
C ô có một thói quen khó bỏ, đó là luôn lưu giữ những tấm thiệp của người thân và bạn bè trong một chiếc hộp giấy. Dù đã chuyển nhà khá nhiều lần, nhưng chiếc hộp đó luôn theo cô tới mọi nơi. Sáng cuối tuần, cô mở chiếc hộp yêu thương, lặng lẽ đọc lại những dòng chữ mẹ gửi cho cô theo năm tháng…
Mẹ thường viết đơn giản, không cầu kỳ, đôi khi chỉ là trên một chiếc phong bì, một mẩu giấy đưa cho cô rồi nói ngắn gọn: “Khi nào tiện thì con đọc cũng được…”. Nét bút của mẹ dù đã qua năm tháng nhưng luôn nghiêng nghiêng đều đặn và rõ nét.
Chiếc thiệp ngả vàng lưu dấu ngày đầu tiên cô làm mẹ với những dòng chữ: “Thế là con đã trở thành mẹ của “cu Tý”, chúc con và cháu luôn mạnh khỏe, bình an nhé”. Bất giác cô nhớ tới những người bạn bắt đầu làm mẹ, giây phút họ biết rằng mình đang mang trong mình một sinh linh bé nhỏ, đó là khi họ trở thành một người khác. Một người phụ nữ biết sống có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình và của đứa con thương yêu. Tình mẫu tử thiêng liêng đến một cách tự nhiên với cảm giác yêu thương và muốn được bảo vệ sinh linh nhỏ bé ấy đến hết cuộc đời.
Đã có những giây phút cô đứng bên lằn ranh sinh tử, người thân bạn bè cứ nghĩ mẹ sẽ khóc vì đau đớn. Nhưng không, giây phút ấy bà đã rất mạnh mẽ, luôn tin tưởng cô sẽ trở về bên bà và điều kỳ diệu đã xảy ra. Đôi khi, chỉ đơn giản khi xem một chương trình về sức khỏe trên truyền hình, mẹ cũng vội ghi chép tên thuốc vào mẩu giấy rồi đưa cho cô. Lại còn cẩn thận ghi rõ giờ phát chương trình đó trên kênh nào để cô có thể xem lại với dòng tái bút: “Con gái yêu thương, bố mẹ mong con chóng hết đau cả thể xác lẫn tinh thần”. Những yêu thương chăm chút của mẹ cứ như mạch nước ngầm chảy mãi không thôi.
Sinh con ra, đồng nghĩa với việc người mẹ sẽ luôn theo sát bên con trong mọi thăng trầm của cuộc sống. Mẹ lặng lẽ dõi theo từng bước con đi theo năm tháng với đủ cung bậc hỷ nộ ái ố. Chỉ có mẹ mới đủ sự bao dung, ấm áp để con trở về tựa nương với những tổn thương trong lòng. Dù cho cả thế giới quay lưng lại với bạn, thì mẹ vẫn luôn ở đó với nụ cười vị tha đầy yêu thương. Đã có giây phút, cô muốn buông xuôi vì quá mệt mỏi và mất hết lòng tin vào tình người. Nhưng mẹ chỉ viết cho cô đúng 1 dòng: “Oán thù nên cởi không nên buộc con ạ”. Vậy là cô bỗng “ngộ” ra nhiều điều để có cách ứng xử không giống với những người khác.

Cũng không phải khi nào cách ứng xử của các con cũng làm cha mẹ vui lòng. Chúng ta có thể nói chuyện điện thoại hàng giờ với bạn bè, người thương nhưng một cuộc gọi cho cha mẹ cũng thật ngắn ngủi đến hụt hẫng. Hẳn là sẽ có đôi lần bạn cảm thấy “sốt ruột” khi công việc đang bận rộn chồng chất, nhận cuộc điện thoại của mẹ kể chuyện gần xa về công việc trong anh em họ hàng, nhắc nhở ta giữ gìn sức khỏe?
Vẫn biết, tình mẹ dành cho con là suối nguồn chảy mãi nhưng không phải vì thế mà ta sống vị kỷ và nghĩ rằng ta nghiễm nhiên được hưởng điều đó. Có những người mẹ chắt chiu mưa nắng trên đồng, lăn lộn trong dòng đời để có chút tiền cho con ăn học. Nhưng không phải người con nào cũng biết trân trọng sự hy sinh của mẹ. Họ không hiểu được rằng, có thể mẹ không cho con điều tốt nhất trên thế giới, nhưng mẹ sẽ cho con điều tốt nhất mà mẹ có.
Những dòng chữ của mẹ chợt nhòa qua hàng mi… Cô thầm mong mẹ luôn mạnh khỏe, minh mẫn để cô tiếp tục còn được đọc những lời yêu thương của mẹ dành cho mình lâu hơn nữa!