phật ở chốn trần gian?

                          Sen trắng hồ Tịnh Tâm đã theo em về phương Nam trong những giấc mơ cổ tích, để mỗi lần nhìn đâu đó một cánh sen trắng là lại thao thiết nhớ đến những bông sen trắng hồ Tịnh Tâm cùng kỷ niệm với anh những ngày xưa trên cố đô Huế.

                Sen trắng hồ Tịnh Tâm, cánh sen hoài niệm… Sen trắng hồ Tịnh Tâm, cánh sen màu nhiệm cõi Phật…

                Ảnh minh họa: Nguyễn Anh Văn

                Thành phố dài như một tiếng khèn

                  Ảnh: Phạm Hải Vinh

                  Nếu ai hỏi tôi yêu TP Lai Châu nhất vào thời điểm nào trong năm, tôi sẽ trả lời rằng, tôi yêu Lai Châu nhất là vào tháng Ba. Chắc chắn thế, bởi Lai Châu tháng Ba rất đẹp, rất dịu dàng…

                                          Lai Châu là thành phố trẻ thuộc vùng đất Phong Thổ xưa. Phong Thổ nghĩa là đất gió nên quanh năm Lai Châu có gió, lúc nhẹ nhàng như mây sớm, lúc ào ào trong cơn mưa. Địa hình thành phố nằm gọn trong thung lũng, bao quanh là núi thế nên Lai Châu luôn mang trong mình vẻ đẹp rất riêng.

                  Thành phố miền núi, thành phố dài như một tiếng khèn, thành phố tròn như một vòng xòe. Những con phố hiền hòa ẩn mình dưới những dải đồi thấp, uốn quanh những ngọn núi đá vôi lúp xúp. Thành phố của nhiều dân tộc cùng chung sống tạo nên những vẻ đẹp đa sắc màu, vừa truyền thống vừa hiện đại.

                            Ở đường tròn trung tâm thành phố, khu quảng trường là hình ảnh của những khu nhà hợp khối, những ngôi nhà cao tầng nhưng phía đầu vào thành phố, khu chợ San Thàng và ở cuối thành phố, ở Gia Khâu, Nậm Loỏng, là những ngôi nhà sàn, nhà đất, những quán chợ nhỏ – hình ảnh quen thuộc của vùng cao.

                  Ảnh: Phan Tuấn Anh

                  Lai Châu ngày nắng, nắng thênh thang rọi xuống từ đỉnh Pu Ta Leng, cả thành phố bừng lên bức tranh ngày mới. Dải mây sớm bồng bềnh trôi trên đỉnh Nùng Nàng. Tiếng gió vi vu thổi qua những rặng xà cừ, gió đuổi nhau thành những con sóng lăn tăn trên mặt hồ Thượng, hồ Hạ. Gió lang thang trên đường 58 – đường 30/4 – ngạo nghễ thưởng thức cảnh thành phố tươi tắn trong bình minh ngày mới. Lai Châu ít mưa ban ngày, nếu mưa thường mưa rất nhanh, vụt đến, vụt đi, như con gái lúc dỗi hờn, khóc đấy mà cười ngay đấy.

                                          Nùng Nàng trong màn mưa thật dịu dàng, mưa như tấm rèm che trước núi, những sợi mây trong mưa cũng luẩn quẩn bâng khuâng… Lai Châu mưa đêm thường xuyên. Mưa đêm lạnh. Lai Châu buồn. Những con phố vàng vọt ánh đèn khuya, những rặng cây âm thầm như đang ngủ, thỉnh thoảng gió rung cho cây tỉnh giấc, xào xạc, rụng một loạt lá, chao lượn chậm chạp như lời chào từ biệt thinh không rồi nằm xuống đất im lặng… Mưa đêm Lai Châu, có gì như quay quắt, có gì như nôn nao, chầm chậm, nhẹ nhàng. Con phố hát một khúc nhạc đêm không rõ trong tiếng vĩ cầm của những chú dế lang thang.

                  Ảnh: Đỗ Quyên Hoa

                                          Chợ phiên chủ nhật ở Nậm Loỏng, San Thàng luôn đông vui tấp nập. Bà còn từ trên lán, trên nương từ Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ – Phong Thổ, Nậm Tăm – Sìn Hồ… đều mang sản vật xuống đây. Đến chợ để mua bánh dày, mua lợn con, mua củ quả, đến chợ để chơi, ăn một cái bánh, dắt nhau đi qua các mẹt bày hàng, các gùi, lu cở đầy màu sắc và mùi vị để hết buổi chợ vẫn không muốn về, cứ lưu luyến mãi mùi thổ cẩm, mùi hoa rừng, mùi bánh trái… của chợ vùng cao.

