Mấy hôm nay gió lạnh từ đâu tràn về, như nhấn mảnh đất cao nguyên miền Nam chìm trong mùa đông giá lạnh miền Bắc. Tối, tôi nằm đắp chăn trong phòng, nghe văng vẳng tiếng bản tin dự báo thời tiết trên radio, vọng vào từ gian bếp của mẹ. Mẹ tôi đang lọ mọ nấu nồi rượu nếp để Tết đãi khách. Mùi rượu thơm cay thoang thoảng bay vào, kích thích khuớu giác vốn nhạy cảm của tôi. Tôi chợt nghĩ sao mình dại thế? Bếp ấm, rượu thơm thế kia, sao phải nằm co ro ở đây một mình thế này? Tôi vùng dậy, ra bếp ngồi với mẹ.
Đã bao lâu rồi tôi không ngồi đây, nơi gian bếp ám khói này, chỉ để nghe tiếng củi cháy lách tách, ngắm những hòn than đỏ hừng hực như dâng như hiến kia, và hít hà mùi khói thân thương đã ám cả vào tuổi thơ của tôi như ngày xưa ấy? Bao lâu rồi, tôi không còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng, tôi đã lớn lên từ căn bếp này, được học những bài học đầu tiên trong căn bếp này, và cũng đã rời xa nơi đây mười năm có lẻ. Hơn mười năm! Những giấc mộng hão huyền nào đã dẫn dụ tôi ra đi? Những đam mê, nông nổi nào đã xô dạt tôi đến những phương trời xa lạ, nơi huyên náo thị thành? Để rồi, đến một ngày chợt bừng tỉnh, nhận ra rằng mình đã đi quá xa căn bếp ngày xưa. Những trong trẻo, thơ ngây đã âm thầm rụng rơi, và tan biến như làn khói bếp mỏng manh trong một buổi chiều nhạt nắng.
Lần trở về này, tôi đã bỏ lại hết những váy vóc, phấn son, giày cao gót, những đổi chác, bán mua ở chốn chợ đời. Tôi trở về với quần đùi áo cộc, với đôi dép tổ ong và chiếc nón mê, hòng “ăn mày” lại chút dĩ vãng đã nhạt nhòa xa ngái. Tôi ngồi bên mẹ, hơ hai tay vào gần bếp rồi áp lên hai má để cảm nhận được chút hơi ấm từ những ngày xưa. Bao kí ức bất chợt ùa về.

Nơi căn bếp này, ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi cũng ngồi trông chừng nồi cơm sôi, hay nồi cám heo, nồi rượu nếp như tối nay đây. Và mẹ đã tranh thủ dạy cho tôi những chữ cái đầu tiên bằng cách dùng cục than nguội viết lên nền bếp. A, ă, â, b, c… dần dần ghim vào trí óc non nớt của tôi. Rồi lớn thêm xíu nữa, mẹ dạy cho tôi cách nhóm bếp sao cho lửa mau bén; dạy tôi cách luộc rau sao cho xanh – ngon; và chỉ dẫn tôi nấu cơm thế nào để cơm không bị khê, bằng một câu ca dao quen thuộc:
“Chồng nóng thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa có đời nào khê.”
Bài học nấu cơm của mẹ trở thành “của hồi môn” đến khi tôi đi lấy chồng – một thứ của hồi môn mà tôi dùng cả đời không hết. Nơi căn bếp này, ngày tôi còn nhỏ, vào những ngày mưa, ba tôi thường làm món kẹo lạc – món kẹo duy nhất chúng tôi được ăn bất chợt mà không phải chờ đến Tết, vì nhà tôi rất sẵn đậu phộng. Anh em chúng tôi túm tụm nhau lại, cố gắng bóc thật nhanh và thật nhiều đậu phộng để mẻ kẹo sớm được lên mâm, lại được đầy đặn một chút. Sở dĩ ba tôi luôn giành việc làm kẹo này là vì ông chiều chúng tôi, muốn chúng tôi được thưởng thức những thanh kẹo ngon ngọt nhất. Nếu để mẹ làm, ắt hẳn bà sẽ tiết kiệm đường, mẻ kẹo vì thế mà kém ngon đi.
