Một tản văn của Ngọc Trâm

Ông Bảy vào tuổi xế chiều vẫn hay uống rượu, như để rút ngắn đời mình lại, và mỗi lúc như thế, chốc chốc ông lại lên giọng:

“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Ông Bảy nổi tiếng ở làng tôi bởi là người thuộc làu làu ba ngàn mấy câu Kiều. Nhờ có ông Bảy, bọn tôi sớm biết đại thi hào Nguyễn Du trước khi cắp sách đi học. Còn lại thì ông quanh quẩn với cái thú làm vườn, làng tôi bảo ông có tay trồng cây, cây nào trong khu vườn cũng tươi tốt, hoa quả sum suê. Ngôi nhà ông lụp xụp giữa bao nhiêu cây cối nhưng có một khoảng sân đủ để bọn nhỏ trong xóm xúm xít. Dưới những bóng cây mùa hè, khi thì bất đắc dĩ, khi thì tha thiết nài nỉ, bọn tôi được ông giảng cho nghe đủ thứ về văn chương. Chúng tôi có đôi lúc lơ đãng, còn con Nhỏ, nó lúc nào cũng chăm chú vểnh tai lắng nghe, ngoe nguẩy cái đuôi phấn khích.

Thuở đó, vào những buổi sớm ra hiên ngồi đọc Kiều, hay bắt gặp ông đi thăm đồng, ông nói với vào động viên: “con bé Nơ học giỏi vào, ông thưởng cho quyển sách”. Lòng trẻ chỉ muốn được như ông, cầm phấn và viết viết, viết cả đời mình lên tấm bảng trắng.

Con chó Nhỏ lon ton chạy theo sau, mặt trời vừa lên, bóng ông và bóng người bạn bé nhỏ dần được vẽ ra trên con đường làng, loang loáng trong kí ức của tôi về những buổi sáng dậy học Văn, về mùi lúa chín lẫn vào trong sương mai, đó là mùi riêng của quê hương tôi, của tuổi thơ tôi.

Cái tên chó Nhỏ cứ mãi miên viễn trong tâm trí tôi, dù cho về sau nó đã trở thành mẹ của bao nhiêu là lứa con, tôi vẫn cứ thích gọi là con chó Nhỏ của ông Bảy. Hồi biết đọc báo, tôi ước có ngày cái tên ấy được đưa vào trong từ điển tiếng Việt, như người Nhật dùng Hachiko để chỉ những chú chó trung thành.

Nhỏ hiền khô, cũng giống như ông, Nhỏ thích vui đùa với trẻ con. Có lẽ vì thế mà tôi không thấy cảnh báo “cẩn thận chó dữ” ở cổng nhà. Tôi chỉ thấy ông treo miếng gỗ đã sờn, trên có đôi dòng bằng phấn trắng:
“Những phường bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”.

Tôi tò mò tìm hiểu ý thơ của Nguyễn Bính, ông bảo rằng sắc rêu trên thềm không chỉ là cái hoang dại của thiên nhiên. Ông Bảy không muốn sống như rêu, “ông muốn được là cây thông lộng gió trên đồi Bồ Bồ”, có phải từ đó mà mỗi lần ra phố thị, đi ngang qua hàng thông, tôi cứ thấy cành thông khảng khái tấu lên tiếng lòng của kẻ sĩ. Nội bảo ông Bảy là cây thông sinh bất phùng thời, nên cả cuộc đời ông “tài cao phận thấp chí khí uất”.
Sau này đọc truyện Nam Cao, tôi thấy con Nhỏ giống cậu Vàng quá. Ngày đó hời hợt, cứ thương trách ông Bảy đèo bòng làm chi mà nuôi thêm một miệng ăn; cái Lan thì bảo ông nuôi chó để giữ nhà, tôi chậc: “nhà ông có gì mà giữ!”. Năm đó lụt lớn, những trận lũ lịch sử của miền Trung, người dân quê tôi dường như mất trắng mùa vụ. Khi nước rút dần, tôi cùng ba lội bập bõm giữa màu cam đục sang nhà ông.