                  Chợ đêm San Thàng mới được thành phố mở ra để thu hút khách du lịch và quảng bá ẩm thực vùng cao. Chợ mở vào cuối tuần, chủ yếu là ẩm thực, có thắng cố, có rượu và xôi nếp bảy màu, các loại bánh dày, khẩu xén… Đi chợ đêm là phải ngồi với nhau trong quán, phải ăn gì đó, phải uống chút rượu và đi chậm thôi. Đêm vùng cao, trong ngan ngát sương lạnh, trong bâng khuâng hương rừng, chậm thôi nhé, để nhớ mãi về nhau…

                            Lai Châu cuối tháng Ba, sáng sớm, những con đường mờ sương. Trời không nắng. Cả thành phố khoác lên mình tấm voan trắng mỏng mảnh, nhìn xa, mọi thứ đều mờ ảo, không rõ. Những chị đeo gùi xuống chợ, nụ cười tươi trên môi. Màu thổ cẩm giản dị mà thân thương biết mấy.

                                          Những dãy phố còn đang ngái ngủ bỗng ngân nga một sắc loa kèn đỏ rực. Phía xa xa, rặng trẩu đang trổ hoa, những chùm hoa như chiếc chuông tím nhạt, mơ màng, như gọi ai thức giấc, cùng thành phố đón bình minh lên. Lai Châu vào ngày mới với nhịp xe lăn bánh trên đường… Thành phố rất ít tiếng còi xe vì đường rộng, không có cảnh tắc đường, chen lấn, xô đẩy. Ngày mới, cả thành phố thong dong.

                  Ảnh: Phan Tuấn Anh

                  Buổi chiều, Lai Châu thênh thang gió. Ra đường buổi chiều, chỉ để ngắm hoàng hôn trên núi. Dãy núi xa tím sẫm, mặt trời hồng rực như một quả bóng nhẹ nhàng đậu trên đỉnh núi rồi từ từ lặn xuống. Tiếng chuông chùa ngân vọng xa xa…

                                         Lai Châu lên đèn. Thành phố lung linh ánh điện. Những cột đèn trên đường 30/4 tỏa sáng đủ màu sắc rực rỡ. Đèn màu trên các hồ Thượng, hồ Hạ đều bật sáng, mặt nước lóng lánh phản chiếu bầu trời đêm đầy sao và ánh điện quanh hồ. Lai Châu xa xôi, nhưng không buồn tẻ như ai đó nghĩ. Quảng trường ban đêm đủ trò chơi cho lũ trẻ. Cỏ rất dày, có thể lăn ra đó mà hít hà mùi cỏ thơm dìu dịu, ngai ngái, rồi bước đi mà thấy hương cỏ vẫn phảng phất quanh mình.

                             Đêm, Lai Châu bình yên, nhịp sống chậm lại. Ai đó dạo bước quanh hồ. Ai đó đi xe quanh thành phố. Ai đó ngồi lặng yên trong quán nước để ngẫm ngợi xa xôi… Để đêm về, trong giấc mơ, vẫn còn cả một Lai Châu trong ánh đèn màu rực rỡ.

                  Ảnh: VPA – VietnamPhotosAward

                  Lai Châu nhiều cây, Lai Châu nhiều hoa. Lai Châu tháng Ba hương chè thơm ngan ngát. Trên đồi chè, những búp non xanh mơn mởn, những bàn tay thoăn thoắt hái chè, mùi nhựa thơm lâng lâng say say…

                             Lai Châu cuối tháng Ba vẫn còn những cây đào phớt hồng, những cây ban trắng xòe nở những chùm bông cuối, vẫn đung đưa những chùm quả sữa ven hồ trên đường lên chùa Linh Sơn. Lai Châu vẫn vàng những bông dã quỳ nở muộn và trắng tinh khôi những bông trẩu xinh xinh. Và xa xa phía Gia Khâu, núi rừng vẫn đỏ những bông hoa gạo cuối mùa như ngọn lửa luôn vẫy gọi Lai Châu đi tới những ngày mai tươi sáng.

