29 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười 8, 2024

Tương tư ngô đồng

G iờ đây, mỗi lần đi qua...

Tương tư ở xứ Ninh Kiều

Không biết cụ Nguyễn Tuân xưa đã...

Mùa về trên ngói

Tôi thích ngắm những mái ngói cũ...

Dưới thềm cũ rêu phong

Trong Mắt TôiDưới thềm cũ rêu phong

Tôi luôn ước rằng, khi nào có thể tự làm cho mình một ngôi nhà, tôi nhất định sẽ xây những bậc thềm, để trước khi đặt chân vào bên trong nhà, tôi sẽ gượng nhẹ bước chân trên những bậc thềm, rồi cũng thật khẽ, ngồi xuống hiên nhà để bỏ giày dép, bỏ cả lại những thứ khiến tôi vui vẻ hay mệt nhoài…

Những năm tháng đi xa, mỗi lần trở về, tôi đều thấy mẹ tôi ngồi trên bậc thềm, ngóng ra cổng ngõ để chờ đón chúng tôi. Hết con rồi đến cháu, bậc thềm theo thời gian cũng cũ kĩ và rêu phong dấu thời gian, chỉ có dáng mẹ qua tháng năm vẫn ngóng trông như thế. Thời gian không chỉ in dấu lên dáng ngồi mong ngóng của mẹ, có lẽ còn in sâu trong tâm trí mẹ những tháng ngày chúng tôi đã lớn lên bên bậc thềm nhà.
           Những bước chân tập đi chập chững đầu tiên, vừa đi vừa ngã, chúng tôi đã vịn lên từng bậc thềm, vừa đi vừa trèo để vào được tới nhà, cho đến khi bước chân thật vững vàng. Trên thềm nhà, chúng tôi chơi chuyền chơi chắt, đan lát, khâu vá, thêu thùa. Những đêm mùa hè trăng thanh gió mát, chúng tôi bày biết bao trò chơi dưới sân, các bà mẹ ngồi trò chuyện trên bậc thềm nhà. Chúng tôi chơi chán thì trải chiếu ngủ lăn lóc luôn ở hiên nhà, đêm có đứa mơ ngủ lăn cả xuống bậc thềm, thế mà vẫn rúc rích cười.
Có những khoảng thời gian dừng lại rất lâu trong kí ức tôi, có lẽ bởi nó đẹp. Khoảng thời gian đẹp nhất là khoảng thời gian không bao giờ quay trở lại nữa, ai đó đã từng nói với tôi như vậy. Tôi sấp ngửa đi qua năm tháng rộng dài với áo cơm danh vọng.
                        Có những cú ngã trời giáng chẳng nhìn được bằng mắt thường, nhưng lại vô cùng quý giá, bởi nó giúp tôi nhận ra rằng, hồi chập chững tập đi những bước đầu đời trên bậc thềm rêu phong ấy, dẫu ngã dập ngã vùi, trán sưng tướng lên như quả ổi, chân tay bầm tím lại, nhưng chỉ cần mẹ bôi cho chút cao sao vàng, lấy cán dao day day lên chỗ vết thương như “làm phép”, thế là lại dũng cảm đứng lên tiếp tục bước đi.
Những cú ngã ấy có khi khiến tôi hăm hở bước tiếp, để dần trở nên cứng cáp, vững vàng. Mỗi vấp ngã khiến tôi thận trọng hơn, nương nhẹ bước chân mình hơn, và luôn khiến tôi nghĩ về những bước chân non dại trên bậc thềm xưa.

           Tháng Chạp đang cạn nốt mình những ngày cuối cùng, gió vẫn buốt những cơn xon xót lòng dạ bao đứa con xa. Tầm này, mùi hương trầm đã vương vất quyện với hương hồi hương quế. Mẹ chắc hẳn đã dọn dẹp cửa nhà, chuẩn bị xong mọi thứ cho những ngày trọng thể nhất trong năm. Phần việc cuối cùng mẹ làm là ngồi trên bậc thềm rêu phong ngày tháng cũ và dõi mắt nhìn ra cổng ngõ. Cánh cổng mẹ cả đời bỏ ngỏ, nhưng lúc nào cũng lo con về không ai mở ra cho…

Chiều cuối năm cuốn theo những tin tức dịch bệnh hoành hành, ai đó thốt lên rằng: “Mẹ ơi! Đường về nhà sao quá xa!”, lòng tự nhiên thắt lại. Hình dung dáng mẹ còng xuống theo tháng năm bên bậc thềm nhà, thấy niềm thảng thốt vụt qua.
                         Bao nhiêu đứa con trông đợi ngày được trở về đặt chân lên bậc thềm xưa cất giữ những bước chân thương nhớ, bao nhiêu dáng mẹ ngồi như vá vào trời chiều cuối năm, gửi niềm mong ngóng những yêu thương phiêu dạt nơi những chân trời xứ lạ.
Chỉ có bậc thềm phủ kín rêu phong như chứng nhân cho những nỗi niềm không phải ai cũng hiểu. Bên bậc thềm xưa, hoa xuân hàm tiếu, trầm hương quyện trong khói chiều thơm những bước chân xa xứ, và mẹ, vẫn ngồi như vá vào tháng năm mong ngóng…

Check out our other content