24 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Xuân sau giêng giếng về đâu

Đào vừa ấp nụ hồng đã phai....

Mùa cải về bên núi

Cuối chiều, những sợi nắng vắt ngang...

Kèn hồng hóa Sài Gòn thành nàng thơ

Cái nắng tháng ba giữa mùa khô...

Mùa cá lên đồng

Trong Mắt TôiMùa cá lên đồng

Khi những cơn mưa cuối thu trút xuống trắng trời báo hiệu những ngày tháng dầm dề nơi miền đất hầu như chỉ có hai mùa mưa nắng, mặt ruộng được tiếp thêm nước từ khúc giao hòa của đất trời bắt đầu mềm ra sau một thời gian dài khô nức nẻ. Những ao, hồ, đầm, đìa lâu nay gần như phơi lòng trong nắng giờ đã đến lúc cựa mình khi nước đã tràn bờ. Những thân ruộng bỏ hoang chờ mùa gieo sạ mới cũng đầy ăm ắp nước. Chẳng có thú nào hơn khi vác cần đi câu cá trong tiết trời thu man mác lúc những tia nắng “rám trái bòng” đã rong chơi phương nào. Tôi theo thằng em là cần thủ có số má trải nghiệm thú tiêu khiển nhàn hạ trong những ngày rỗi rãi.

           Điểm buông cần là cái hồ nước mênh mông sát chân đồi nơi tiếp giáp với cánh đồng lúc này còn trơ những thân rạ. Mùa này nước đã bắt đầu màu đùng đục do những cơn mưa thu bất chợt kéo dài chớ chẳng có “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” như trong thơ cụ Nguyễn Khuyến đâu. Những con cá ngoi lên mặt nước đớp móng tạo ra những vòng tròn cứ lan dần ra trên mặt hồ thu phẳng lặng lúc chiều tà.

                         Thằng em buông dây câu kéo rê con nhái mồi chạy băng băng trên mặt nước khiêu khích đàn cá lóc đang ẩn mình bên dưới những bụi lau lách ven bờ. Con mắt nhà nghề của nó như thấy được lũ cá đói đang lượn lờ giương đôi mắt theo dõi con mồi hay sao mà nó cứ kéo liền hồi. Một cú đớp hụt làm cần thủ chặc lưỡi xuýt xoa vì theo nó con này to lắm. Tôi cười và chọc:
– Con cá nào hụt chả to bằng … bắp chân.

Sau vài đường kéo nữa thì tiếng “bập” vang lên trong sự ngỡ ngàng của kẻ theo ngồi chầu rìa xem câu cá như tôi. Thằng em thả lỏng cho con cá ngậm mồi kéo đi một đoạn rồi bất ngờ giật mạnh để đảm bảo lưỡi câu móc vào miệng cá. Tôi phụ nó kéo và gỡ con cá lóc to đùng màu vàng hườm đang giãy đành đạch trong tuyệt vọng. Sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi trong kiên nhẫn, thầm lặng, cái túi lưới mang theo đã lủng lẳng năm con cá lóc đồng thật to. Tôi xách túi cá ngồi xem câu mà mơ màng về những mùa cá lên đồng khi con nước đục ngầu từ thường nguồn của các con sông đổ về tận những năm nào.

          Mùa này nước đã bắt đầu xăm xắp những bờ cỏ xanh mướt vừa mới ngoi lên sau những tháng hè nắng cháy. Đây là lúc cá theo những con kênh, con lạch nhỏ lên những chân ruộng trũng đẻ trứng. Cá từ những ao, hồ theo dòng chảy tràn ra ăn mồi trên những cánh đồng lúa bỏ hoang lên chét đã thành đòng. Những con cá rô ron chạy thành đàn ló cả kỳ ở những dòng nước chảy cạn.

Những chú cá trê cắm cả ngạnh vào đất cố lên ngược dòng nước chảy xiết chẳng khác nào những nhà leo núi phải nhờ đến gậy để vượt dốc cao. Hấp dẫn hơn cả là những con cá lóc quẫy đuôi rột roạt ở những gốc rạ mục làm háo hức những người đi bắt cá lên đồng. Ngày xưa lúc sản vật của đồng ruộng còn nhiều, thời gian này những người nông dân nông nhàn đã chuẩn bị các dụng cụ như đó, nhá, lưới, lờ…để đi bắt cá. Những cơn mưa dầm dề đầu mùa thúc giục đàn cá kéo vào đồng như đi trẩy hội mừng nước.

                         Chỉ cần làm siêng ra đồng đặt đó ở những con nước chảy hay bủa lưới ở những vùng trũng ngập tràn nước thế nào cũng bắt được cả đụt cá đủ loại. Người ta chế biến cá đồng theo nhiều món với những cách kho nấu khác nhau như cá trắng kho rim, cá rô chiên xù, cá luối kho dưa, cá trê kho tiêu… Trong những món cá đồng ngày mưa, hấp dẫn hơn cả là món cá lóc kho tộ – món cá như đã ngấm vào máu thịt của những con người lớn lên trên ruộng đồng, sông nước như tôi.