                  Ở lại Cao Bằng

                    Buổi chiều cặm cụi nắng vàng, những giọt hoàng hôn xuyên qua kẽ đá, luồn qua vách lá mà sáng lên trên màu áo chàm của những người Tày đang lom khom làm Then. Tiếng xà tích chạm vào tiếng đàn tính tình tịch u ơ bìa rừng giữ chân những người ở lại Cao Bằng.

                                          Then còn đợi nắng đỏ, Then còn đợi gió xanh, Then còn đợi tiếng xà tích xập xòe, Then còn đợi tiếng đàn tính lập lòe, những biên ải thần tiên. Rồi Then về như nước, rồi Then chảy từ trời, Then dìu cây đàn tính ngồi xuống đây, Then lắc những xà tích xênh xang âm điệu bằn bặt ngả xuống đây, chiếc quạt từ tay người đàn bà Then mở ra phành phạch, loạch xoạch mái đầu, nghiêng nghiêng căn Then phục vụ tổ nghề.

                    Ai lên Cao Bằng, ai về Cao Bằng, ai ở lại Cao Bằng mà không ngập ngừng hát then – đàn tính, một hình thức sinh hoạt có vị thế quan trọng trong tín ngưỡng của người Tày.

                                Tôi như người bị bắt hồn, chiều về chập choạng cành phan. Tôi như người mảnh mai khói nhang đợi tiếng quạt phành phạch của người đàn bà Then mà đi mây về gió. Nào ai còn đó thấp thó bìa rừng, hồn ai còn đó tính tinh lưng chừng, tiếng xòe tiếng xoẹt hỏi tổ hỏi tiên, tiếng chòe tiếng choẹt, núi rừng linh thiêng?

                    Người ta quan niệm, những người hành nghề Then là những người được tổ nghề lựa chọn, họ là “quan dăm” (quan âm), chuyên hành nghề để cứu nhân độ thế. Không biết có phải lý lẽ này mà một ngày ở Cao Bằng, một ngày sống Cao Bằng, một ngày yêu Cao Bằng nếu không thấy điệu tính lời Then thì bạn đã bỏ bê hồn rừng hồn núi ở một chốn nào. Như thế đâu phải ở lại Cao Bằng.

                                           Tôi từng đi bụi bằng xe máy tiến vào con đường Trà Lĩnh – Tổng Cọt nhiều thử thách để đằm sâu hơn vào mảnh đất vùng cao hiểm trở. Làng Tổng Cọt nổi tiếng với cây đa cổ thụ và chợ phiên trâu mỗi sớm cuối tuần. Trong khi đó, con đường vượt đèo Mã Phục, vượt qua Quảng Uyên là lựa chọn của số đông những người ưa thích được khám phá.

                              Được đánh giá là một trong những con đèo nổi tiếng nhất miền Bắc, đèo Mã Phục sở dĩ có tên như vậy là vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Vượt qua những khúc cua tay áo, những dãy núi thâm thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc trải dài những cánh đồng hoa tam giác mạch tim tím vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới.

                    Cao Bằng như một niềm đam mê bất tận, ủ những buổi chiều vào muối, đằm những đêm hồng vào than, và những âm thanh đàn tính rủ rê khói nhang về chầu tiếng xập tiếng xeng, những mái đầu ngoăn ngoắt, những tay quạt thoăn thoắt, tung lên bùa mê.

                                           Then có nhiều nghi lễ, cũng tùy  vào yêu cầu của gia chủ mà thầy Then thực hành nghi lễ để giúp gia chủ cầu bình an. Nhiều loại nghi lễ của Then bao gồm: Then cầu an giải hạn (thường diễn ra vào dịp đầu năm); Then nàng hang, (thường diễn ra vào dịp trung thu); Then cúng mụ, (diễn ra vào dịp cúng đầy tháng); Then thôi tang; lẩu Then, đây là nghi lễ lớn nhất của nhà Then… Lẩu Then có nhiều loại, lẩu Then khai quang, lẩu Then tăng sắc, lẩu Then khao quân, lẩu Then cáo lão.