Nơi căn bếp này, ngày tôi còn nhỏ, bà nội tôi vẫn lọ mọ sớm trưa. Khi ấy bà đã già yếu, lưng còng rạp xuống, nhưng lúc nào cũng lần mò làm hết những việc không tên trong bếp. Bà quét dọn bếp núc, lau chùi chạn bát, cọ rửa những chiếc xoong đen sì vì nhọ nồi, hay sắp xếp rổ rá giần sàng cùng những chiếc rế sao cho thật gọn… Và, vết tích những mối bận tâm rất đỗi nhà nông của bà vẫn còn chi chít ở trên tường.

Bà có thói quen ghi chú bằng cục than lên mảng tường bếp, nơi bà dễ nhìn thấy nhất. Nào là ngày sạ lúa, ngày bỏ giống heo nái, nào là ngày con gà mái mơ bắt đầu ấp trứng, ngày lũ gà con xuống ổ, rồi ngày con cháu có đứa nào đó đi xa… Bà ghi lại tất cả những thứ bà cần nhớ mà không thể nhớ bằng chính bộ não đã rệu rã của mình. Đến bây giờ, những dòng chữ, những con số ngày tháng ấy vẫn còn, dù đã mờ nhạt. Chỉ có bà là không còn. Bà đã về trời theo khói bếp bay lên…
Cũng nơi căn bếp này, ngày ấy, ông nội đã dạy tôi viết ba chữ Hán đầu tiên, cũng bằng “viên phấn” là cục than đen sì: Chữ “Nhân”, chữ “Tâm” và chữ “Đức”. Ông bảo, làm người là phải có tâm, có đức. Không có tâm, có đức thì không thể thành người. Chữ “Nhân” viết rất đơn giản, chỉ tượng một người đang đi. Chữ “Tâm” tựa quả tim đang đập. Còn chữ “Đức” thì khó hơn nhiều, nhưng chỉ cần học thuộc câu “mẹo” này, ắt cuối đời vẫn nhớ: “Chim chích mà đậu cành tre/ Thập trên, tứ dưới, nhất đè chữ tâm”. Ông nhắc tôi phải nhớ, trong chữ “Đức” có chữ “Tâm” – có một trái tim đang đập. Ông tôi cũng đã theo ngọn khói để đoàn tụ với bà. Điều mà ông để lại, ngoài những nét chữ rắn rỏi trên bức tường bếp cũ, còn là những đứa cháu đã nên người, có đức, có tâm…
Tôi bồi hồi sống lại những tháng ngày đẹp đẽ và hạnh phúc nhất của quãng đời vô ưu vô lo xưa nơi căn bếp này, mà không hề hay biết con mèo mướp già đã nằm cuộn tròn trong lòng tôi từ lúc nào. Tiếng gừ gừ khe khẽ, đều đều của nó khiến lòng tôi thêm ấm.
Ngày xưa, khi còn là một cô học trò tóc bím, tôi đã cột nó – cũng bé xíu xiu và gầy guộc như tôi – vào cái kiềng bếp này, lúc nó mới được xin về. Thế mà giờ đây nó đã già hom hem, và tôi thì không còn trẻ nữa. Thời gian cứ thấm thoát trôi. Những được mất trong đời đôi khi cũng chỉ như con mèo già thay lông rồi lại mọc.
Tôi cứ nghĩ miên man như thế, rồi sực tỉnh bởi tiếng lạch cạch chẻ tre của mẹ. Mẹ tôi chẻ cái ống tre khô làm đóm, để dành nhóm bếp, và để ba tôi mồi điếu thuốc lào. Rồi bà lại chẻ thêm mớ tre tươi làm lạt để sáng mai gói bánh chưng. Sáng mai, tôi sẽ dậy thật sớm làm lá cùng mẹ, rồi phụ mẹ thái thịt, hấp đậu, gói bánh… Các con của tôi chắc sẽ ngồi xung quanh xem bà và mẹ làm, để rồi đến cuối cùng, chúng sẽ xin bà phần gạo thịt còn lại để tự tay gói chiếc bánh chưng út ít như chúng tôi ngày xưa, lòng rộn lên vui sướng.
Nhưng, không biết tối mai có còn ai ngồi quây quần cùng tôi trong căn bếp đầy ắp kỉ niệm này, lập hội chơi tù xì quẹt lọ nghẹ để đợi nồi bánh chưng đang sôi lục bục đến khuya; đợi chiếc bánh bé bỏng gói gọn cả niềm hân hoan thơ dại được vớt ra đầu tiên; và đợi tiếng pháo hoa rộn ràng trên truyền hình vang lên cùng bài hát “Happy new year”, trong thời khắc đất trời chuyển mình sang năm mới…