          Con cá lóc tự nhiên mình phủ lớp vảy màu vàng nhàn nhạt chứ không đen trùi trũi như những con cá được nuôi trong hồ cho ăn bằng thực phẩm công nghiệp thịt bở rệt không dai. Có lẽ nguồn thức ăn của chúng là thứ tinh túy được thiên nhiên ban tặng cho nòi giống của mình như nhái, cào cào, châu chấu hay những gié lúa chét mới ngậm sữa mà thịt của chúng săn chắc và ngọt lừ đến lạ. Sau khi đánh vảy, cắt bỏ mang và xát qua muối hạt cho bớt tanh, ta khứa trên mình nó vài nhát dao cho dễ thấm gia vị. Bẻ cong mình con cá cho vào những chiếc nẹp bằng cật tre cột chặt rồi nướng trên than hồng.

                        Ngồi sưởi ấm bên bếp lửa trong những ngày mưa lạnh, những nẹp cá vừa chín tới nhỏ nước xèo xèo trên bếp than đỏ rực bốc mùi thơm sực nức gian bếp làm bụng ta cứ réo cồn cào đến lạ. Cho những con cá đã nướng sơ và tẩm ướp gia vị vào cái nồi đất có lót năm ba lát hành tây để tăng thêm độ ngọt, đổ nước sốt pha sẵn vào và bắt đầu nổi lửa. Khi nồi cá đã sôi, mở nắp vung ra và hạ nhỏ lửa liu riu cho nồi cá thấm dần thật đều.

Nồi cá lóc kho tộ sẽ kém ngon và không đẹp mắt nếu thiếu đi những thứ gia vị cần thiết. Nếu nói con cá lóc là ca sĩ chính thì gừng, nghệ, sả, ớt, lá hành và hạt tiêu là dàn múa phụ họa không thể thiếu được. Người đầu bếp như là một tổng đạo diễn khi chỉ đạo cho từng thứ trên xuất hiện trước hay sau và sắp xếp đội hình sao cho thật duyên dáng. Họ dồn hết tình cảm và sự tận tâm của mình vào nồi cá kho tộ để cho ra một món ăn hấp dẫn đến cả những người kén ăn nhất.

           Khi nồi cơm nấu bằng gạo lúa thơm vần bếp tro vừa cháy sém tỏa mùi bắt ra rế là lúc cá đã đủ thấm. Mâm cơm ngày mưa dọn ra đơn sơ chỉ có món cá lóc kho tộ, bát canh chua cá lóc nấu với thân môn, khóm, chuối chát, giá đỗ điểm thêm chút lá ngổ và thêm đĩa rau luộc nữa là đủ rôm rả lắm rồi. Xúc chén cơm còn bốc khói chan với nước cá kho tộ, hương thơm vượt ra ngoài gian bếp mà bay xa đến tận ngoài ngõ làm cho ai ngửi thấy vị giác cũng phải lên tiếng.

                         Tôi thường chọn cái ruột con cá lóc để ăn vì nó dai, ngọt và có vị đăng đắng rất khác biệt. Ông tôi cười khà khà khen cái thằng nhỏ mà thích ăn nhân nhẫn với cay cay. Ông vừa ăn vừa giải thích cho lũ cháu biết từng vị độc đáo của các loại cá đồng như “đầu cá chép, mép cá trê” hay “cá rô tôm tít chiên xù, giòn giòn béo béo đi tu không đành”, “nhất ruột cá tràu, nhì cá mương bàu kho mặn”… Ông húp chén canh cá, nhấp nháp vài ly đế rồi vuốt chòm râu dài ngân nga mấy câu ca dao mà tôi nhớ cho tới tận giờ:

“ Ví dầu cá lóc nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”

           Nồi cơm đã vơi từ lúc nào rồi chẳng hay. Trong lúc mấy đứa nhỏ tranh giành nhau miếng cháy, ông lại cười vui rồi vỗ đùi “ cha bay! Có cá đổ vạ cho cơm”. Môi trường sống bây giờ làm cho các loài cá đồng ngày một cạn kiệt. Những mùa cá lên đồng không còn như xưa nên những món ăn từ cá đồng cũng ít đi. Thằng em mãi mê câu còn tôi mãi mê với những mùa cá lên đồng mà chiều đã buông trên hồ từ lúc nào rồi. Chúng tôi vội vã thu dọn đồ nghề rồi ra về kẻo muộn không thấy đường đi. Cái túi lưới “chiến lợi phẩm” với mớ cá lóc đồng hứa hẹn một nồi cá lóc kho tộ ngon tuyệt cú mèo cho đã cơn ghiền mà lâu lắm rồi mới có.

Check out our other content

Most Popular Articles