                    Một lễ Then, quân Then phải trải qua nhiều cung cửa để đi từ gia đình chủ lễ lên trình diện Ngọc Hoàng: thổ công, thành hoàng, táo quân, tổ tiên, pháp sư, cửa tướng, đường ve sầu, cửa do người làm Then không thành cai quản (khau khắc khau hai…

                               Tôi ở lại Cao Bằng một dịp mãn xuân năm ấy, vùng núi cao Đông Bắc giáp với cao nguyên đá Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Giữa những giao thoa của rừng, giữa những âm ba của đất, điệu tính lời then dẫn tôi về những đêm sâu chất ngất, những linh thiêng ẩn dật, mê hồn đàn tính, mê hồn những người đàn bà Then, những người đàn ông Then.

                    Nhìn quanh đây, rừng mở cửa rừng, núi mở của núi, đất mở cửa đất và tiếng đàn mở cửa cho những linh hồn trở về. Này hồn về đâu, này hồn đi đâu, này hồn nằm đâu, này hồn ngủ đâu, mà tiếng xà tích xập xòe, mà tiếng đàn tính minh minh u u buộc lấy câu hát Then len lỏi vào chiều phiêu diêu vào đêm?

                                          Ở lại Cao Bằng. Ở lại Bản Giốc, ở lại dòng thác, ở lại nơi nào tâm tư tháng ngày qua cầu Bằng Giang ngược về Hòa An. Có những buổi chiều sương mai chờ ai chân ruộng đỉnh đèo, tôi lo xo hơi núi, tôi lụi cụi tiết rừng, tôi ngập ngừng đầu bản, mà nghe tiếng đàn, mà nhìn điệu Then, ngỡ mình như khói bay lên mon men.

                    Những đêm rừng chập choạng. Con ma ngân nga bìa núi. Chiếc áo chàm đen của người Tày lại choàng lên những điệu hát cổ, tiếng quạt thoạch thoạch, tiếng đàn tính tinh, tiếng xà tích leng pheng, tiếng người ngú ngớ. Tôi nhập mình vào bóng đêm, tôi nhập hồn vào đội quân Then, mà băm bổ núi rừng. Bước chân chẳng còn ngập ngừng, tôi co lên và chạy. Nào ai đàn tính, nào ai hát then, nào ai bỏ những bon chen, cành phan phần phật, đêm về như mật, đêm gật đêm gù. Hồn tôi đã lú. Ơ Cao Bằng ơ. Hồn tôi đã cũ. Ơ Cao Bằng mơ…

                    Quán trọ bên sông

                      Tôi vẫn gọi những ngôi nhà soi bóng bên dòng sông Tam Bạc là những quán trọ. Chiều, thảng một mùa đông đi ngang qua đây, bất chợt man mác những con đường soi gương, mây trời soi gương, quán trọ soi gương. Tôi dừng lại, hít hà một khoảng không vô định giữa lòng thành phố. Nhìn dòng đời trôi thật chậm giữa nhá nhem, chạng vạng, mênh mang giây phút yên bình.

                                              Thành phố đã qua bao thăng trầm. Từ dòng sông chảy sâu vào trung tâm mà xưa kia là thương cảng sầm uất, những cái tên Cầu Đất, Cầu Quay có lẽ cũng bắt nguồn từ đó. Bên hồ Tam Bạc, chợ Sắt vẫn còn đó như minh chứng về lịch sử giao thương, buôn bán. Giữa biết bao sự đổi thay vẫn những mái nhà với lớp ve vàng thách thức thời gian và không gian. Tôi mường tượng ra một bức tranh sinh động mà lắng trầm từ thời Pháp thuộc.

                      đó có một phố thị ồn ào những bán mua, có những xe thồ, xích lô, người trên bến, kẻ dưới thuyền. Những ngôi nhà họ xây bền bỉ lắm, vôi ve không thể tróc, mái pờ rô xi măng còn nguyên. Tôi ngước nhìn những cánh cửa chớp – những cánh cửa sơn xanh, bất chợt như có cảm giác ai đó đang nhìn mình, ai đó còn tiếc nuối khôn nguôi màu phố thị, nét kiến trúc cổ kính, hoài niệm này.

                      Sơn dầu: Nguyễn Đăng Phú

                                Thời đó, người Pháp đã cho xây dựng những khu phố bàn cờ. Họ quy hoạch giao thông đầy khoa học và văn minh. Từ nhà hát lớn thành phố, tôi thường đạp xe dạo trên những con đường rợp bóng cây xanh, mê mải ngắm nhìn, mê mải đắm chìm. Có những gốc cây xà cừ cổ thụ tỏa bóng dài, bóng đổ. Có những dinh thự Pháp dọc phố Hoàng Diệu, phố Hồ Xuân Hương, Minh Khai, Lê Đại Hành… vẫn nguyên vẹn bao dấu tích như chẳng thể nào phai xóa thăng trầm của thời gian.