Tôi thấy ông ngồi trên tấm phản, khóc hu hu như đứa trẻ, mếu máo: “con Nhỏ mất tích rồi”. Tự dưng tôi cũng khóc, nước mắt như giọt mưa ngoài trời vẫn đang rơi, mặc cho dòng nước đã cuốn mất đi bao nhiêu chắt chiu của người dân quê. Thế rồi khi mưa dứt, thật kì diệu, nó từ đâu đó bơi ra, mắt đăm đăm hướng về ông như đứa con tìm thấy bố giữa cơn loạn lạc. Ông Bảy ôm con chó rưng rức: “mi hư lắm, ông còn gì đâu”. Con Nhỏ đã không bỏ ông mà đi.
Tôi vẫn liên tưởng ông Bảy đến lão Hạc, nhưng ông Bảy không có con, đơn độc với ông không biết là điều may mắn hay bất hạnh. Còn tôi ví mình như “ông giáo”, mà không, tôi là đứa con của ông giáo, tôi thích chạy sang nhìn ông chăm sóc mấy cái cây, nghe ông kể về cuộc đời mình. Ông vẫn còn giữ nguyên vẹn kí ức về những cô cậu học trò, về bài học dở dang, về những “thói đời” khiến ông bỏ bục giảng. Ông vừa vuốt ve con Nhỏ, vừa trầm ngâm:

“Người mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi ”.

Rồi mắt ông xa xăm trôi về cái năm bà bị bệnh nặng, cái năm nhà nghèo không có tiền chạy chữa thuốc thang, cái năm bà nhìn ông với nụ cười như mùa thu, rồi bà chào ông đi vào cõi nào xa xôi lắm. Ông đứng dậy phủi đám bụi bám lên cái cặp xách da màu đen đã rất lâu rồi không được dùng, còn lòng ông thì bám đầy vết tích của quá vãng, của cái thời “sách vở ích gì cho buổi ấy”…

Và có một điều không bỏ ông mà đi nữa là cái giọng đọc thơ ấm và trầm buồn, buồn như cuộc đời nhiều tủi phận của ông. Tôi hữu hình chất giọng ấy thành màu sách cũ, màu của những cuốn được xếp ngay ngắn trên cái kệ ông tự tay đóng. Ông giành hầu hết không gian trong nhà cho sách, mấy tạp chí cũ, những cuốn sổ viết tay hồi xưa lắc, xưa hơn cả hồi ức của con người. Có lần mượn sách ông về đọc, bất cẩn làm trang giấy bị vấy bẩn, tôi vẫn nhớ ánh mắt ông nghiêm nghị: “con ơi sách vàng sách ngọc”. Về sau khi cầm trên tay cuốn Giữ gìn vàng ngọc, tôi cứ ngỡ tác giả chính là người tri kỉ thất lạc của ông- những con người có thể cả đời không được sở hữu chiếc nhẫn bằng vàng dù vào lễ cưới, tôi vẫn nghĩ họ là người giàu có.
Ông Bảy vào tuổi xế chiều vẫn hay uống rượu, như để rút ngắn đời mình lại, và mỗi lúc như thế, chốc chốc ông lại lên giọng:

“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Ông ra đi vào một chiều không có gió thổi qua hàng thông trên đồi, khi tôi chưa kịp chạy sang khoe rằng tôi vừa chính được mặc áo dài đi dạy. Tôi lặng lẽ đặt cuốn tạp chí mà chắc rằng ông sẽ thích để bên tấm ảnh “ông giáo làng”. Hôm ấy cũng trong buổi sớm mai thoảng mùi lúa chín, con Nhỏ lùi lũi đi sau đoàn người ra đến tận bãi tha ma, Nhỏ bây giờ già cỗi rồi, và dường như nó là người thân duy nhất mang ánh mắt mồ côi đưa tang ông…
Sau này, khi giảng những câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong ngày nhiều gió, tôi vẫn hay bâng quơ nhớ hàng thông reo dẫn đường vào căn nhà nhỏ nằm ở cuối xóm, nhớ một cuộc đời lặng lẽ đi qua những ngày đơn độc của ông Bảy. Giá như, ông không biết đọc sách, giá như ông vô can với chữ nghĩa, giá như ông sống hồn nhiên như sắc rêu, có lẽ đời ông đã đỡ phần u uất. Nhưng sẽ ra sao khi đồi không có những hàng thông…