                      Dòng Tam Bạc đã thay da đổi thịt. Phía bên này với những mái nhà hiện đại xen lẫn nét xưa. Phía bên kia trước là xóm chài ven sông giờ thành phố đi bộ hiện đại, khang trang. Tôi nhìn ngắm đàn Thiên Nga bơi lội. Dường như chúng chưa quen lắm nét bình dị, bình yên lọt thỏm giữa trung tâm thành phố này. Có lẽ chúng mơ hồ giữa hiện tại và quá khứ mà ngơ ngác, mà sửng sốt. Dòng Tam Bạc hiền hòa lắm, bình lặng như một người mẹ già đã trải qua bao nhiêu đắng cay, khổ ải kiếp người, nay rũ bỏ muộn phiền, bi lụy mà an tịnh, thanh thản. Có lẽ thế, tôi cảm nhận sâu trong lòng chút nhẹ nhàng, trong vắt khi nhìn đáy nước. Ở đó, có những gam màu đen trắng sơ khai, nguyên thủy không thể lẫn.

                      Tác phẩm “Tam Bạc” của họa sĩ Việt Anh

                                           Hải Phòng có rất nhiều sông, mỗi khúc sông bao bọc vỗ về, quanh co, chảy trong lòng phố. Dòng sông Cấm, dòng Lạch Tray… và dòng Tam Bạc đã đi suốt chiều dài lịch sử. Tôi hướng về phía cầu Lạc Long, hướng về bến Bính… những cái tên đã bao đời gắn bó với cha ông. Tôi lại hướng về phía cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ… ở đó có lớp trẻ đam mê, hừng hực khí thế, mạnh mẽ song hành đưa thành phố tôi đi lên. Dù đã thay đổi, dù đã khác xưa ít nhiều nhưng tôi dám chắc rằng những người con đi xa thành phố cảng một ngày nào đó trở về không khỏi rưng rưng, bùi ngùi, thương nhớ những cái tên tưởng chừng quá vãng, đã xưa rất xưa này.

                      Phố bên sông đẹp lắm. Đẹp như một bức tranh, ở đó người họa sĩ không chỉ bằng sức sáng tạo, bằng trí tưởng tượng phong phú mà có thể thả hồn bay bổng được. Phải nghiên cứu, phải tìm tòi, phải trăn trở, phải thao thiết lắm mới có thể cho ra đời tác phẩm nghệ thuật này. Lẫn trong khung cảnh, tiết trời đông lạnh giá, dường như càng khiến con người ta man mác ru lòng tĩnh lại. Phố đã lên đèn. Những quán trọ đã lên đèn, nồng nàn hơi thở cuộc sống.

                                             Đâu đây, từ những ô cửa nhỏ thơm mùi bếp, mùi cơm, phảng phất làn khói mỏng đầm ấm gia đình. Dòng Tam Bạc lúc này lung linh lắm, như bừng tỉnh sau ngày dài ngủ nướng. Tôi chợt nhận ra, giữa bộn bề cuộc sống, ai đó có những lúc thanh tịnh theo sông, khấp khởi theo sông, cháy bỏng, cồn cào, da diết theo sông. Sông có bao nhiêu cung bậc thì lòng người có bấy nhiêu cung bậc. Có lẽ chính sự đồng cảm ấy mà con người khi đứng bên sông cứ im lặng mãi dù cảm xúc đã tràn đầy.

                      Quán trọ, chỉ để những suy nghĩ, giấc mơ bé nhỏ dừng chân. Quán trọ, chỉ vỗ về những bộn bề, bon chen cuộc sống. Nhưng quán trọ lại ôm ấp bao cõi tạm trần gian quá vãng. Ở đó đầy quá khứ, đầy thăng trầm. Quán trọ vẫn soi mình bên dòng Tam Bạc, vẫn lắng sâu nghe hơi thở cuộc sống vỗ về.

                                             Những quán trọ đã lên đèn, nồng nàn hơi thở cuộc sống. Đâu đây, từ những ô cửa nhỏ thơm mùi bếp, mùi cơm, phảng phất làn khói mỏng đầm ấm gia đình.